Hôm 10/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du tới Italy, nhân Ngày nước Nga tại Triển lãm toàn cầu Milano.
Chuyến công du một nước phương Tây của nguyên thủ Nga diễn ra chỉ chưa đầy 48 giờ sau khi Hội nghị thượng đỉnh G7 kết thúc, trong bối cảnh xung đột tại miền đông Ukraie ngày càng gia tăng kèm theo đe dọa tiếp tục trừng phạt Moscow.
Tại buổi họp báo chung ở Milan với Thủ tướng Matteo Renzi, khi được hỏi “Hiện nay, Liên bang Nga thiết lập quan hệ như thế nào với nhóm G7", Tổng thống Vladimir Putin đã thẳng thắn đáp lại: “G7 không phải là một tổ chức. Đó là một dạng câu lạc bộ theo sở thích”.
Ông tuyên bố, vào thời điểm này, Moscow “không có quan hệ gì với G7”, theo Sputnik.
89% người Đức muốn Nga quay trở lại G8
Kết quả trên được công bố sau một cuộc thăm dò ý kiến người dùng trên các trang teletext do kênh tin tức n-tv (Đức) - một mạng lưới chi nhánh của CNN - tiến hành.
Tuy nhiên, một cuộc thăm dò khác do Sputnik (Nga) tổ chức cho thấy, chỉ có hơn 27% ý kiến ủng hộ Nga thảo luận các vấn đề chính trị quốc tế trong khối này, trong khi trên 63% số người tham gia cho rằng khối này đã từ lâu đánh mất sự liên hệ của mình đối với thế giới.
Kết quả trên n-tv cho thấy, cho tới 89% người Đức muốn Nga quay trở lại G8.
Trong khi một cuộc thăm dò trên Sputnik cho tới thời điểm này chỉ có 27% ý kiến ủng hộ Nga thảo luận các vấn đề chính trị quốc tế trong khối này
G7 là một nhóm bao gồm 7 cường quốc công nghiệp mạnh nhất thế giới: Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ và Canada. G7 trở thành G8 khi Nga đã tham gia vào năm 1998.
Tuy nhiên, vào tháng 3/2014, lãnh đạo nhóm G7 tuyên bố tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G8, theo kế hoạch tổ chức trong tháng 6/2014.
Thay vào đó, nhóm G7 tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Brussels. Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea trở thành một phần lãnh thổ Nga.
Kể từ đó, đã có rất nhiều cuộc thảo luận với một số chính trị gia và các nhà doanh nghiệp cho rằng việc từ chối mời Nga là một "cơ hội bị bỏ lỡ" để thiết lập một cuộc đối thoại mang tính xây dựng trong một số cuộc xung đột.