Đảng Cộng hòa Mỹ đồng loạt biến Putin thành "bia đỡ đạn"

Đức Huy |

Với các ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ, công kích người đứng đầu điện Kremlin Vladimir Putin dường như là chìa khóa dẫn tới một kì tranh cử thành công, theo Economic Times.

Báo này nhận định, ông Putin đã trở thành một minh chứng sống cho chính sách đối ngoại mềm yếu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng như một cái cớ để chỉ trích cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, người nhiều khả năng sẽ đại diện đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm tới.

Với việc sáp nhập Crimea và cáo buộc đứng sau căng thẳng ở miền đông Ukraine, Tổng thống Nga trở thành mục tiêu công kích của các ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa. Họ cho rằng ông Putin là lý do tại sao quan hệ Mỹ - Nga đang có dấu hiệu trở lại thời Chiến tranh Lạnh.

"Những gì Putin đang làm đó là tạo dựng hình ảnh một lãnh đạo thâu tóm quyền lực. Ông ta sẽ làm mọi thứ để chứng minh rằng '[Nga] sẽ không bị phương Tây 'dắt mũi'" - ứng viên Tổng thống đảng Cộng hòa - Thượng nghị sĩ South Carolina Lindsey Graham phát biểu.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham: [Putin] sẽ làm mọi thứ để chứng minh rằng [Nga] sẽ không bị phương Tây dắt mũi

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham: "[Putin] sẽ làm mọi thứ để chứng minh rằng '[Nga] sẽ không bị phương Tây 'dắt mũi'"

Theo Economic Times, không lãnh đạo nước ngoài nào phải hứng chịu nhiều chỉ trích từ đảng Cộng hòa như ông Putin. Và thông điệp của các ứng viên Tổng thống đảng này đã quá rõ: nếu bất kì ai trong số họ đắc cử, quan hệ Nga - Mỹ sẽ còn căng thẳng hơn trước đây.

David Yepsen, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách thuộc đại học Southern Illinois, cho rằng điều này sẽ làm hài lòng các cử tri đảng Cộng hòa. Vì theo ông, họ thực sự quan tâm tới từng đường đi nước bước của Putin.

Ngoài ra, việc Tổng thống Nga có khá nhiều "tiếng xấu" trong mắt công chúng Mỹ cũng mở đường cho những màn chỉ trích Putin trong chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng của các ứng viên đảng Cộng hòa.

Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận hồi tháng 2 vừa qua do Trung tâm Nghiên cứu Pew tiến hành, 70% người Mỹ không có ấn tượng tốt về người đứng đầu điện Kremlin.

Economic Times đánh giá, chính sách đối ngoại thường không phải là yếu tố quyết định trong các cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ, mà thay vào đó là tình hình kinh tế nước này.

Tuy vậy, các ứng viên Tổng thống Cộng hòa vẫn tiếp tục xoáy sâu vào tình hình bất ổn trên thế giới: sự tàn bạo của Tổ chức Hồi giáo cực đoan IS, sự hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, hay những gì Mỹ cáo buộc Nga đang làm tại Ukraine.

Họ cho rằng chiến lược biến Putin thành "bia đỡ đạn", thành tâm điểm của chỉ trích, sẽ giúp họ lôi kéo được một lượng người ủng hộ đáng kể.

Về phần mình, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, Putin sẵn sàng nghe những lời chỉ trích, miễn là chúng không "vượt quá giới hạn, không biến thành những lời miệt thị, sỉ nhục".

Tuy vậy, ông Peskov cũng tỏ ra không hài lòng trước việc quan hệ Nga - Mỹ trở thành "vật tế thần" cho những lá phiếu tranh cử Tổng thống Mỹ.

"Nhún một chút"

Jeb Bush, một trong những ứng viên nặng kí nhất đại diện đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống, cho biết ông sẽ khiến Putin "nhún một chút". Ông Bush sẽ nói rõ hơn về chính sách ngoại giao với Nga của ông trong chuyến công du châu Âu tuần này.

Ông Putin cũng là lãnh đạo nước ngoài duy nhất được nhắc đến trong bài diễn văn tuyên bố tranh cử Tổng thống của Thống đốc bang Texas Rick Perry hôm 4/6 vừa qua.

"Vladimir Putin dùng khí đốt để khống chế các đồng minh của chúng ta. Nếu như họ muốn dùng khí đốt làm vũ khí, thì nước Mỹ của chúng ta phải có kho vũ khí lớn nhất" - ông Perry tuyên bố hùng hồn.

Thống đốc bang Texas Rick Perry trong buổi tuyên bố tranh cử Tổng thống. Ảnh: Reuters

Thống đốc bang Texas Rick Perry trong buổi tuyên bố tranh cử Tổng thống. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, việc "nói xấu" Putin cũng được các ứng viên Cộng hòa dùng làm cái cớ để qua đó chỉ trích chính sách của ông Obama và đặc biệt là ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng.

"Obama và Clinton đã quá 'dễ dãi' với Putin, đáng ra họ phải gây nhiều sức ép hơn. Chính bà Clinton là người đã khởi xướng cái gọi là 'tái thiết' quan hệ với điện Kremlin năm 2009, giờ hãy nhìn xem điều đó đem lại cái gì" - ông Perry phát biểu.

Từ trước đến nay, nghị sĩ đảng Cộng hòa ở lưỡng viện Mỹ luôn ủng hộ các chính sách cứng rắn với Nga như đẩy mạnh trừng phạt kinh tế, gửi vũ khí sát thương cho Ukraine, hay tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho NATO.

Trong khi đó, Tổng thống Obama tuy đã áp đặt lệnh trừng phạt nhưng vẫn chưa đặt bút kí phê chuẩn dự luật hỗ trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, do lo ngại sẽ làm căng thẳng thêm tình hình miền đông nước này.  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại