Nhà Trắng “rạn nứt” vì vùng cấm bay là ý tưởng “nướng chưa chín”

Bích Ngọc |

Nhà Trắng "rạn nứt", có sự bất đồng ý kiến giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với nữ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, do bà cùng các ứng viên tổng thống 2016 khác đề xuất lập vùng cấm bay trên không phận Syria.

Việc Nhà Trắng "rạn nứt" là từ chuyện ông Obama thậm chí mắng bà Clinton, vì bà đề xuất lập vùng cấm bay, nhằm kết thúc cuộc nội chiến 4 năm rưỡi qua ở Syria, khiến hơn 250.000 người chết và 10 triệu người phải tị nạn qua các nước láng giềng và châu Âu.

Ý tưởng vùng cấm bay sẽ có Mỹ bảo vệ, nhằm tạo một hành lang an toàn cho người tị nạn. Nó được các ứng viên tổng thống Mỹ 2016 của cả hai đảng Dân chủ (gồm bà Clinton) và Cộng hòa xem là giải pháp tốt.

Nhưng Nhà Trắng phản đối ý tưởng này, nêu lý do lo ngại về khả năng hậu cần để thực hiện bảo vệ vùng cấm bay.

Tuyên bố lập vùng cấm bay ở Syria trên thực tế là Mỹ tuyên chiến với chính phủ Tổng thống Bashar Assad.

Việc này sẽ cần ném bom các vị trí phòng không của Syria, để bảo đảm không phận Syria an toàn cho chiến đấu cơ Mỹ bảo vệ vùng cấm bay.

Dù ông Obama đòi ông Assad phải ra đi, ông không ủng hộ sự dính líu quân sự trực tiếp nào chống lại chính phủ Syria.

Dựa theo các hoạt động trước đây của Mỹ, một vùng cấm bay trước tiên sẽ là tấn công không chỉ hệ thống phòng không của Syria, mà còn vào các cơ sở phụ của hệ thống này.

Tiếp đó, chiến đấu cơ Mỹ phải liên tục tuần tra bầu trời Syria để bảo vệ vùng cấm bay này.

Điều này có nghĩa phải có nhiều máy bay tiếp nhiên liệu trong vùng này, cùng các đơn vị tìm kiếm - cứu hộ gần Syria, đề phòng nguy cơ phi công Mỹ bị bắn rơi.

Ông Obama nói: “Chúng ta đều muốn giảm sự khổ đau ở Syria xuống mức thấp nhất.

Nhưng nhiệm vụ của tôi là bảo đảm những gì chúng ta sẽ làm phải theo hướng phục vụ quyền lợi an ninh quốc gia của nhân dân Mỹ, không để chúng ta bị dính vào những việc chúng ta không thể thoát ra, hoặc chúng ta không thể thực hiện hiệu quả”.

Nhà Trắng nói đề xuất này là một chiến thuật vận động tranh cử của bà Clinton.

Trước đó ngày 1.10, bà Clinton nói với một đài truyền hình Mỹ ở Boston: Nếu bà là tổng thống Mỹ, bà sẽ đề nghị lập vùng cấm bay, cùng những hành lang nhân đạo để chấm dứt việc dân Syria "bị tàn sát từ trên bộ và trên không”.

Hôm sau, ông Obama lên tiếng: vùng cấm bay là “ý tưởng chưa chín”, trong một cuộc họp báo.

Ông nói: “Rõ ràng bà ấy từng là bộ trưởng của tôi. Nhưng tôi nghĩ có sự khác biệt giữa việc làm tổng thống và việc ứng cử chức tổng thống.

Nếu và khi bà ấy là tổng thống, thì bà ấy sẽ có những lời đề nghị như thế. Bà ấy biết rõ đó là những đề nghị khó”.

Đây là một trong những dấu vết rạn nứt giữa bà Clinton với ông Obama. Theo hãng tin AP, bà từng là một trong những người theo “phe diều hâu” trong nhóm an ninh quốc gia trong nhiệm kỳ 1 của ông Obama.

Như Thượng nghị sĩ John McCain (Cộng hòa) và Ngoại trưởng John Kerry, bà Clinton tin rằng Nga không kích quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS là để ném bom quân nổi dậy được Mỹ chống lưng đòi lật đổ chế độ Assad.

Bà từng ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy. Năm ngoái, ông Obama miễn cưỡng ủng hộ một đề nghị trang bị vũ khí cho các nhóm quân nổi dậy.

Nhưng ông đã sử dụng sự thất bại của chương trình này, để gợi ý rằng sự cảnh giác của ông đã đúng.

Tổng thống Mỹ kế tiếp sẽ phải gánh “mớ hổ lốn” ở Syria, theo AP. Điều khiến các ứng viên phải thể hiện quan điểm.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders là đối thủ chính của bà Clinton ở đảng Dân chủ, hôm 3.10 nói: Ông chống lại ý tưởng Mỹ đơn phương lập vùng cấm bay ở Syria, vì làm thế sẽ kéo Mỹ vào cuộc nội chiến ở nước này và “dẫn đến việc Mỹ sa lầy ở vùng này”.

Ông nói: “Chúng ta không muốn tình hình nghiêm trọng ở Syria trở nên tồi tệ hơn”.

Sanders nói ông ủng hộ nỗ lực chống IS của Mỹ và của quân nổi dậy. Các ứng viên tổng thống của Cộng hòa thì ủng hộ vùng cấm bay: Jeb Bush cựu thống đốc bang Florida; Thượng nghị sĩ Marco Rubio; John Kasich, thống đốc bang Ohio và bà Carly Fiorina.

Nhưng Thượng nghị sĩ Rand Paul, người thường đề xuất hạn chế tầm ảnh hưởng Mỹ ở nước ngoài, nói việc Mỹ đánh bom quân Assad sẽ chỉ làm IS mạnh thêm.

Tỷ phú Donald Trump - ứng viên sáng giá của Cộng hòa - nói Nga muốn đi đầu trong việc đánh IS thì Mỹ cứ nên để Nga xử lý việc này.

CNN đưa tin: Ngày 3.10, không quân Nga có 20 cuộc xuất kích, tấn công 9 vị trí IS gần thủ phủ Raqqa của chúng, theo người phát ngôn Bộ quốc phòng Nga, tướng Igor Konashenkov.

Theo trung tướng Andrey Kartapolov thuộc Bộ tổng tham mưu quân đội Nga, trong 3 ngày không kích đầu tiên, không quân Nga thực hiện hơn 60 chuyến bay, ném bom hơn 50 vị trí do IS chiếm đóng.

Ông nói các cuộc không kích này đã giảm thiểu đáng kể khả năng chiến đấu của IS. Theo tình báo Nga, 600 tay IS hoảng loạn đang phải rời khỏi các vùng mà chúng từng kiểm soát, và chúng đang tìm đường đến châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại