Những "vũ khí" nguy hiểm của tình báo Trung Quốc

Trung Phạm |

Tình báo Trung Quốc có thể dùng nhiều phương thức, từ việc giăng bẫy bằng gái đẹp, phát tán các phần mềm gián điệp độc hại đến ép buộc, khống chế...

Mỹ nhân kế: Chiếc bẫy kinh điển

Lịch sử tình báo thế giới đã cho thấy Trung Quốc là một trong những bậc thầy về mỹ nhân kế. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Tôn Tử đã đưa “mỹ nhân kế dụng” vào Binh Pháp với mức độ lợi hại và hiệu quả của nó ngang ngửa những kế khác trong bộ “Thập tam lục kế”.

Năm 2011, các báo cáo bị rò rỉ của chính phủ Pháp phần nào đã tiết lộ mánh khóe hoạt động của tình báo Trung Quốc qua trường hợp “sa bẫy lưới tình” của một nhà khoa học nước này.

Một quan chức tình báo kinh tế Pháp kể lại rằng, nhà khoa học trên là nghiên cứu viên cao cấp làm việc cho một tập đoàn dược phẩm Pháp. Nhân chuyến công tác tới Bắc Kinh, trong một tình huống rất tự nhiên, ông đã được một thiếu nữ Trung Quốc lả lơi tiếp cận, mời uống rượu, đi ăn tối và rồi cuối cùng là...lên giường!

Chỉ có điều ông không biết được rằng đó chính là màn kịch giăng sẵn của tình báo Trung Quốc. Khi được cho xem cuốn phim ghi lại toàn bộ cảnh mặn nồng hôm trước ở khách sạn, nhà khoa học chẳng còn cách nào khác là phải hợp tác nếu không muốn tiêu tan danh dự, sự nghiệp.

Năm 2008, MI5 - cơ quan an ninh và phản gián của Anh cũng đã buộc phải phát đi lời cảnh báo chính thức tới tất cả các giám đốc doanh nghiệp nước này khi làm ăn với Trung Quốc.

Bản tài liệu 14 trang của MI5 với tựa đề “Mối đe dọa từ tình báo Trung Quốc” nhấn mạnh: “Các cơ quan tình báo Trung Quốc rất thành thục trong việc khai thác các điểm yếu như những quan hệ tình dục hay các hoạt động bất hợp pháp để ép buộc các cá nhân hợp tác với họ”.

MI5 còn chỉ rõ: “Phòng khách sạn ở các thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi khách nước ngoài thường xuyên lui tới có rất nhiều khả năng bị nghe trộm. Nhiều phòng đã bị lục soát khi khách thuê vừa ra đi khỏi”.

Những món quà mang đầy virus

Năm 2010, Sunday Times dẫn nguồn từ các tài liệu lưu hành nội bộ của MI5 lại phơi bày một thủ đoạn khác không kém phần tinh vi của tình báo Trung Quốc.

Thường nhân dịp các hội chợ, triển lãm thương mại, không ít sĩ quan an ninh và quân đội Trung Quốc cải trang, tiếp cận các doanh nhân Anh để làm quen, chào mời mua bán hàng hóa và trao tặng họ những đồ vật như máy ảnh và thẻ nhớ máy tính. Nhưng những “món quà” tưởng chừng rất đỗi bình thường ấy thực chất lại là những con rệp cho phép Trung Quốc truy cập vào máy tính người nhận từ xa.

“Rất nhiều trường hợp những “quà tặng” này chứa Trojan và các loại phần mềm độc hại”, tài liệu của MI5 cảnh báo.

Trung Quốc liên tục bị chính phủ các nước Phương Tây cáo buộc dính líu tới hành động tấn công mạng những năm gần đây 

Trung Quốc liên tục bị chính phủ các nước Phương Tây cáo buộc dính líu tới hành động tấn công mạng những năm gần đây 

Tuy nhiên, MI5 không phải là cơ quan tình báo hay chính phủ phương Tây đầu tiên quy kết Trung Quốc về những hành động tấn công mạng nhằm vào hệ thống máy tính của họ. Tháng 9/2007, Mỹ đã cáo buộc Quân đội Trung Quốc đứng đằng sau vụ tấn công mạng máy tính của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates. Pháp, Đức, Australia và New Zealand cũng chỉ rõ những dấu hiệu có bàn tay Trung Quốc dính líu vào các hành động tấn công mạng có xu hướng bùng phát những năm qua.

Ngấm ngầm cho vào bẫy

Một thủ đoạn nữa có vẻ tinh tế hơn nhưng vẫn có những dấu hiệu rõ ràng. Đó là cách tình báo Trung Quốc mua chuộc các học giả, giáo sư, phóng viên, nhà nghiên cứu chính sách hoặc những doanh nhân có công việc liên quan tới Trung Quốc.

Những mục tiêu này thường được mời đến tham dự hội thảo tại các hiệp hội nghiên cứu hoặc trường đại học ở Trung Quốc do Bộ an ninh quốc gia (MSS) hay Tổng cục tình báo quân đội (MID) kiểm soát.

Chuyến đi của họ được phía Trung Quốc trả tiền nhưng thường phải theo một lịch trình định sẵn, họp hành rất căng thẳng và sau đó là những bữa tiệc linh đình với không ít rượu, bia. Mục đích là làm cho các mục tiêu dễ bị tổn thương hơn để thuận tiện cho công tác tuyển dụng hoặc làm cho đối tượng “vô tình” tiết lộ những thông tin mà Trung Quốc muốn khai thác.

Hoặc theo một kịch bản khác, ban đầu có thể vì cần các thông tin quan trọng phục vụ công việc của mình, những người nước ngoài cũng muốn có các đầu mối liên hệ ở Trung Quốc. Nhưng tới một mức nào đó, qua tác động của các cơ quan tình báo Trung Quốc, đầu mối đe dọa cắt nguồn tiếp cận thông tin của người nước ngoài mà giờ đây họ đã bị lệ thuộc. Đến khi đó, họ dễ bề bị khai thác thông tin ngược và không khó khăn gì để tình báo Trung Quốc khống chế, buộc phải hợp tác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại