Trong một cuộc phỏng vấn ngắn, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Martin Dempsey cho rằng, Nga đang tìm cách hạ tín dụng và cuối cùng huỷ hoại NATO.
“Tôi không thể nói với bạn, khi chúng ta đang ngồi đây thì điều chính xác ông Putin và Nga dự định là gì.
Họ đã cư xử những điều nằm ngoài luật pháp quốc tế”, tướng Dempsey nói trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal và kêu gọi các đồng minh NATO hãy tỏ ra "cứng rắn trước những hành động mang tính phá hoại" của Nga.
“Nga đã điều động các lực lượng không quân tầm xa với cả khả năng hạt nhân, đây có thể được coi là tín hiệu cho các nước châu Âu và Mỹ rằng họ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp quân sự”, tướng Dempsey nói thêm.
Tướng Dempsey đã liệt kê “các khả năng có thể đe doạ tới an ninh châu Âu” và trong số đó có việc Nga sử dụng truyền thông để tuyên truyền tư tưởng của mình.
Vào tháng 4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đề nghị quốc hội cấp thêm tiền cho chiến dịch tuyên truyền thúc đẩy dân chủ trên thế giới, nhằm đối đầu trực tiếp với sự phát triển của hãng tin “Russia Today”, cơ quan thông tấn được cho là được chính phủ Nga hậu thuẫn.
Ngoài ra, ông Dempsey cho rằng một điều đáng sợ khác là việc Nga có thể thực hiện được các bài diễn tập một cách bất ngờ.
Trên thực tế, NATO cũng đã có những biện pháp chuẩn bị cho mối đe doạ này, cụ thể gần đây nhất là việc khối đồng minh đã khai mạc cuộc tập trận BALTOPS ở biển Baltic với việc huy động đến 50 tàu chiến và 5.600 quân từ 17 nước khác nhau, nhằm minh chứng khả năng bảo vệ khả năng khu vực của NATO.
Lời phát biểu này được đưa ra sau khi ông Putin khẳng định rằng phương Tây không phải lo lắng về Nga: “Tôi nghĩ rằng chỉ có một người mất trí và trong giấc mơ mới có thể tưởng tượng ra việc Nga sẽ tấn công NATO.
Tôi nghĩ rằng một vài nước đang sử dụng nỗi sợ hãi với Nga để trục lợi riêng. Họ muốn đứng ở chiến tuyến và nhận được sự hỗ trợ về quân sự, kinh tế và tài chính hay nhiều thứ khác”.
Trong một diễn biến liên quan về vấn đề quan hệ giữa Nga và phương Tây, ngày 7/6, Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel nhất trí rằng Phương Tây cần duy trì các biện pháp trừng phạt Nga cho đến khi nước này tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine.
Trong thông cáo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) diễn ra tại miền Nam nước Đức, Nhà Trắng nêu rõ:
"Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine và nhất trí rằng việc kéo dài các biện pháp trừng phạt cần gắn chặt với việc Nga thực thi đầy đủ các thỏa thuận Minsk, cũng như Moscow phải tôn trọng chủ quyền của Ukraine."
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh châu Âu phải đoàn kết trong việc duy trì trừng phạt Nga bất chấp những tổn thất đối với khối gồm 28 quốc gia này, đồng thời hối thúc các nước G-7 gửi tới Moscow một thông điệp cứng rắn về vấn đề Ukraine.