Đến khi nào chính Mỹ sẽ hạ bệ Erdogan ở Syria?

Quang Huy |

Hoạt động khủng bố đang gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ và nguy cơ xung đột Syria lan qua biên giới liệu có thể khiến Ankara lâm vào một cuộc nội chiến, đe doạ vị thế của Erdogan.

Từ cuối tháng 6/2015, Thổ Nhĩ Kỳ đã bước vào cuộc chiến tiêu diệt Đảng Công nhân người Kurd (PKK) tại phía đông nam nước này cũng như lực lượng người Kurd ở Iraq và Syria.

Theo đánh giá của báo Nga Gazeta, những bất ổn ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay cũng giống như ở đông nam của Ukraine.

Tại đây, Ankara đã áp dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành các chiến dịch chống khủng bố, đàn áp các cuộc biểu tình phản đối chính phủ.

Trong vòng 2 tháng qua, đã có hơn 750 người bị tử hình sau khi bị chính quyền buộc tội dính líu tới PKK tại Diarbakyr.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi thủ lĩnh PPK Murat Karaiylan nói về khả năng tổ chức các hành động quân sự nhằm đáp trả lại chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước ngưỡng cửa bất ổn?

Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kavkaz (Nga) Ramazan Alpaut cho rằng, căn cứ vào tuyên bố của lãnh đạo PKK, 2 vụ đánh bom gần đây là thời kỳ đầu người Kurd triển khai kế hoạch của mình.

"Lời nhắn của họ đã đến được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ... Cuộc chiến (giữa người Kurd với Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ tiếp tục, trong bối cảnh hiện nay ở khu vực thì nó sẽ còn gia tăng”.

Thêm vào đó, khó có thể tin rằng trong bối cảnh hiện nay các lực lượng người Kurd cùng một lúc chống lại Thổ Nhĩ Kỳ mà không liên kết với nhau. Rõ ràng là PKK và những người Kurd ở Syria có mối liên hệ với mật thiết.

Dù vậy, ông này cho rằng, sự ổn định tại Thổ Nhĩ Kỳ không hề bị phá vỡ. Trong bối cảnh hoạt động khủng bố tăng mạnh ở quốc gia này thì cuộc bầu cử quốc hội vừa qua vẫn diễn ra và đảng cầm quyền cũng đã nhận được đa số phiếu bầu theo như mong đợi.

Ngược lại, giám đốc Trung tâm phân tích Alte et Certe (Nga), ông Andrei Epifantzev cho rằng, không có bất cứ lý do để một cuộc nội chiến xảy ra, tuy nhiên sự ổn định bên trong Thổ Nhĩ Kỳ đã bị phá vỡ.

Chuyên gia Quỹ văn hoá chiến lược (Nga) Andrei Areshev nhận định, mầm mống của một cuộc nội chiến đang âm ỉ ở khu vực đông nam Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm cả sự bất mãn của một số tầng lớp xã hội.

Dù Nhóm Chim ưng tự do người Kurd (TAK) đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công ở Diarbakyr, và Ankrara cũng tuyên bố có bằng chứng cho việc này, song theo ông Areshev, có một số tình tiết cho thấy còn có những lực lượng khác liên quan tới các vụ đánh bom.

Ví dụ như, các lực lượng quan tâm tới sự tan rã của tổ chức dân tộc người Kurd, hoặc ủng hộ việc thay đổi thể chế chính trị.

Chuyên gia người Nga
Andrei Areshev
Không nên quên những phần tử dân tộc cực đoan: chính sách hiện nay của Tổng thống Erdogan tại Trung Đông và tại Syria nói riêng không nhận được nhiều sự ủng hộ. Chính quyền Erdogan không được nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đồng tình, chứ không chỉ riêng người Kurd.

Hạ bệ Erdogan bằng bàn tay của người Kurd?

Mặc dù có thể nghi vấn một vài lực lượng dính líu tới các vụ đánh bom, nhưng chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tập trung vào một giả thiết duy nhất.

Theo Gazeta, có một điều đáng chú ý, đó là, theo lời của Erdogan, các chứng cứ cho thấy PPK và những người Kurd ở Syria dính líu tới các vụ đánh bom lại nằm trong tay cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ một ngày sau khi xảy ra vụ đánh bom.

Trong khi đó, công tác điều tra những hành động khủng bố tại nhiều nước mất rất nhiều thời gian.

Gazeta nhận định, không loại trừ khả năng đây là nỗ lực nhằm "quái vật hoá" dân quân Syria vì bất đồng quan điểm đang ngày càng gia tăng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về vấn đề người Kurd ở Syria.

Ankara đã từ lâu khó chịu vì sự hợp tác của những người Kurd tại Syria với PKK. Vì vậy việc pháo kích các căn cứ của người Kurd tại Syria được Thổ Nhĩ Kỳ xác định như một phần của cuộc chiến chống khủng bố cùng với Mỹ.

Tuy nhiên, với Mỹ, người Kurd tại Syria lại được coi là đồng minh hiệu quả trong cuộc chiến chống lại IS. Bên cạnh đó, vài ngày trước các thảm kịch ở Ankara và Diarbakyr, giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã nảy sinh những bất đồng mới.

Đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông John Kirby kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt không kích các căn cứ của người Kurd tại Syria – điều mà Ankara lớn tiếng phản đối quyết liệt.

Nhiều khả năng, logic của cuộc khủng hoảng Syria trong một thời gian dài đã hình thành những quan điểm chung của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, ủng hộ sự phân chia lãnh thổ Syria.

Logic này hiện giờ đang khiến cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng rằng, trong đống đổ nát của quốc gia láng giềng Syria có thể sẽ hình thành nhà nước của người Kurd. Hơn nữa, bấy lâu nay Mỹ đã thảo luận về việc hình thành nhà nước Kurdistan trong khu vực.

Báo Nga
Gazeta
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Erdogan không hề thay đổi quan điểm của mình đối với tương lai của Syria và muốn bóp chết tiềm năng của người Kurd trước khi chiếc vòng này thắt chặt vào cổ của ông.

Ankara coi những nỗ lực của Washington nhằm bảo vệ vị thế của những người Kurd tại Syria là dấu hiệu của việc người Kurd sẽ thành lập nhà nước của mình.

Qua đó, Washington sẽ tạo ra được một tâm điểm trong một khu vực đầy bất ổn, kiềm chế Iraq, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, dù Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ra cả “tối hậu thư” cho Mỹ: hoặc Thổ Nhĩ Kỳ hoặc người Kurd, thì Ankara không đạt được kết quả mong muốn.

Nó thậm chí có thể gây ra hiệu ứng ngược. Cuộc chiến của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với người Kurd trong nước có thể bị Moscow và Washington tận dụng để hạ bệ chính ông trong cuộc đua tại Syria.

Vị thế hiện nay của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khá phức tạp, và có thể chính sách của ông gây sự bất bình từ nhiều phía, không chỉ từ bên ngoài mà còn từ bên trong.

Hàng loạt các đảng phái chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, trước tiên là đảng đối lập Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) đang chịu sức ép rất mạnh từ phía chính quyền, song lại bất bình với các hành động chính trị của Ankara.

"Những phương pháp (của Erdogan) chỉ khiến cho các đối thủ chính trị của ông Erdogan trở nên cực đoan”, ông Andrei Areshev đánh giá.

Chính vì vậy, ông Areshev cho rằng nếu như những quyết sách đối ngoại của ông Erdogan vẫn khiến cho các đồng minh lo ngại, còn tình hình trong nước đang ngấp nghé bờ nội chiến thì cuối cùng con bài mang tên Kurd sẽ phương hại tới chính nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ.

Phương Tây sẽ tích cực hợp tác với cả chính quyền và đại diện của các đảng phái đối lập. Khi đó các đối thủ chính trị của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhận được sự hỗ trợ đáng kể: về thông tin, về tài chính và nhiều lĩnh vực khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại