Putin đã bị phương Tây "ác quỷ hóa" như thế nào?

Đức Huy |

Trên tạp chí American Herald Tribune, tác giả John Wight đã viết về một hiện tượng từ lâu đã hiện hữu trên các phương tiện truyền thông phương Tây: "ác quỷ hóa" Vladimir Putin.

LTS: Mới đây, hãng thông tấn TASS (Nga) đã cho đăng tải số liệu thống kê của hệ thống phân tích và theo dõi truyền thông tự động của Nga Medialogia. Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin là chính trị gia được truyền thông nước này nhắc tới nhiều nhất trong năm qua.

Nhưng không chỉ "đắt hàng" tại quê nhà, ông Putin còn là đối tượng được truyền thông phương Tây mổ xẻ hết sức kĩ lưỡng.

Đành rằng truyền thông phục vụ mục đích tuyên truyền cho những thế lực đứng sau nó, song cái cách mà ông chủ điện Kremlin được những CNN, BBC, hay The New York Times "chăm sóc" lại khác quá nhiều so với những thông tin được RT, RIA Novosti, hay TASS đăng tải.

Vậy nguyên nhân do đâu? Kính mời quý độc giả bỏ ra ít phút đọc những dòng phân tích của tác giả John Wight, trong bài viết với nhan đề "Quá trình ác quỷ hóa Vladimir Putin", đăng trên tạp chí American Herald Tribune hôm 29/1 vừa qua.

---

Vladimir Putin có lẽ là nhà lãnh đạo được lòng dân nhất trong lịch sử nước Nga, với tỉ lệ ủng hộ ở mức đáng kinh ngạc (80%) tính đến tháng 11/2015, theo kết quả chương trình nghiên cứu do một nhóm các chuyên gia người Mỹ tiến hành.

Với con số ấn tượng như vậy, không có gì phải bàn cãi, Putin chính là nhà lãnh đạo được lòng dân nhất trên thế giới. Nhưng có lẽ bạn sẽ nghĩ đến điều ngược lại hoàn toàn, với cái cách mà truyền thông phương Tây hằng ngày vẫn đưa tin, hay nói đúng hơn là "ác quỷ hóa", nhà lãnh đạo nước Nga.

Trớ trêu ở chỗ, lý do chính khiến ông Putin được lòng dân Nga lại cũng chính là nguyên nhân tại sao Mỹ và Tây Âu luôn lên án ông kịch liệt đến vậy.

Tất cả chỉ gói gọn trong một sự thật vô cùng đơn giản nhưng cũng không kém phần quan trọng: đó là khi xét đến khả năng lãnh đạo và đầu óc chính trị, thì trong khi Vladimir Putin chơi cờ vua, thì các đối thủ của ông tại London, Washington, hay Paris, lại chơi cờ đam.

Nói như vậy không phải để tôn ông Putin lên tầm những phẩm giá đạo đức của Nelson Mandela, hay những giá trị nhân đạo của Mahatma Gandhi. Nhưng Tổng thống Nga cũng không phải cái phiên bản đối lập hoàn toàn mà ngày ngày vẫn được truyền thông phương Tây miêu tả.

Putin không phải là một kẻ phản diện theo mô-típ phim điệp viên 007, ngồi thu lu trong một tòa lâu đài ghê rợn sâu trong rừng thẳm nước Nga để bày mưu tính kế chiếm đoạt cả thế giới.

Không, Tổng thống Nga là một người hiểu kẻ địch hơn cả chính kẻ địch hiểu bản thân, và là một người hiểu rõ và khắc cốt ghi tâm lời răn dạy của cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushev, rằng "Nếu anh sống giữa một bầy sói, anh phải học cách hành động như một con sói".

Cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Krushchev. Ảnh: WikiMedia
Cựu lãnh đạo Liên Xô Nikita Krushchev. Ảnh: WikiMedia

Nhưng có một điều mà các nhà phân tích với tư tưởng phương Tây tôn sùng chủ nghĩa tự do luôn công kích Putin trên các mặt báo, cũng như hàng tá những cây viết xuất bản ra các cuốn sách tô vẽ hình tượng Putin như thể Genghis Khan đương đại, vẫn không hiểu.

Đó là những vết thương tinh thần hằn sâu trong tâm khảm người Nga, trong những năm tháng quê hương họ tiếp xúc với chủ nghĩa tự do và các giá trị dân chủ phương Tây sau khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 90 của thế kỉ trước.

Nhà báo người Canada Naomi Klein đã trình bày rõ ràng điều này trong tác phẩm vô tiền khoáng hậu mang tên "Học thuyết Gây sốc" (The Shock Doctrine, xuất bản năm 2007).

Viết về ảnh hưởng từ liệu pháp gây sốc trong thị trường mở cửa của nước Nga dưới thời Boris Yeltsin, bà Klein chỉ ra rằng: "Không tính nạn đói, dịch bệnh, hay chiến tranh, thì trong một thời gian ngắn chưa bao giờ mất mát lại lớn đến thế.

Đến năm 1998, hơn 80% các nông trại trên khắp nước Nga đã phá sản, và gần 70.000 nhà máy của nhà nước phải đóng cửa, tạo ra một cuộc khủng hoảng việc làm.

Năm 1989, trước liệu pháp gây sốc, 2 triệu người Nga sống trong cảnh nghèo đói, với thu nhập dưới $4/ngày. Đến khi lãnh đạo Nga áp dụng 'thuốc đắng' khoảng giữa những năm 90, thì số người Nga sống dưới mức nghèo khổ đã lên đến 74 triệu, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới."

Tác giả Klein cũng chỉ ra rằng đến năm 1994, tỉ lệ tự sát tại Nga tăng gấp đôi, và các tội phạm bạo lực tăng gấp 4 lần.

Nếu xét đến sức tàn phá kinh hoàng đối với kinh tế và xã hội Nga mà những chuyên gia kinh tế thị trường phương Tây và các "đệ tử" của họ tại Nga gây ra trong thời kì đen tối ấy, thì việc Nga có thể hồi phục được như ngày nay, có khả năng đối chọi và chống lại trật tự thế giới đơn cực do Washington đi đầu, điều mà trước kia không ai cản được Mỹ, phải nói là một thành tựu đáng kinh ngạc.

Cái tên Vladimir Putin bước vào thế giới quyền lực ở Nga sau đóng góp của ông trong việc dùng vũ lực dập tắt bạo loạn tại Chechnya, bùng phát trong sự hỗn loạn hậu Liên Xô tan rã.

Đó là một cuộc xung đột kinh hoàng và đẫm máu, trong đó chắc chắn có rất nhiều tội ác, điều tất yếu trong mọi cuộc xung đột. Thế rồi bạo loạn rốt cục cũng được dập tắt, và vị thế của Moscow được khôi phục.

Cựu điệp viên KGB sau đó đã trở thành tâm điểm của sự chú ý, với tư cách là một nhân vật quan trọng trong bộ sậu của Yeltsin, một người luôn có thể được tin tưởng sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, sự nghiệp chính trị của Putin rộng mở, với đỉnh cao là nhiệm kì Tổng thống đầu tiên vào năm 2000, ngay trong lần đầu ứng cử.


Putin và Yeltsin. Ảnh: AP

Putin và Yeltsin. Ảnh: AP

Kể từ đó, Putin đã làm việc để khôi phục nền kinh tế Nga, cùng với đó là niềm tự hào dân tộc và vị thế của Nga trên trường quốc tế. Vị thế ấy đã mai một sau hệ lụy của việc Liên Xô tan rã, và gây ra rạn nứt trong xã hội một quốc gia từ trước đến nay vẫn luôn tự hào về các thành tựu của mình, nhất là vai trò đi đầu trong việc đánh bại Phát xít trong Thế chiến II.

Tổng thống Nga đã có công đưa nước này trở lại thời hoàng kim, với vị thế là một cường quốc được tôn trọng, không thể và không bao giờ bị phương Tây bắt nạt. Mưu đồ sử dụng Gruzia như một con rối năm 2008 đã nhanh chóng bị dập tắt, và tương tự là vụ Ukraine năm 2014.

Tất cả những điều ra tiếng vào về cái gọi là tư tưởng bành trướng của Putin thực chất chỉ là một hình thức tung hỏa mù để che đậy mưu đồ bành trướng ảnh hưởng của chính phương Tây tại Đông Âu, để xây dựng một hàng rào cô lập Nga theo lối suy nghĩ từ thời Chiến tranh Lạnh.

Vai trò thay đổi cuộc chơi hiện nay của Nga ở Trung Đông, bên cạnh đó là tăng trưởng kinh tế và tầm ảnh hưởng ngày một gia tăng của Trung Quốc, là minh chứng cho việc trật tự thế giới đơn cực của phương Tây đã "hết thời". Chính điều này cũng là gốc rễ của cái gọi là "bệnh sợ Nga" một cách phi logic đang lan truyền rộng khắp ở phương Tây.

Quốc gia đông dân nhất châu Âu không và sẽ không bao giờ là một thuộc địa hay bán thuộc địa của phương Tây. Với những hệ tự tưởng như vậy, phương Tây sẽ không bao giờ có thể thiết lập một mối quan hệ nào khác với Nga, ngoại trừ quan hệ giữa hai kẻ địch một mất một còn.

Chấp nhận sự thật này cũng chính là một điều kiện không thể thương lượng, để đi tới một thế giới bình ổn và hòa bình.

Dù Vladimir Putin và chính phủ của ông đương nhiên có những cái đáng phải chỉ trích - rất nhiều là đằng khác - nhưng những việc làm sai trái của họ chẳng đáng kể nếu đem so với những gì các chính phủ phương Tây đang làm, khi họ phá hủy hết quốc gia này đến quốc gia khác ở Trung Đông, kiểm soát một nền kinh tế toàn cầu chẳng đem lại gì ngoài nỗi thống khổ và đau đớn cho hàng triệu người dân trong và ngoài nước, và dần biến những cuộc khủng hoảng và sự hỗn loạn trở thành "chuyện thường ngày ở huyện".

Hành động của họ, như người ta thường nói, sẽ khiến mọi con ác quỷ nơi địa ngục phải cảm thấy hổ thẹn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại