Trả lời phỏng vấn báo Đức Deutsche Wirtschafts Nachrichten (DWN), ông Hellmeyer nhận định, trục Nga - Trung Quốc - BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi) gần như chắc chắn sẽ đánh bại bá quyền của Mỹ về kinh tế.
"Sự thật là các quốc gia đang phát triển đang tự tách mình khỏi bá quyền Mỹ.
Điều này đã được thể hiện rõ rằng qua việc trục các quốc gia mới nổi đã thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á AIIB và Ngân hàng Phát triển mới NDB, cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ Tiền Tệ Thế giới IMF".
Chuyên gia này thẳng thắn thừa nhận: "Với tôi, cuộc đối đầu (giữa Mỹ và Nga) đã được định đoạt. Trục Moscow - Bắc Kinh - BRICS đã chiến thắng. Mỹ đã có quá đủ rồi".
Ông Hellmeyer đã đưa ra những con số thực tế để dẫn chứng cho nhận định của mình. "Sản lượng kinh tế của những quốc gia này những năm 1990 chỉ chiếm 25% tổng sản lượng toàn cầu.
Tới nay, dân số của những quốc gia này chiếm 85% tổng dân số thế giới và sản lượng kinh tế thì đã chiếm tới 56%. Họ kiểm soát khoảng 70% dự trữ ngoại tệ thế giới. Họ phát triển với mức trung bình 4 - 5%/năm".
Về tình thế của EU, ông Hellmeyer cho rằng, liên minh này "đang bị kéo vào cuộc đối đầu do Mỹ gây ra. Bởi Mỹ không muốn chia sẻ quyền lực, và vì thế mà tự triệt đi cơ hội phát triển của mình. EU càng theo đuổi chính sách này thì càng phải trả giá cao".
Trong khi đó, Trung Quốc, Nga và các quốc gia khối BRICS "đang lên kế hoạch cho một dự án phát triển lớn nhất lịch sử hiện đại", bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng của Liên minh Á - Âu từ Moscow tới Vladivostok, Nam Trung Quốc và Ấn Độ.
Và như vậy, "các chính sách trừng phạt của Đức và EU sẽ không là động thái khiến cho chỉ Nga phẫn nộ".
Chỉ tính trong hiện tại, trên thực tế, những thiệt hại mà các quốc gia EU đang phải hứng chịu do các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, theo đánh giá của ông Hellmeyer, nhiều hơn các số liệu thống kê.
Cụ thể, về phần Đức, sản lượng xuất khẩu của nước này đã giảm 18% năm 2014, 34% trong 2 tháng đầu năm 2015, và đó "chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".
Nhà phân tích Hellmeyer cho rằng, các quốc gia châu Âu có quan hệ về kinh tế lớn mạnh với Nga như Phần Lan hay Bỉ, đã giảm bớt hoạt động của họ ở Đức.
"Các tập đoàn châu Âu trốn tránh lệnh trừng phạt và thiết lập các cơ sở sản xuất hiệu quả cao ở Nga. Vì thế, chúng ta (Đức) đã mất đi nguồn vốn tiềm năng - vốn là nền tảng cho sự thịnh vượng của Đức. Và Nga đã thắng".
Khi được hỏi về những thiệt hại mà EU phải gánh chịu khi theo đuổi các chính sách cứng rắn với Nga, ông Hellmeyer khẳng định, "không thể định lượng được những thiệt hại trong tương lai, nhưng nó khá lớn", và người "phải trá giá" cuối cùng sẽ là người dân EU.
Đáng chú ý, chuyên gia kinh tế người Đức cho rằng, "không có Nga và Trung Quốc, sẽ không thể giải quyết được bất cứ vấn đề nào trên thế giới.
Mỹ đang thực dụng hơn những gì chúng ta có thể tượng tượng ra. Và việc không có chương trình nghị sự riêng sẽ khiến Đức và EU là những kẻ thua cuộc".