Tình hình biển Đông: TQ bành trướng bằng chiến thuật "cắt xúc xích"

Hải Võ |

Một phân tích mới đây trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) cho thấy Trung Quốc dường như rất "vui vẻ" đón nhận các phản ứng ngày càng mạnh mẽ của Mỹ trên biển Đông.

Mỹ và quốc tế càng phản ứng mạnh, Trung Quốc... càng mừng?

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 23/2 đăng tải bài bình luận về việc chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông có thể đẩy tình hình khu vực đi xa khỏi tầm kiểm soát.

Hồi năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã gửi lên Liên Hợp Quốc một tấm bản đồ thể hiện yêu sách "đường chín đoạn" vô lý của nước này đối với phần lớn diện tích biển Đông. Đây là động thái làm căng thẳng khu vực leo thang, khiến tình hình biển Đông phức tạp kéo dài đến nay.

Mới đây, Trung Quốc đã bố trí trái phép 8 tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đồng thời, Bắc Kinh bị phát hiện đã tiếp tục triển khai trái phép các loại máy bay chiến đâu Shenyang-11 và JH-17 ở đảo này.

Hành động của Bắc Kinh ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các quốc gia ASEAN, Mỹ và cộng đồng quốc tế và làm căng thẳng khu vực diễn biến xấu đi.

Theo SCMP, Trung Quốc đang ngang ngược dựa vào các "ưu thế vượt trội sẵn có" để chèn ép, tranh giành lợi ích trong mâu thuẫn với các nước trong khu vực.

Trong phản ứng đáp trả hành động ngông cuồng đẩy mạnh bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép mà Bắc Kinh tiến hành trên biển Đông, quân đội Mỹ cũng gia tăng hoạt động tuần tra gìn giữ tự do hàng hải. Điều này là thách thức đối với chủ trương của Trung Quốc.

Tuy nhiên, SCMP chỉ ra, không biết Mỹ cần tiến hành bao nhiêu cuộc tuần tra biển Đông mới đủ để khiến chính phủ Trung Quốc lo ngại đến mức phải cân nhắc thay đổi chiến lược?

Bởi trong góc nhìn dưới sự tuyên truyền của hệ thống truyền thông nhà nước Trung Quốc, phản ứng của Mỹ càng mạnh mẽ thì càng cho phép Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) "danh chính ngôn thuận" tăng cường sức mạnh quân sự ở biển Đông.

GĐ Chương trình an ninh quốc tế, Viện Lowy (Australia)
Tiến sĩ Euan Graham
Cùng với căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia ASEAN, việc Bắc Kinh bố trí radar (trái phép-PV) ở quần đảo Trường Sa là nhằm mục đích tăng cường khả năng kiểm soát biển Đông, thay đổi cục diện "cân bằng".

Chiến thuật "cắt xúc xích"

Bài phân tích trên SCMP cho rằng, chính phủ Trung Quốc còn đang áp dụng một chiến thuật "nham hiểm" được tính toán kỹ lưỡng, đó là phô trương bằng mọi cách có thể sự hiện diện trên các đảo đá mà nước này chiếm đóng phi pháp ở biển Đông.

Thông thường, Trung Quốc sẽ cho các tàu cá phối hợp cùng tàu hải cảnh, chứ không phải tàu chiến của PLA, tuần tra trên biển Đông để né tránh các chỉ trích "quân sự hóa" từ truyền thông quốc tế hoặc các rắc rối pháp lý.

Đây được xem là cách để nước này "câu giờ", trong khi ngấm ngầm đẩy nhanh tiến độ hoạt động bồi lấp, cải tạo đảo nhân tạo và sau đó triển khai cơ sở hạ tầng, khí tài quân sự một cách phi pháp trên biển Đông.

Trong chiến lược tổng thể ở biển Đông của Trung Quốc, các đảo nhân tạo được xem là công cụ để thay đổi quy tắc "cuộc chơi".

Động thái bố trí các hệ thống tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu, tên lửa chống hạm... cho thấy hệ thống cơ sở hạ tầng trên đảo nhân tạo trái phép hoàn toàn đủ khả năng chứng minh hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Như vậy, trong tương lai đối với đá Chữ Thập hay đá Vành Khăn (Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam-PV), việc PLA có duy trì được quân đội thường trực hay không không còn quan trọng.

Khi cơ sở hạ tầng đã đâu vào đó, điều chính phủ Trung Quốc lo chỉ là... đưa đủ vũ khí hiện đại ra biển Đông.

Tình hình biển Đông: TQ bành trướng bằng chiến thuật cắt xúc xích - Ảnh 1.

Hình ảnh vệ tinh do DigitalGlobe cung cấp hôm 22/2 cho thấy Trung Quốc có thể đã đặt trái phép radar tần số cao trên đá Châu Viên của Việt Nam. (Ảnh: CSIS)

SCMP bình luận, mưu đồ thôn tính biển Đông bằng chiến thuật "cắt xúc xích" của Trung Quốc (tức thông qua lần lượt từng động thái bành trướng ít gây ra những phản ứng kịch liệt ở cùng một thời điểm, nhưng vẫn tuân theo lộ trình tính toán của Bắc Kinh) khiến các nước khó đối phó.

Mục đích hết sức rõ ràng của nước này ngay từ đầu đã là tạo thành "sự đã rồi", qua đó từng bước leo thang hành động đối đầu ở biển Đông.

Khi chính phủ Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép, Mỹ đã cảnh cáo lại bằng các cuộc tuần tra khẳng định "tự do hàng hải" ở biển Đông. Nhưng phản ứng của Mỹ tiếp tục khiến Bắc Kinh đưa tên lửa, máy bay ra biển Đông với cái cớ "phòng thủ".

Vì vậy, không khó để dự đoán nếu Mỹ, đồng minh và đối tác có hành động chống lại vụ Trung Quốc đưa tên lửa ra quần đảo Hoàng Sa, nước này sẽ lại nắm cơ hội để đẩy xa hành động ngang ngược theo cách trên.

Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Mỹ
Đô đốc Harry Harris
Chúng ta sẽ làm nhiều hơn (các hoạt động khẳng định tự do hàng hải) và làm ở mức độ phức tạp hơn nhiều trong tương lai. Chúng ta sẽ đi qua, bay qua và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng ta phải tiếp tục hoạt động ở biển Đông để tuyên bố vùng biển và vùng trời ở đó là thuộc về cộng đồng quốc tế.

Theo SCMP, các toan tính của chính phủ Trung Quốc đến nay là tương đối kín kẽ. Nhưng một vụ việc khiến âm mưu của Bắc Kinh có khả năng đổ bể, đó là việc nước này đang bị Philippines kiện ra Tòa thường trực quốc tế The Hague (PCA).

Sau khi "gân cổ" tuyên bố PCA không đủ thẩm quyền xử lý vụ kiện, Trung Quốc gần như đã tỏ ý sẽ né tránh mọi phán quyết bất lợi. Điều này đồng nghĩa với việc thách thức xã hội quốc tế, rằng Bắc Kinh "sẽ không tuân thủ bất kỳ phán quyết nào do PCA đưa ra".

Tuy nhiên, bất chấp phản ứng của Trung Quốc ra sao, thì một kết quả hiện hữu ở PCA vẫn là điều mà nước này không thể phớt lờ được.

Nếu Tòa thường trực quốc tế chính thức bác bỏ tuyên bố yêu sách "đường chín đoạn" thì Trung Quốc sẽ không còn cơ sở để ngụy biện cho hành động quân sự hóa biển Đông theo kiểu "bảo vệ chủ quyền cố hữu" nữa.

Bắc Kinh dường như ngày càng không ngần ngại vứt bỏ "hình ảnh chính diện" đang ngày càng bớt đẹp cảu mình để ngông cuồng tranh giành lợi ích chính trị bằng mọi giá.

Gần đây, việc các tàu Trung Quốc xuất hiện ở vùng biển Borneo Malaysia, cho thấy thủ đoạn "cắt xúc xích" đã được chính phủ Trung Quốc mưu đồ mở rộng sang khu vực này, SCMP cho biết.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam
Lê Hải Bình
Bất chấp sự phản đối, quan ngại của Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế thì Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở Biển Đông mà còn đe dọa đến hòa bình, ổn định khu vực. Ngoài ra, hành động của Trung Quốc cũng đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải, cũng như hàng không ở Biển Đông. Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm, mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại