Sai lầm chí mạng của Trung Quốc và "thời cơ vàng" đã mất

Hải Võ |

Ảo tưởng lớn nhất của Trung Quốc là tin rằng họ có thể dùng sức mạnh "nền kinh tế số 2 thế giới" để chia tách khối đồng minh Washington và qua mặt Mỹ.

Ảo tưởng của Bắc Kinh

Chính phủ Australia mới đây đã công bố sách trắng quốc phòng, trong đó bao gồm "kế hoạch nâng cấp hải quân toàn diện nhất kể từ Thế chiến II".

Đồng thời, Canberra cũng thẳng thừng chỉ trích hoạt động xây dựng đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành phi pháp trên biển Đông, khiến Bắc Kinh tức giận.

Chuyên gia Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga hôm 1/3 đã đăng tải bài phân tích trên mạng Sputnik (Nga), đánh giá về khả năng diễn biến của tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương hiện nay.

Không cần nghi ngờ gì, Australia có ý định xây dựng lực lượng hải quân hiện đại và mạnh mẽ hơn, về lý thuyết ngoại trừ mục đích đối trọng với Trung Quốc thì không còn lý do nào phù hợp hơn.

Theo ông Kashin, trọng điểm chính sách quốc phòng của Australia không nằm ở đối phó mối đe dọa địa chính trị đến từ Trung Quốc, mà tập trung vào chính sách "hợp tác, hỗ trợ Mỹ" cùng kiềm chế Trung Quốc.

Australia nâng cao sức mạnh quân sự không tách rời mối quan hệ liên minh giữa nước này với Washington.

"Nguồn lực của Canberra có hạn, trong khi Mỹ nợ nần nhiều và bị sa lầy trong cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như xung đột Syria.

Vì vậy, vai trò của Australia trong liên minh với Mỹ được nâng cao một cách tự nhiên. Sức mạnh quân sự của họ sẽ được tăng cường, cũng như phạm vi mà sức mạnh đó được sử dụng," ông Kashin nói.

Quá trình này sẽ không chỉ giới hạn ở việc phát triển sức mạnh quân sự của đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Học giả Kashin chỉ ra, các cụm từ như "tự do hàng hải" và "mối đe dọa Trung Quốc" sẽ ngày càng được nghe thấy một cách thường xuyên. Đây là luồng quan điểm được cho là có thể ảnh hưởng đến cả một thế hệ chính khách mới ở châu Á-Thái Bình Dương.

"Bất chấp Australia là nhà cung cấp tài nguyên khoáng sản quan trọng nhất cho Trung Quốc, còn Bắc Kinh đóng vai trò 'đầu tàu' trong sự phát triển kinh tế của khu vực châu Đại Dương, điều này cũng không ngăn cản được xu thế liên minh kiềm chế Trung Quốc.

Sức mạnh kinh tế sẽ không tự động chuyển hóa thành sức mạnh chính trị vì còn thiếu rất nhiều điều kiện cần."


Kế hoạch nâng cấp quân đội Australia được đánh giá là nhằm tăng cường mức độ kiềm chế Trung Quốc của liên minh Mỹ-Australia. (Ảnh minh họa)

Kế hoạch nâng cấp quân đội Australia được đánh giá là nhằm tăng cường mức độ kiềm chế Trung Quốc của liên minh Mỹ-Australia. (Ảnh minh họa)

Ông Vasily Kashin nhận định: "Hàng chục năm qua, Trung Quốc đã quá ảo tưởng về hiệu quả của ngoại giao bằng kinh tế mà đánh giá thấp ảnh hưởng của chính trị, ý thức hệ, quân sự cùng nhiều nhân tố khác.

Trong suốt một thời gian dài, người Trung Quốc vẫn nhận định rất ngây thơ rằng chỉ cần gia tăng quy mô đầu tư và thương mại là đủ để tranh giành sức ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực."

Trong cuộc trưng cầu đăng trên Thời báo Hoàn Cầu sáng nay (3/3), hơn 80% người tham gia khảo sát đồng ý với quan điểm của Vasily Kashin rằng Trung Quốc không thể thắng Mỹ nếu chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế.

"Thời cơ vàng" đã trôi qua

Bắc Kinh vốn tin rằng "núi tiền" của họ sẽ tác động phần nào đến chính sách của các đồng minh với Mỹ như Hàn Quốc hay Australia.

Thế nhưng trong tình hình khu vực hiện nay, Trung Quốc không có chính sách ngoại giao linh hoạt và tích cực, không có ý thức hệ "ăn khách" như Hàn Quốc, không cơ chế đối thoại trực tiếp thích hợp với nhiều tầng lớp dân chúng của các nước láng giềng.

Đó là những nguyên nhân chính khiến Bắc Kinh dù "rót" nhiều tiền cũng khó đạt được mục đích của mình trong cuộc cạnh tranh địa vị với Washington.


Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tuân thủ chính sách ngoại giao dùng kinh tế để gia tăng ảnh hưởng chính trị. (Ảnh minh họa)

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tuân thủ chính sách ngoại giao dùng kinh tế để gia tăng ảnh hưởng chính trị. (Ảnh minh họa)

Trong quá khứ, Trung Quốc đã thành công với chiến lược "taoguangyanghui" (kiềm chế và mềm mỏng với các nước lớn) của Đặng Tiểu Bình và đạt được những đột phá về chính trị, kinh tế, quân sự trong 3 thập kỷ qua.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, ở Trung Quốc đã xuất hiện những điều kiện để thay đổi chiến lược này, đồng thời thúc đẩy chuyển biến chính sách phát triển mô hình kinh tế.

Thế nhưng, chuyên gia người Nga chỉ ra, đáng tiếc là Bắc Kinh đã tuột mất "thời cơ vàng", cả trên lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị, để bắt đầu một thời đại mới.

"Những cải tổ cần thiết thì tiến hành quá muộn và quy mô bị hạn chế, nguyên nhân bởi sức cản khổng lồ đến từ tầng lớp tinh anh của Trung Quốc vốn đã quá quen với lối sinh hoạt cũ.

Mặc dù vài năm qua Bắc Kinh giành được một vài lợi thế về chiến lược trong vấn đề biển Đông, thúc đẩy được quan hệ với một số nước láng giềng Đông Nam Á.

Nhưng Bắc Kinh đồng thời trao cho Mỹ cơ hội củng cố mạnh mẽ quan hệ với các đồng minh truyền thống về quân sự, hay kinh tế thông qua Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP)," ông Kashin phân tích.

Khối đồng minh của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trở nên hùng mạnh hơn đã là thực tế diễn ra trước mắt.

"Nếu Bắc Kinh không thể xây dựng liên minh cho mình, không chế định được mô hình quan hệ đồng minh đủ lôi cuốn thì họ không có cơ hội níu chân Mỹ," Kashin kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại