Tất cả những động thái này đã khiến không ít các chuyên gia phân tích chiến lược quốc tế cho rằng, Trung Quốc đang xây dựng “chiến lược chống xâm nhập Biển Đông”, trong đó “mũi giáo” nhằm vào Mỹ và đồng minh của Mỹ ở khu vực.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, phân tích từ những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang lắp đặt hệ thống ra đa tần số cao tại đá Châu Viên (Trung Quốc gọi là đá Hoa Dương) thuộc quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa).
Tuy nhiên, Cục Báo chí Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại tuyên bố rằng, Trung Quốc bố trí thiết bị phòng vệ lãnh thổ cần thiết trên các đảo, bãi đá tại khu vực Biển Đông là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp, cũng là hành động Trung Quốc thực thi quyền tự vệ mà luật quốc tế cho phép.
Căn cứ vào những bức ảnh vệ tinh do “Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á”, một cơ cấu thuộc quyền của CSIS có thể thấy, Trung Quốc đã và đang bố trí các loại ra đa khác nhau trên nhiều đảo, bãi đá mà Trung Quốc đang kiểm soát ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Điều này sẽ khiến tình hình khu vực thay đổi.
Hơn nữa, với những đường băng sân bay Trung Quốc mới xây dựng tại đây cùng với hệ thống phòng không bố trí tại quần đảo Hoàng Sa đã cho thấy ý đồ chiến lược lâu dài nhằm “Chống xâm nhập Biển Đông” của Trung Quốc đang ngày càng lộ rõ.
Các chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng, đá Châu Viên hiện đã trở thành một trong số 7 đảo nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tập trung sức lực bồi đắp trong suốt hai năm qua.
Theo những bức ảnh chụp từ vệ tinh, Trung Quốc đã lần lượt xây dựng hai trạm radar ở phía Tây và phía Đông của đá Châu Viên còn ở phía Nam đá Châu Viên đã xuất hiện các kiến trúc hình trụ và nhiều khả năng đây là hệ thống ra đa tần số cao.
Gregory Poling, người phụ trách “Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á”, phân tích rằng đá Châu Viên (nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa) là vị trí tốt nhất để bố trí ra đa tần số cao.
Theo đó, tàu thuyền và máy bay từ Eo biển Malacca đi về phía Bắc và ngược lại tàu thuyền và máy bay đi từ phía Bắc xuống phía Nam đều nằm trong phạm vi kiểm soát và cảnh báo của hệ thống ra đa này.
Ngoài ra, rất nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh hồi đầu tháng 2 vừa qua cho thấy tại các đảo nhân tạo khác thuộc quần đảo Trường Sa như đá Gạc Ma, (Trung Quốc gọi là Xích Qua), đá Ga Ven (Trung Quốc gọi là Nam Huân) cũng đã được bố trí hệ thống ra đa.
Các nhà phân tích quân sự quốc tế cho rằng, hành động này của Trung Quốc là nhằm "cân bằng" với hành động “tự do đi lại” mà Mỹ triển khai nhằm vào Trung Quốc tại Biển Đông.
Tuy nhiên, bản chất của sự việc chính là Trung Quốc đang hình thành một chiến lược lâu dài mang tên “chống xâm nhập Biển Đông”, trong đó đối tượng chính là Mỹ và các đồng minh châu Á.
Lý giải về vấn đề này, Cục Báo chí Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, các công trình Trung Quốc xây dựng trên các đảo và bãi đá tại khu vực Biển Đông là xuất phát từ mục đích dân sự, trong đó bao gồm các thiết bị dẫn đường, dự báo khí tượng thủy văn... nhằm cung cấp sản phẩm dịch vụ công cộng tốt hơn cho cộng đồng quốc tế.
Trái lại, Mỹ đẩy mạnh bố trí quân sự tại khu vực Biển Đông, ngang ngược khoe khoang sức mạnh quân sự, điều tàu chiến và máy bay chiến đấu áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp ở Trường Sa, khiêu khích Trung Quốc, đồng thời lôi kéo các đồng minh và đối tác của mình tổ chức diễn tập quân sự liên hợp và tuần tra liên hợp tại khu vực Biển Đông.
Hành động của Mỹ là căn nguyên thúc đẩy “quân sự hóa” tại khu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia hàng hải quốc tế, ra đa tần số cao có thể dùng cho mục đích chấp pháp, nhưng về lĩnh vực quân sự cũng có thể được sử dụng để theo dõi máy bay tàng hình.
Vì vậy, việc Trung Quốc bố trí các hệ thống radar tần số cao tại Trường Sa cũng đã gián tiếp "công bố" rằng, tại khu vực này còn thường xuyên xuất hiện máy bay tàng hình.