Tiếng sét ái tình
Năm 1964, chàng trai trẻ Bernard Boursicot 20 tuổi làm nhân viên kế toán cho Đại sứ quán Pháp vừa mới khai trương tại Bắc Kinh. Vốn là người đồng tính, từng có quan hệ tình ái với một số nam sinh viên cùng trường nhưng khi nhận nhiệm vụ ở Trung Quốc, Boursicot cảm thấy bị dằn vặt về quá khứ, thực lòng muốn từ bỏ và tìm kiếm cho mình một người phụ nữ thực thụ.
Giáng sinh năm đó, trong buổi biểu diễn kinh kịch do phía Trung Quốc tổ chức, chàng trai Pháp lãng mạn Boursicot đã bị hút hồn bởi vẻ đẹp bí ẩn đậm chất phương Đông của diễn viên chính 26 tuổi mang tên Thời Bội Phác (Shi Pei Pu).
Ảnh chụp Thời Bội Phác giữa những năm 1960
Sau vài cuộc hẹn hò, nhà ngoại giao trẻ người Pháp nhanh chóng thu phục được tình cảm của kịch sỹ khả ái. Một buổi tối thơ mộng, Thời Bội Phác thổ lộ tâm sự mình là con một giáo sư đại học, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Côn Minh. Để lý giải cho vóc dáng có phần nam tính của mình, Thời Bội Phác nói rằng do gia đình đã có 2 chị gái mà người cha lại bị đè nặng bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ nên từ nhỏ Thời đã phải giả trai cho tới tận bây giờ, chứ thực tình Thời bẩm sinh là gái.
Sập bẫy tình báo
Quan hệ được gần 1 năm, đến tháng 12/1965 thì Thời Bội Phác “e ấp” thông báo mình có thai. Boursicot mừng lắm nhưng lại cũng đúng là lúc mà anh này phải chuyển công tác sang địa bàn mới nên chỉ dặn người tình rằng nếu con trai thì đặt tên là Bertrand còn con gái thì là Michele.
Năm 1969, Boursicot trở lại Bắc Kinh làm việc, tìm gặp Thời Bội Phác và lần đầu tiên được nhìn thấy đứa con trai 4 tuổi của mình có tên Trung Quốc là Thời Độ Độ (Shi Du Du). Cậu bé da trắng, mắt xanh, mũi cao, rất giống với người Âu châu. Không gì có thể diễn tả hết niềm vui mừng của Boursicot lúc đó.
Nhưng tại Trung Quốc bấy giờ, Cách mạng Văn Hóa vẫn đang trong giai đoạn khốc liệt, người dân không được phép quan hệ với người ngoại quốc, khắp nơi đấu tố lẫn nhau, không khí vô cùng căng thẳng.
3 ngày sau cuộc tái ngộ, Boursicot bị các nhân viên an ninh Trung Quốc ập vào bắt giữ ngay trong nhà Thời Bội Phác. Thấy tính mạng vợ con bị đe dọa, Boursicot không còn cách nào khác buộc phải làm việc cho tình báo Trung Quốc.
Kể từ thời điểm đó, dù di chuyển tới nhiều địa bàn khác nhau, gồm cả giai đoạn 1977-1979 làm việc tại Đại sứ quán Pháp tại Mông Cổ, Boursicot đã cung cấp cho tình báo Trung Quốc tổng cộng khoảng 150 tài liệu bí mật, trong đó có những tin tức rất giá trị về tình hình Liên Xô cũ.
Những sự thật cay đắng
Tháng 3/1982, theo đề nghị của Thời Bội Phác, sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng Boursicot cũng xin được visa cho “vợ và con trai” sang Paris định cư. Không lâu sau đó, ngày 30/6/1983, Boursicot và Thời Bội Phác bị chính quyền Pháp bắt giữ vì tội hoạt động gián điệp cho Trung Quốc.
Thế nhưng, việc bắt bớ này cũng chưa phải là bị kịch đau đớn nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của nhà ngoài giao Pháp Boursicot.
Trong quá trình hỏi cung, các nhân viên an ninh Pháp thông báo cho Boursicot một tin trời giáng: Thời Bội Phác là đàn ông chứ không phải đàn bà. Nhưng Boursicot không thể tin vào điều đó vì chính ông và Thời từng hân hoan tình ái và có cả con trai cơ mà!
Để chứng minh, cơ quan an ninh Pháp cố ý sắp xếp cho đôi “vợ chồng” cũ này ở trong cùng một phòng. Đến lúc này, khi tận mắt chứng kiến những phần cơ thể thầm kín nhất của Thời Bội Phác, Boursicot mới ngã ngửa trước sự thật không thể tàn nhẫn hơn: Người mà ông từng ái ân mặn nồng bao năm nay là một gã đàn ông chính hiệu!
Vẫn chưa hết, kết quả xét nghiệm máu của Thời Độ Độ, cậu con trai mà Boursicot từng yêu mến đề nghị đặt tên là Bertrand tiếp tục là một đòn giáng đau đớn nữa hạ gục hoàn toàn Boursicot. Cậu ta không cùng huyết thống với cả Thời Bội Phác và Boursicot!
Quá đỗi nhục nhã và xấu hổ, Boursicot đã dùng lưỡi dao lam cứa cổ tự vẫn nhưng may mắn được cứu sống.
Bernard Boursicot, nạn nhân của điệp vụ mỹ nhân kế kỳ bí nhất lịch sử tình báo
Sau này khi bình tâm trở lại, Boursicot mới hồi tưởng lại quá khứ và nhận thấy rằng những lần “quan hệ” với Thời Bội Phác đều diễn ra lén lút, chớp nhoáng trong đêm tối và luôn bị người tình chủ động điều khiển.
Còn Thời Độ Độ, như chính anh ta khai nhận, là người Duy Ngô Nhĩ, ở Tân Cương, một dân tộc mà nhiều người có ngoại hình khá giống với người châu Âu. Do gia cảnh nghèo khó nên cha mẹ phải bán Độ Độ cho Thời Bội Phác.
Năm 1986, tòa án Paris kết án Boursicot và Thời Bội Phác mỗi người 6 năm tù giam. Khi bị bại lộ, câu chuyện của Boursicot đã trở thành chủ đề bàn tán khắp nước Pháp với không ít mỉa mai, chê cười. Còn Thời Bội Phác, suốt gần 20 năm trời diễn “khổ nhục kế” mà không bị phát hiện khi qua đời năm 2009 được một số báo Trung Quốc mạng ca ngợi như điệp viên vĩ đại nhất của quốc gia này.
Điệp vụ mỹ nhân kế kinh điển nhất lịch sử của tình báo Trung Quốc một lần nữa được ghi nhận qua vở kịch “M. Butterfly” trên sân khấu Broadway năm 1988 và bộ phim cùng tên của đạo diễn David Cronenberg năm 1993.