Trong bài phỏng vấn với tờ New York Times (Mỹ) mới đây, học giả nổi tiếng Trung Quốc Diêm Học Thông đã chỉ ra, Pakistan là đồng minh thực thụ duy nhất của Trung Quốc trong tình hình quốc tế hiện nay.
Pakistan: Trọng điểm trong chiến lược của Tập Cận Bình
Hồi đầu tháng 2, trợ lý đặc biệt của Thủ tướng Pakistan về các vấn đề quốc tế, ông Syed Tariq Fatemi đã có chuyến công du quan trọng kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc), ông Fatemi cho biết Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) là một phần trong tầm nhìn chiến lược "một vành đai, một con đường" mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã giới thiệu tại quốc gia này.
Đây là kế hoạch được đánh giá mang lại sự thịnh vượng không chỉ cho Pakistan, mà còn khiến cả khu vực được hưởng lợi.
Ông Tập nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Quốc hội Pakistan tháng 4/2015, kế hoạch hợp tác song phương sẽ tập trung vào ba lĩnh vực chính. Thứ nhất là các dự án năng lượng, thứ hai là các hạng mục cơ sở hạ tầng và thứ ba là cảng nước sâu Gwadar.
Ông Fatemi cho hay tổng gói đầu tư hiện tại vào khoảng 46 tỉ USD, trong đó khoảng 35 tỉ USD dành cho dự án năng lượng do các công ty Trung Quốc hợp tác với doanh nghiệp Pakistan để xây dựng các nhà máy điện.
Đây là "đòn đánh" thông minh của Bắc Kinh bởi tình trạng thiếu điện đang là thách thức lớn nhất mà Islamabad phải đối diện thời điểm hiện tại.
11 tỉ USD khác dự kiến là các khoản vay hứa hẹn bởi các tổ chức tài chính Trung Quốc. "Và giờ thì tất cả các kế hoạch đó đã, đang và sẽ mang lại sự chuyển mình trông thấy ở Pakistan," Fatemi nói.
Cảng Gwadar của Pakistan là một trong những lý do hấp dẫn nhất khiến Trung Quốc không tiếc tiền của đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Pakistan. Nó nằm ở ngay cửa ngõ của Vùng Vịnh, vị trí "lý tưởng nhất" trong chiến lược chuỗi ngọc trai của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương.
Gwadar cũng hết sức phù hợp cho hoạt động nhập và xuất các sản phẩm đem lại lợi ích cho Pakistan, Trung Quốc và khu vực.
Trung Quốc đang tranh thủ vị trí chiến lược của Gwadar cùng với chi phí sản xuất hàng hóa thấp ở Pakistan để bắt tay cùng Islamabad xây dựng một quần thể khu công nghiệp quanh cảng này.
"Giá thành sản phẩm của Trung Quốc sẽ giảm trong khi người dân Pakistan có thêm việc làm," ông Fatemi nêu ra.
Dòng chữ "Tình hữu nghị Trung Quốc-Pakistan vạn tuế" trên tấm bảng chào mừng chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Pakistan vào tháng 4/2015. Ảnh: EPA
Trong một động thái có thể gây quan ngại cho Ấn Độ và thậm chí là Mỹ cùng đồng minh, Bắc Kinh cùng Islamabad cũng bắt tay xây dựng một sân bay quốc tế chung ở Gwadar.
Tuy nhiên, dự án này đang gặp trở ngại từ chính tình trạng bất ổn ở Pakistan và buộc nhà chức trách địa phương phải có "hành động đặc biệt" bảo đảm an ninh cho "những người bạn và doanh nghiệp Trung Quốc".
Pakistan đã phải lập ra một lực lượng đặc biệt lên tới khoảng 10.000 nhân viên được huấn luyện kỹ càng để gìn giữ an ninh đối với đối tác Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Pakistan đã bắt tay nhau và chia sẻ nhiều lợi ích chung khi cùng tham gia tiến trình hòa bình Afghanistan.
Việc Bắc Kinh tham gia vào "bộ tứ" trong nỗ lực hòa đàm Afghanistan cùng với Islamabad, Washington và Kabul đang tạo nên hình ảnh về một Trung Quốc có tầm ảnh hưởng với ổn định khu vực và là một đồng minh của Pakistan.
Ông Fatemi cho biết thêm, Pakistan đã là quan sát viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) gần 10 năm. Ông tin rằng vị trí địa chính trị, định hướng chính trị và các mối liên kết kinh tế, văn hóa, lịch sử đã đủ "chín muồi" để nước này trở thành một thành viên chính thức của SCO.
"Những vấn đề ban đầu đưa tới sự hình thành của tổ chức cũng là những lĩnh vực mà Pakistan đóng góp được vai trò quan trọng: Chống khủng bố, chống rửa tiền, đẩy mạnh kết nối, hợp tác kinh tế."
Trung Quốc là đối tác nhập khẩu lớn nhất và đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Pakistan, theo số liệu của UN Comtrade (Cơ sở Thống kê dữ liệu Thương mại tiêu dùng của Liên Hợp Quốc) năm 2014
Vì sao Pakistan muốn làm đồng minh của Trung Quốc?
Tờ Financial Times của Anh từng bình luận Trung Quốc-Pakistan là một "cặp vợ chồng lạ lùng". Giữa hai nước này tồn tại một trong những mối quan hệ ngoại giao chặt chẽ nhưng cũng khó lý giải nhất.
Theo đánh giá của một số nhà phân tích Pakistan, nước này đánh giá cao Trung Quốc so với phương Tây bởi họ tin rằng chính sách ngoại giao của Bắc Kinh với Islamabad có thể đạt được sự ổn định kéo dài lên tới... 50-100 năm.
Cuộc chiến kéo dài gần 10 năm giữa Liên Xô và Afghanistan (kết thúc năm 1989) đã khiến Pakistan lo ngại và "xoay trục" sang Trung Quốc.
Đây cũng là giai đoạn "trăng mật" giữa ba nước, khi Pakistan xây dựng một tuyến giao thông, Mỹ viện trợ tài chính và Trung Quốc cung cấp vũ khí đến tay lực lượng chống lại Liên Xô ở Afghanistan.
Giai đoạn thập niên 1980-1990, Trung Quốc bị Mỹ áp đặt trừng phạt sau sự kiện 1989, đồng thời Washington đưa ra yêu cầu "toàn thế giới cấm vận Trung Quốc" tại Liên Hợp Quốc. Pakistan là một trong số quốc gia phản đối đề nghị này.
Ban đầu, giới phân tích Trung Quốc cảm thấy khó hiểu trước chính sách của Pakistan và câu hỏi "họ được gì khi ủng hộ Bắc Kinh trong khi chúng ta đang là mục tiêu của cả thế giới vào thập niên 1990" được đặt ra.
Tuy nhiên, điều này có thể được lý giải nếu nhìn vào lịch sử đối đầu nhiều thập kỷ qua giữa Pakistan với người láng giềng Ấn Độ.
Đồng thời, qua đó thấy được tại sao Islamabad đánh giá cao một mối quan hệ đồng minh có thể ổn định trong cả thế kỷ, trong khi mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh có thể thay đổi theo từng nhiệm kỳ Tổng thống.
Dù có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, cùng những mối liên kết về kinh tế, song những “chất kết dính” này hoàn toàn lu mờ bởi sự phức tạp trong quan hệ địa chính trị Ấn Độ-Pakistan, tạo ra một mối quan hệ đầy rẫy nghi kị, thù địch và giao tranh trong suốt 70 năm qua.
Khi Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh (British Raj) tan rã vào năm 1947, cũng là lúc hai nhà nước độc lập được hình thành, đó là Dominion of India và Dominion of Pakistan, tiền thân của Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa Hồi giáo Pakistan sau này.
Tuy cùng chung một “mẹ”, song trong khi Ấn Độ trở thành một quốc gia theo chủ nghĩa thế tục, với đại bộ phận người dân theo đạo Hindu, thì Pakistan lại được thiết lập trên danh nghĩa một nước Cộng hòa Hồi giáo, với gần như toàn bộ dân số phục tùng những lời răn dạy của Nhà tiên tri Muhammad.
Sau khi giành độc lập, Ấn Độ và Pakistan thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, nhưng những màn “chia đất” đẫm máu cùng các tuyên bố chủ quyền của mỗi bên đã phá hỏng mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình, và đưa hai nước tới 4 cuộc chiến tranh.
Quân đội Ấn Độ nã pháo vào khu vực biên giới với Pakistan ở Kashmir ngày 31/5/1999. Ảnh: Getty Images
Cuộc đối đầu thứ nhất, thường được biết đến với cái tên Chiến tranh Kashmir lần thứ Nhất, đã diễn ra ngay trong năm 1947.
Tháng 10 năm đó, lo ngại Kashmir và Jammu sẽ sáp nhập vào Ấn Độ bởi người dân tại khu vực này chủ yếu là người Hindu, các bộ tộc địa phương với sự trợ giúp của quân đội Pakistan đã tấn công và chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ Kashmir.
Điều này buộc nhà vua Kashmir phải đặt bút kí Hiệp ước Sáp nhập vào Liên bang Ấn Độ, để đổi lấy sự hỗ trợ của quân Ấn. Liên hợp quốc đã nhiều lần tìm cách làm trung gian hòa giải, nhưng cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Chỉ đến khi Hội đồng Bảo an ra Nghị quyết 47 vào ngày 22/4/1948, thiết lập Đường Kiểm soát chia Kashmir thành các vùng lãnh thổ do Pakistan nắm giữ ở phía bắc và phía tây, và do Ấn Độ kiểm soát ở phía nam, miền trung, và đông bắc, thì hòa bình mới lặp lại.
Năm 1965, chiến tranh Ấn Độ-Pakistan một lần nữa bùng phát. Sau khi Pakistan phát động Chiến dịch Gibraltar nhằm kích động chống phá tại các khu vực do Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir, Ấn Độ đã đáp trả bằng một đợt tổng tiến công tại Tây Pakistan.
Trận chiến kéo dài 17 ngày, gây thương vong lên đến hàng nghìn, và tại đây cũng diễn ra trận đấu tăng quy mô lớn nhất kể từ Thế chiến II.
Sau khi Liên Xô và Mỹ can thiệp, hiệp định ngừng bắn đã được thiết lập thông qua Tuyên ngôn Tashkent. Cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố nước mình là bên thắng cuộc.
6 năm sau, Ấn Độ và Pakistan lại tuyên chiến, nhưng lần này Kashmir không còn là điểm nóng. Trong bối cảnh Đông Pakistan tuyên bố ly khai, lập nên nhà nước Bangladesh độc lập, Ấn Độ đã can thiệp để ủng hộ động thái này.
Pakistan nổ súng trước, và giao tranh giữa hai nước nhanh chóng bùng phát trên diện rộng.
Sau 2 tuần chiến tranh khốc liệt, các lực lượng quân đội Pakistan tại Đông Pakistan đã phải đầu hàng liên minh Ấn Độ - Bangladesh. Cộng hòa Nhân dân Bangladesh đã được chính thức thành lập ngay sau đó.
Đây cũng là cuộc chiến để lại thiệt hại lớn nhất giữa hai nước, với hơn 12,000 binh sĩ hai bên thiệt mạng. Ngoài ra, 97,368 cũng là con số tù nhân chiến tranh lớn nhất kể từ Thế chiến II.
Một học giả người Pakistan thậm chí còn phải chua chat thừa nhận rằng trong trận chiến này, Pakistan đã mất một nửa hải quân, ¼ không quân, và 1/3 lục quân.
Giữa và sau những cuộc chiến tranh nói trên, hai nước cũng như cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực nhất định nhằm cải thiện quan hệ hai nước, trong đó nổi bật là Hội nghị Thượng đỉnh Shimla và Hội nghị Thượng đỉnh Lahore.
Tuy nhiên, từ những năm đầu thập niên 80, quan hệ giữa hai nước lại xấu đi, nhất là sau giao tranh tại Siachen, gia tăng bạo động tại Kashmir năm 1989, các vụ thử hạt nhân năm 1998, và Chiến tranh Kargil năm 1999.
Sang thiên niên kỉ mới, một số biện pháp cải thiện quan hệ song phương khác đã đem lại hiệu quả nhất định, có thể kể đến hiệp định ngừng bắn năm 2003, hay việc thiết lập tuyến xe bus Delhi-Lahore.
Tuy nhiên, cũng như những nỗ lực trong quá khứ, quan hệ Ấn Độ-Pakistan vẫn đóng băng, và lần này “thủ phạm” là các vụ tấn công khủng bố.
Năm 2001, vụ tấn công tại Quốc hội Ấn Độ đã đưa nước này và Pakistan đến bên bờ vực một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Ngoài ra, vụ đánh bom năm 2008 tại Mumbai do các phiến quân Pakistan thực hiện cũng đã giáng một đòn nặng vào nỗ lực hàn gắn quan hệ Ấn Độ-Pakistan.
Mối quan hệ chưa cân xứng?
Cho dù mối quan hệ Trung - Pakistan được cả 2 bên miêu tả bằng rất nhiều mỹ từ, song biểu hiện của sự thân thiết đó trước công chúng có vẻ như chưa hề tương xứng.
Nhà nghiên cứu Andrew Small từ chương trình châu Á của Quỹ Marshall (Đức) chỉ ra, trục trặc trong kế hoạch công du Pakistan lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình - đã diễn ra hồi tháng 4/2015 - là một ví dụ cho thấy rõ điều này.
Ban đầu, chuyến thăm dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9/2013 song phải hoãn lại do các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Islamabad – theo khẳng định từ phía Trung Quốc.
Đã có nhiều lời đồn đoán về lý do vì sao việc lên lại lịch trình lại khó khăn tới vậy, trong khi ông Tập đã tới thăm nhiều quốc gia khác, từ Cuba tới Maldives, trong suốt quãng thời gian này.
Đỉnh điểm của đồn đoán là khi Pakistan lần đầu tiên mời ông Tập làm khách mời danh dự trong lễ diễu hành mừng Quốc khánh hồi tháng 3 - có sự hiện diện của nhiều khí tài Trung Quốc, với mong muốn không thua kém chuyến thăm Ấn Độ rất thành công của Tổng thống Obama vào tháng 1.
Thế nhưng, Pakistan đã không đạt được mục đích này vì ông Tập từ chối tới dự.
Cũng theo ông Small, "các chuyến thăm song phương hiếm khi là một thước đo tốt cho mối quan hệ Trung Quốc - Pakistan.
Nếu ai đó tìm cách đánh giá mối quan hệ này qua những cuộc gặp gỡ được sắp xếp trước, thì sẽ tự hỏi liệu hai nước có đúng là bạn hay không".
Chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 5/2013 diễn ra trong giai đoạn chuyển tiếp sau cuộc bầu cử ở Pakistan và vì vậy, nó không thể được chuẩn bị cho xứng tầm với chuyến thăm của một Thủ tướng.
Thêm vào đó, theo ông Small, Trung Quốc thậm chí còn không che giấu sự thật rằng, điểm đến chính trong chuyến công du của ông Lý, thực chất là Ấn Độ.
Trong chuyến công du năm 2007 của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Pakistan đã không nhận được sự chấp thuận từ Bắc Kinh đối với việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân gây tranh cãi như những gì Islamabad mong chờ, nhằm đáp lại thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Ấn.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và người đồng cấp Pakistan Nawaz Sharif. Ảnh: Getty Images
Nhiều chuyên gia thế giới cùng chung nhận định rằng, Trung Quốc đã không đứng về phía Pakistan trong những lúc nước này cần, đặc biệt là giai đoạn xung đột giữa Islamabad với láng giềng.
Nhà nghiên cứu về Nam Á Lisa Curtis từ Trung Tâm nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage và đồng nghiệp Derek Scissors đánh giá: "Mặc dù Pakistan coi Trung Quốc là đối tác quốc phòng đáng tin cậy hơn so với Mỹ, song Islamabad nên nhận ra rằng, sự ủng hộ của Trung Quốc là có giới hạn".
Khi Pakistan tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc trong cuộc chiến năm 1965 với Ấn Độ, Bắc Kinh đã đề nghị Islamabad rút quân khỏi lãnh thổ quốc gia láng giềng.
Trong cuộc chiến tại biên giới Pakistan - Ấn Độ năm 1999, Bắc Kinh bí mật ủng hộ những lời kêu gọi từ phía Mỹ, yêu cầu Pakistan rút lực lượng khỏi cao nguyên Kargil.
Trong cuộc khủng hoảng về quân sự của Pakistan năm 2001 - 2002, Trung Quốc tuyên bố giữ lập trường trung lập và kiềm chế, đồng thời khẳng định, Trung Quốc "là láng giềng, là bạn bè của cả 2 quốc gia".
Học giả Zhang Li thừa nhận, Trung Quốc sở dĩ có quan điểm trung lập trong các xung đột giữa Ấn Độ với Pakistan trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, một phần bởi nước này tin rằng, nó có thể tác động xấu tới tình trạng bất ổn về sắc tộc - tôn giáo ở Tân Cương hoặc Tây Tạng.
Bất ổn sắc tộc và khủng bố là một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng trong quan hệ Trung Quốc - Pakistan. Trung Quốc chưa bao giờ hết lo ngại về các phần tử cực đoan người Duy Ngô Nhĩ được đào tạo và sống tại Pakistan.
Trong năm 2011, Bắc Kinh đã công khai chỉ trích Islamabad, thậm chí là trên mặt báo, vì không thể đàn áp các hoạt động đào tạo khủng bố ở khu vực giáp biên giới Afghanistan.
Mặc khác, thay vì khuyến khích Islamabad có cách tiếp cận toàn diện về chống khủng bố, Bắc Kinh lại sử dụng quan hệ với quân đội Pakistan, các đảng phái chính trị Hồi giáo và thậm chí là chính khủng bố, nhằm thuyết phục họ ngăn các cuộc tấn công ảnh hưởng tới lợi ích Trung Quốc.
Một ví dụ, trước ngày 11/9, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Taliban nhằm ngăn chặn phiến quân Duy Ngô Nhĩ sử dụng Afghansitan làm nơi huấn luyện hoạt động của chúng.
Cảng Gwadar của Pakistan là một trong những vị trí quan trọng nhất giúp Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng với Ấn Độ trên Ấn Độ Dương. Ảnh: AFP
Đánh giá về quan hệ Pakistan - Trung Quốc, cây viết chuyên về các vấn đề quốc tế của tờ The Washington Post, Ishaan Tharoor cho rằng: "Ở nhiều khía cạnh, đây không phải là một mối quan hệ công bằng".
Ông Tharoor dẫn một nghiên cứu năm 2014 của Pew chỉ ra, 78% người Pakistan yêu mến Trung Quốc, cao hơn hẳn so với con số 14% dành cho Mỹ. Đáp lại, chỉ có 30% người Trung Quốc dành thiện cảm cho Pakistan.
Kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Pakistan cũng chưa tương xứng với danh hiệu đối tác kinh tế lớn nhất của Pakistan và Trung Quốc đang sở hữu. Bắc Kinh đã không giúp gì nhiều cho nền kinh tế, vốn rất chật vật của người đồng minh thân thiết.
Trong suốt nhiều năm, đầu tư của Trung Quốc sang Pakistan luôn ở mức khá khiêm tốn, chỉ chiếm một phần không đáng kể trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, thậm chí là còn thua cả hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở một vài nước, ví dụ như Indonesia.
Điều này không quá khó hiểu, theo giải thích của nhà nghiên cứu Curtis và Scissors, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu kinh tế trong nước hơn là mục tiêu chính sách ngoại giao.
Các lĩnh vực đầu tư chủ chốt của Trung Quốc là than đá, dầu mỏ, đồng, sắt - cần thiết cho hoạt động của các ngành sản xuất trong nước, tuy nhiên, các nguồn tài nguyên này không phải là thế mạnh của Pakistan.
Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Pakistan năm 2010 chỉ ở mức dưới 9 tỉ USD và chỉ tăng nhẹ, tới năm 2014 là 10 tỉ USD.
Trong khi đó, thương mại 2 chiều của Trung Quốc với Philippines - quốc gia với GDP tương đương Pakistan và mối quan hệ không thân thiết bằng - đã cao gấp 3 lần Pakistan năm 2010 và tăng trưởng nhanh hơn.
Tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Ấn Độ ở thời điểm hiện tại giao động ở mức 70 tỉ USD, cao gấp khoảng 6 lần với Pakistan.
Cây viết Aviv Lubell cho rằng, thậm chí ngay cả sau khi Trung Quốc đã đầu tư 46 tỉ USD vào Pakistan trong khuôn khổ dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), thì thương mại giữa 2 quốc gia này cũng sẽ không thể vượt quá con số 20 tỉ USD.
Và như vậy, với Trung Quốc, Ấn Độ vẫn sẽ là đối tác kinh tế quan trọng nhất trong khu vực trong tương lai gần, chứ không phải Pakistan.