Chỉ trong ngày 02/3, truyền thông thế giới xôn xao với những hành động khó hiểu liên tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ban đầu, có thông tin Ankara đã từ chối không cho tàu chiến hải quân của NATO vào vùng lãnh hải của nước này, để tới biển Aegean giám sát luồng di dân giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và hỗ trợ tàu thuyền của người di cư gặp nạn trên biển .
Ngay sau đó, người Thổ cấm máy bay của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen hạ cánh xuống đảo Lesbos của Hy Lạp để thị sát tình hình người tị nạn từ Địa Trung Hải sang châu Âu.
Mặc dù Ankara đã phủ nhận thông tin về việc từ chối cho tàu NATO vào lãnh hải. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu chính trị thế giới đã có những nhận định về hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo chuyên gia quân sự và địa chính trị, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông và Trung Á, Semen Bagdasarov: "Điều này cho thấy Erdogan đã hoàn toàn muốn thoát khỏi sự kiểm soát của Mỹ và NATO nói chung.
Tất nhiên, ông ta không muốn có một sự giám sát chặt chẽ tại khu vực biên giới, trong vùng biển tiếp giáp lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, bởi có một hoạt động có sự tham gia của các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm mục đích buôn lậu người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ đến những hòn đảo Hy Lạp”.
Theo Bagdasarov, Erdogan cũng muốn gây sức ép lên NATO bởi thực tế là NATO đã không chủ động đứng lên bênh vực Ankara trong bối cảnh đối đầu với Nga.
Tuy nhiên, những bất đồng như vậy giữa NATO và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO bởi Ankara tiếp tục đóng một vai trò chiến lược quan trọng trong liên minh quân sự này.
Trước đó, một nhà ngoại giao cấp cao nói với tờ báo Đức Deutsche Wirtschafts Nachrichten dưới điều kiện giấu tên rằng Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm và mặn mà lắm đối với kế hoạch quân sự của bà Merkel.
Tình hình ở biển Aegean bây giờ sẽ phụ thuộc vào kết quả của cuộc đàm phán tiếp theo giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.