Tổng thống Nga Putin sẽ triệt để khai thác những rạn nứt của EU?

Nguyễn Hùng |

Chuyến thăm Italy của ông Putin được xem là nhằm mục đích kiểm tra sự đoàn kết trong EU về các biện pháp trừng phạt Nga.

Vào thời điểm khoảng 2 tuần trước khi các thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp vào cuối tháng này để xem xét việc có tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt của EU với Nga hay không, Tổng thống Putin đã có chuyến công du tới Italy.

Chuyến công du này của ông Putin được cho là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Italy -  quốc gia vẫn luôn miễn cưỡng trước việc trừng phạt Nga và là nước đi đầu khi đề xuất các cuộc đối thoại với Moscow.

Trong chuyến thăm Italy, ông Putin đã dự Lễ khai mạc Hội chợ Milan Expo 2015 và có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Matteo Renzi.

Sau đó Tổng thống Nga Putin đã bay tới Rome để gặp gỡ với Tổng thống Italy Sergio Mattarella cũng như cựu Thủ tướng và là bạn thân của ông là Silvio Berlusconi.

Cũng trong chuyến công du này, ông Putin đã có cuộc gặp với Giáo hoàng Francis tại Vatican.

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Italy tại cuộc họp báo chung (Ảnh: Kremlin.ru)

Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Italy tại cuộc họp báo chung (Ảnh: Kremlin.ru)

Tìm quan điểm tương đồng về xung đột tại Ukraine

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Italy Matteo Renzi, cả Nga và Italy đều nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận Minsk 2, coi đó là chìa khóa để giải quyết cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine.

Trong khi Thủ tướng Italy nhấn mạnh việc phải thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk để tháo gỡ những bế tắc của cuộc khủng hoảng Ukraine, Tổng thống Nga Putin cũng nói rằng, một giải pháp hòa bình là con đường duy nhất giải quyết vấn đề Ukraine.

Theo Reuters, khi bàn về tình hình Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 2 là yếu tố sống còn để chấm dứt xung đột tại miền Đông Ukraine.

“Chúng ta đều rất quan tâm tới cuộc khủng hoảng Ukraine và chúng ta đều biết rằng không có giải pháp nào ngoài giải pháp hòa bình là có thể chấp nhận được cho vấn đề Ukraine.

Italy cũng đã ủng hộ điều này. Các thỏa thuận Minsk phải được thực thi đầy đủ, từ các điều khoản về xã hội, chính trị nhân đạo đến thỏa thuận quân sự", Reuters dẫn lời ông Putin.

Tại cuộc gặp tại Vatican diễn ra sau đó, Giáo hoàng Francis và Tổng thống Putin cũng nhất trí sự cần thiết phải xây dựng bầu không khí đối thoại thoải mái và thực hiện thỏa thuận Minsk đạt được hồi tháng 2 để giải quyết khủng hoảng Ukraine.

Theo các nhà phân tích chính trị, chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin là một nỗ lực của Điện Kremlin nhằm tận dụng mối quan hệ tương đối tốt đẹp giữa Rome với Moscow bất chấp những sóng gió trong quan hệ giữa Nga và các quốc gia phương Tây khác.

Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp với Giáo hoàng Francis (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp với Giáo hoàng Francis (Ảnh: Reuters)

Khai thác những rạn nứt trong EU về các biện pháp trừng phạt Nga

Trước chuyến thăm của ông Putin, cuối tuần qua, Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 diễn ra tại Đức đã thông qua một tuyên bố, theo đó việc có tiếp tục các biện pháp trừng phạt với Nga hay không sẽ phụ thuộc vào việc “Nga thực hiện đầy đủ những cam kết của thỏa thuận hòa bình Minsk và tôn trọng chủ quyền của Ukraine".

Cho đến nay, phương Tây vẫn cáo buộc Nga hỗ trợ phe đối lập ở Đông Ukraine, tuy nhiên Nga phủ nhận mọi cáo buộc này.

Theo các nhà phân tích, Điện Kremlin dường như đã cố gắng để khai thác các vết rạn nứt của EU bằng việc “tán tỉnh” các chính phủ cũng như các đảng phái chính trị tại châu Âu vốn bày tỏ sự cảm thông đối với Nga. 

Vào tháng 4 vừa qua tại Moscow, ông Putin đã đón tiếp và hội đàm với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras - người luôn phản đối việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga. 

Trước đó vào tháng 3, ông Putin cũng có cuộc gặp với một nhân vật khác [phản đối việc trừng phạt Nga] là Thủ tướng Hungaria Viktor Orban ở Budapest để thảo luận về các vấn đề hợp tác năng lượng.

Các quan chức Nga cũng đã một lần nữa nhắc lại rằng, quan điểm của các nước phương Tây đối với Nga là không đồng nhất. 

Đầu tuần này, người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov nói rằng, Nga sẽ quan sát "sắc thái" của các nước G7 trong cách tiếp cận các pháp trừng phạt chống lại Nga.

"Các cuộc gặp của ông Putin tại Italy nhằm gửi một thông điệp rằng, Nga không phải là chỉ có khả năng làm bạn với phía Đông và phía Nam, mà còn với phương Tây", Alexei Arbatov - một học giả tại Trung tâm Carnegie Moscow nói. 

"Ông Putin muốn chứng minh rằng phương Tây không thống nhất quan điểm về cuộc khủng hoảng tại Ukraine và rằng G7 có thể có tất cả những điều họ muốn, nhưng các thành viên của G7 sẽ để ngỏ khả năng có mối quan hệ vững chắc với Nga."

Trong khi đó, Alla Yazykova - một học giả chuyên nghiên cứu về khu vực Địa Trung Hải và Biển Đen tại Viện châu Âu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga thì cho rằng, Italy có thể cung cấp Putin một cơ hội trong quan hệ với phương Tây. 

Mặc dù không chắc Italy có thể gây ảnh hưởng trong chính sách của EU đối với Nga, nhưng việc duy trì mối quan hệ ấm áp với Rome sẽ giúp Moscow tiếp tục “đặt một chân” ở phương Tây

Theo báo cáo của tập đoàn ngân hàng Italy, Intesa Sanpaolo, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga đã gây thiệt hại trực tiếp cho nền kinh tế Italy khoảng 5 tỷ euro (5,9 tỷ USD).

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Corriere della Sera (Italy) trước chuyến thăm, Tổng thống Putin đã khẳng định rằng: “Các đối tác Italy của tôi luôn đặt lợi ích của Italy, của người dân Italy lên đầu tiên.

Và họ tin rằng, để phục vụ lợi ích của đất nước, bao gồm lợi ích kinh tế và chính trị, họ cần phải duy trì quan hệ thân thiện với Nga”.

"Ông Putin coi Italy là một liên kết yếu của Liên minh châu Âu bởi trong số tất cả các nước EU, Italy là một nước cởi mở hơn trong việc có thể thỏa hiệp với Nga", bà Yazykova nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại