Times of Israel dẫn bản tin của kênh truyền hình Channel 2 Israel cho biết, phần lớn binh sĩ IRGC đã trở về Iran, và số còn lại đang trên đường rút khỏi Syria. Tổng thống Hassan Rouhani đã đưa ra quyết định rút quân và được lãnh tụ tối cao Ali Khamenei thông qua.
Trong hơn 2 năm qua, các đơn vị thuộc IRGC, trong đó có lực lượng tinh nhuệ Quds, đã chiến đấu sát cánh quân chính phủ Syria và các lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, nhằm ngăn chặn bước tiến của phe nổi dậy.
Theo số liệu Channel 2 thu thập được, sau hơn 2 năm giao chiến, 160 binh sĩ IRGC đã thiệt mạng, trong đó có ít nhất 6 tư lệnh cấp Đại tá trở lên, cùng hơn 300 binh sĩ khác bị thương.
Cả Channel 2 lẫn Rudaw đều không nêu ra lý do Iran quyết định rút quân, nhưng cũng chỉ ra một truyền thống của quốc gia Hồi giáo này, đó là không điều động binh sĩ tham chiến tại các khu vực bên ngoài đường biên giới với Iran.
Việc đưa IRGC tới Syria có thể coi là một ngoại lệ hiếm hoi của Tehran.
Nhưng nay, với lệnh ngừng bắn đang có hiệu lực, cộng với những bước tiến đáng kẻ trong thời gian qua của liên minh Assad-Nga, và sự hỗ trợ của lực lượng người Kurd, dường như Iran cảm thấy sự hiện diện quân sự của họ tại Syria đã không còn cần thiết.
Tuy nhiên, theo thông tin của Channel 2, 700 cố vấn quân sự Iran sẽ ở lại Syria để hỗ trợ quân chính phủ Assad.
Ngoài ra, Tehran vẫn sẽ tiếp tục trang bị vũ khí và hỗ trợ phong trào Hezbollah, một lực lượng vũ trang khác cũng đang chiến đấu ủng hộ chính phủ Syria hiện nay trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy.
Channel 2 cũng không quên chỉ trích Tehran đang đứng đằng sau hỗ trợ về mặt tài chính cho các cuộc tấn công khủng bố của Palestine nhắm vào Israel tại dải Gaza, bằng cách trả tiền cho các phần tử "tử vì đạo" và đảm bảo chi tiêu cho gia đình của họ.
Trong bản tin của mình, Channel 2 cũng nhắc đến phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ trong phiên điều trần trước Quốc hội nước này tuần trước, rằng Iran đã rút "một lượng lớn" binh sĩ IRGC ra khỏi chiến trường Syria.
"IRGC thực chất đã và đang rút quân khỏi Syria. Lãnh tụ tối cao Khamenei đã thông qua việc rút quân. Sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria thực chất đang giảm dần.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là [Iran] từ bỏ các hoạt động vận chuyển vũ khí từ Syria qua Lebanon. Đó đang và sẽ vẫn là một điều đáng lo ngại" - ông Kerry phát biểu với các nghị sĩ Mỹ.
Từ trước đến nay, Tehran chưa bao giờ đưa ra thông số chính thức về quân đội của họ tại Syria.
Trong một diễn biến liên quan, các đồng minh thuộc phe cải cách của Tổng thống Hassan Rouhani đã giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên của Iran kể từ sau khi kí kết hiệp ước hạt nhân.
Theo hãng thông tấn BBC, với 90% lượng phiếu đã được kiểm, đảng Hi vọng thân Rouhani dự kiến sẽ chiếm lĩnh cả 30 ghê quốc hội tại thủ đô Tehran.
Phe cải cách của ông Rouhani có thiên hướng cởi mở hơn với phương Tây, và dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hội nhập kinh tế Iran sau khi lệnh cấm vấn đã được dỡ bỏ.
Kết quả bầu cử quốc hội tại Tehran luôn mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi các đại biểu thủ đô thường là những người quyết định đường lối chính trị của cả quốc hội.
Sau khi bầu xong 290 đại biểu quốc hội và 88 thành viên Hội đồng Chuyên gia, Hội đồng Chuyên gia sẽ chọn ra lãnh tụ tối cao mới cho Iran để thay thế ông Ali Khamenei nay đã ở tuổi 76 và sức khỏe không ổn định.