Tránh lệ thuộc Trung Quốc, Nga quyết "bênh" Triều Tiên

Đức Huy |

Theo phân tích của trang Russia Beyond the Headlines (RBTH), việc Nga tiếp tục bảo vệ thay vì trừng phạt Triều Tiên đem lại một số lợi ích cực kì quan trọng đối với Moscow.

Mới đây, khi được hỏi về tình hình nối lại đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, đặc phái viên Grigory Logvinov nói trên RIA Novosti rằng Moscow cương quyết phản đối mọi "thuyết âm mưu" nhắm tới Bình Nhưỡng.

"Những ý định gia tăng sức ép đối với Triều Tiên sẽ phản tác dụng, và đương nhiên không thể dẫn tới một kết cục có lợi" - ông Logvinov khẳng định.

Phát biểu này đi ngược lại với tuyên bố đầu tháng Năm vừa qua đến từ 3 đại diện khác của bàn đàm phán 6 bên, đó là Mỹ, Nhật Bản, và Hàn Quốc.

Trong một cuộc họp mặt tại Seoul, cả 3 nước đều khẳng định sẽ tăng cường sức ép bằng các lệnh trừng phạt, hòng kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.

Tuy nhiên, theo ông Logvinov, nước Nga cho rằng tăng cường lòng tin giữa các bên liên quan, cũng như giảm thiểu các hoạt động quân sự sẽ là giải pháp hợp lý hơn so với việc tăng cường sức ép lên Bình Nhưỡng.

Đàm phán và chiến dịch Hướng Đông của Nga

RBTH cho biết, các nhà phân tích lúc này vẫn hoài nghi về khả năng nối lại đàm phán 6 bên, vì sự khác biệt trong cách tiếp cận vấn đề giữa các bên liên quan.

"Đối với Mỹ và đồng minh, bàn đàm phán này là cách để họ gây áp lực lên Triều Tiên nhằm phi hạt nhân hóa cũng như thay đổi chế độ của nước này" - chuyên gia Konstantin Asmolov thuộc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên - Viện Nghiên cứu Viễn Đông nhận định.

"Còn đối với Triều Tiên, đàm phán lại là cách để họ nhận được sự công nhận, dù ít ỏi, về khả năng hạt nhân của mình" - ông nói thêm. Điều này dẫn đến thất bại của các cuộc đàm phán trước đây.

Còn theo chuyên gia Gevorg Mirzayan thuộc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada, lúc này Nga có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba "công sức tiền của" hòng giúp nối lại đàm phán. Vì theo ông, Moscow hoàn toàn có thể tận dụng đàm phán để khẳng định vị thế trong khu vực.

"Đàm phán sẽ là thời cơ để Nga cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu không sớm 'kết thân' với hai nước này, chính sách 'Hướng Đông' của Điện Kremlin sẽ gặp trở ngại nghiêm trọng do quá phụ thuộc vào Trung Quốc" - ông phân tích.

Nga - "chất xúc tác" cho đàm phán

Theo các chuyên gia, Nga có thể đóng vai trò "chất xúc tác", giúp các bên vượt qua được sự thiếu tin cậy lẫn nhau để đi đến thỏa hiệp.

Cụ thể, Moscow có thể giúp Bình Nhưỡng yên tâm bằng cách đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, như cái cách mà Nga đã làm với Iran trước đó, đồng thời cung cấp cho Triều Tiên nơi lưu trữ nguyên liệu hạt nhân.

Theo ông Asmolov, chính Triều Tiên cũng đánh giá cao tầm quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao với Nga, và muốn Nga can thiệp nhiều hơn vào quá trình đàm phán.

Ông Asmolov nhắc tới hai chi tiết liên quan tới lễ kỉ niệm Ngày Chiến thắng mới đây tại Nga mà không nhiều người để ý. Thứ nhất, dù Kim Jong Un không tham dự, nhưng "nhân vật số hai" Kim Yong Nam đã có mặt tại Moscow vào ngày 9/5.

Ông Kim Yong Nam tại đại lễ Ngày Chiến thắng. Ảnh: AP
Ông Kim Yong Nam tại đại lễ Ngày Chiến thắng. Ảnh: AP

Thứ hai, truyền hình Triều Tiên khi đó đã đăng tải một bài phát biểu 10 phút về Cuộc chiến Vệ quốc do đại sứ Nga tại Triều Tiên soạn thảo, trong đó có đoạn nói về ý nghĩa của cuộc chiến đối với cả Nga lẫn Triều Tiên.

"Đây là điều trước đây chưa từng xảy ra" - ông Asmolov cho biết.

Thêm vào đó, Triều Tiên cũng là một nước phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ông ông Mirzayan, Bình Nhưỡng về bản chất không tin tưởng Bắc Kinh, và luôn lo ngại sẽ biến thành "sân sau" của Trung Quốc.

Do vậy, Triều Tiên đang cố tìm thêm những đối tác khác. Và Nga là một trong số đó.

Tóm lại, Moscow sẽ hưởng lợi từ một mối quan hệ đặc biệt với Triều Tiên, vì điều đó sẽ giúp Nga có được một con bài chính trị quan trọng, nhất là trong đàm phán với Mỹ về các vấn đề đối ngoại toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại