TQ mượn vụ Nga không kích ở Syria khuyên Mỹ bỏ "xoay trục châu Á"

Hải Võ |

Tân Hoa Xã gợi ý Mỹ nên từ bỏ chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" nếu Washington và các đồng minh không muốn tiếp tục "thất thế" trước Nga.

"Hiện tượng Nga"

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm 4/10 bình luận, trong tình hình quốc tế hiện nay, bên cạnh "sự trỗi dậy của Trung Quốc" khiến dư luận quan tâm thì "hiện tượng Nga" cũng được xem là nổi bật.

Về kinh tế, vị thế của Moscow trên thế giới ngày nay đã giảm nhiều so với Liên Xô cũ. Cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra lại khiến nước Nga thêm khó khăn khi bị phương Tây bao vây bằng các lệnh cấm vận.

Về lý thuyết, "tiếng nói" của Điện Kremlin đối với các vấn đề toàn cầu sẽ giảm sút, nhưng trên thực tế, trong lĩnh vực đấu tranh quân sự và chính trị, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn không e ngại đối đầu với phương Tây.

Mới đây, quân đội Nga đã bắt đầu tiến hành các cuộc không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria, sau khi Thượng viện nước này phê chuẩn trao quyền cho Tổng thống Putin.

Về quân sự, Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad mà Mỹ muốn lật đổ. Moscow cũng không nhượng bộ phương Tây trong vấn đề Ukraine và "phớt lờ" các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của NATO.

Đối với một đồng minh khác của Mỹ là Nhật Bản, Nga tỏ ra thiện chí đối thoại để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, song cũng nêu rõ lập trường "không nhân nhượng" trước liên minh Mỹ-Nhật.

Nga trở thành "hiện tượng" bởi trong hơn 1 năm thực hiện các biện pháp kiềm chế Moscow, Mỹ và phương Tây vẫn không làm gì được nước này, Tân Hoa Xã đánh giá.


Chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Syria đang giúp Nga thay đổi cán cân với phương Tây, ngay cả ở vấn đề Ukraine. (Ảnh: TASS)

Chiến dịch không kích nhằm vào IS tại Syria đang giúp Nga thay đổi cán cân với phương Tây, ngay cả ở vấn đề Ukraine. (Ảnh: TASS)

TQ khuyên Mỹ bỏ "xoay trục châu Á" nếu muốn đối phó Nga

Theo Tân Hoa Xã, "hiện tượng Nga" xuất hiện không hoàn toàn nhờ vị thế lãnh đạo ông Putin.

Giữa Mỹ-phương Tây và Nga tồn tại nhiều mâu thuẫn khác nhau. Mâu thuẫn chủ yếu giữa Nga-Mỹ do Moscow thách thức chủ trương của Mỹ ở một số vấn đề quốc tế.

Trong khi đó, mâu thuẫn Nga-châu Âu nằm ở những căng thẳng về địa chính trị; mâu thuẫn Nga-Nhật xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Nam Kuril/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Tân Hoa Xã chỉ ra, bất chấp giữa Nga-Mỹ/phương Tây tồn tại nhiều mâu thuẫn, song phương Tây vẫn không hình thành được thế trận thống nhất để trừng phạt Nga về chính trị, kinh tế, quân sự.

Chính điều này đã cho Moscow cơ hội thách thức lại Mỹ và đồng minh. Nguyên nhân của tình thế này, theo Tân Hoa Xã, là do trọng tâm chiến lược của Mỹ và phương Tây có sự "lệch pha", hỗn loạn.

Những năm gần đây, Washington đẩy mạnh chiến lược "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương" với mục tiêu bố trí lực lượng quân sự và trang thiết bị hiện đại nhất cùng 60% lực lượng Hải quân Mỹ về khu vực này, nhằm đối phó với sự bành trướng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, đồng minh của Mỹ tại châu Âu lại bị giới hạn bởi sức mạnh quốc gia cũng như tính chất địa chính trị, do đó trọng tâm chiến lược của Anh, Pháp, Đức... chỉ có thể duy trì ở châu Âu và bị Nga kiềm chế.

Tân Hoa Xã cho rằng, "hiện tượng Nga" xét cho cùng vẫn chỉ là những biểu hiện bề nổi. Hiện tại châu Âu còn rối loạn bởi cuộc khủng hoảng nhập cư, trong khi tình hình Trung Đông càng trở nên khó lường sau khi Nga can thiệp quân sự vào Syria.

Thực chất của vấn đề là, Mỹ đã bị hỗn loạn về phương hướng, điều phối lực lượng, điều tiết chính sách và năng lực nhận thức khi theo đuổi chiến lược "xoay trục châu Á".

"Washington đang trong tình trạng 'giữ bên này thì hở bên kia', khó có khả năng giữ được cân bằng chiến lược toàn cầu", Tân Hoa Xã viết.

Hãng thông tấn của Trung Quốc "gợi ý", Tổng thống Barack Obama chỉ còn lại 1 năm cuối cùng của nhiệm kỳ, và nếu người kế nhiệm ông tiếp tục thúc đẩy chiến lược "xoay trục châu Á", Mỹ sẽ còn gặp phải nhiều rắc rối hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại