Báo “Gazeta.ru” (Nga) số ra ngày 29/2 có bài viết cho biết theo kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng chuyên gia Iran, những người ủng hộ Tổng thống Hassan Rouhani, người chủ trương mở rộng quan hệ với phương Tây, đang giành chiến thắng.
Đây là một thông tin không hề tốt đối với Moskva vốn lâu nay vẫn đặt niềm tin vào những người bảo thủ Iran bị Mỹ gọi là “con quỷ Satan lớn”. Hiện Nga chỉ có thể thu hút Chính phủ Iran bằng các hợp đồng vũ khí và hợp tác ở Syria.
Moskva không thể yên tâm theo dõi cuộc bầu cử tại Iran. Dưới thời Tổng thống Ahmadinejad, ở Cộng hòa Hồi giáo này bùng nổ những tuyên truyền chống phương Tây và xu thế này chiếm ưu thế so với chủ nghĩa thực dụng chính trị. Quan hệ Nga - Iran lúc đó đặc biệt nồng ấm.
Ngoài ra, do các lệnh trừng phạt, Iran đã không thể cung cấp dầu ra thị trường các quốc gia châu Âu, do đó, Nga đã giảm bớt một đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực này.
Nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện phương Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga Vladimir Sazhin cho biết: “Hiện Iran đặc biệt cần vốn đầu tư và công nghệ cao. Tuy nhiên, tình hình kinh tế Nga hiện nay không thể đảm bảo điều đó”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Iran đã sớm biết có thể lấy gì và không thể lấy gì từ Nga. “Thỏa thuận hạt nhân” và sự mở cửa của Cộng hòa Hồi giáo này trong quan hệ với phương Tây cũng không thay đổi được bất cứ điều gì nêu trên.
Ông Sazhin nói: “Hiện chúng tôi có một số lĩnh vực cạnh tranh. Đó là vũ khí, công nghệ vũ trụ, năng lượng hạt nhân, và ở mức độ thấp hơn là vận tải đường sắt.
Trong những lĩnh vực này, Nga và Iran đã từ lâu có sự hợp tác lâu dài và hiệu quả, và khó làm xấu đi mối quan hệ hợp tác đó trong 1 thời gian ngắn”.
Ông Sergey Demidenko, Trưởng khoa trường ĐH khoa học xã hội cho rằng hợp tác quân sự với Nga chiếm vị trí trung tâm trong học thuyết chiến lược của Tehran. Chuyên gia này nói: “Cộng hòa Hồi giáo sẽ không xem xét lại chương trình quân sự của mình.
Quốc gia này nhớ rất rõ những hậu quả của mối quan hệ lạnh nhạt với phương Tây mang lại, chính vì vậy sẽ còn tiếp tục dựa nhiều vào việc cung cấp vũ khí của Nga”.
Liên quan đến việc bầu cử ở Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani và các đồng minh ngày 29/2 giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử có thể làm thay đổi chính sách của nước này đối với phương Tây sau khi được dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế liên quan tới thỏa thuận hạt nhân.
Ông Rouhani và các đồng minh theo đường lối trung dung và cải cách giành được 15/16 ghế trong Hội đồng Chuyên gia gồm 88 thành viên, theo kết quả bầu cử cuối cùng ở thủ đô Tehran.
Hội đồng Chuyên gia là cơ quan có nhiệm vụ lựa chọn lãnh tụ tối cao kế nhiệm ông Ayatollah Ali Khamenei, một giáo sĩ bảo thủ duy trì đường lối chống phương Tây.
Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli thông báo các ứng viên trong danh sách cải cách cũng nắm trọn 30 ghế tại quốc hội ở khu vực bầu cử Tehran. Trong khi đó, ở các khu vực ngoại ô Tehran, phe bảo thủ vẫn thắng thế khi giữ nhiều ghế hơn phe của Tổng thống Rouhani.
Các nhà phân tích cho rằng kết quả bầu cử ở Tehran hôm 29/2 là một đòn giáng mạnh vào hệ thống Hồi giáo bảo thủ ở nước Cộng hòa Hồi giáo này, đồng thời mở đường cho sự thay đổi chính sách kinh tế nhằm thúc đẩy đầu tư nước ngoài và thương mại với phương Tây.