Tuy nhiên, theo hãng tin Anh BBC, ngay sau khi chương trình trên được phát sóng, một số cư dân mạng đã nhận định rằng, hình ảnh chấn động của truyền hình Nga nhiều khả năng là một sản phẩm giả mạo hơn là một bằng chứng vững chắc về thảm kịch MH17.
Bức ảnh do truyền hình Nga công bố, đươc cho là chụp khoảnh khắc một chiếc chiến đấu cơ phóng tên lửa vào máy chở khách của Malaysia Airlines (bên trái). Dấu vết đường đi của tên lửa vẫn còn rất rõ ràng trên bầu trời (bên phải).
Một số người đưa ra dẫn chứng rằng logo của Malaysia Airlines trên chiếc máy bay trong bức hình đã ở sai vị trí.
Bức ảnh mà một số cư dân mạng đưa ra để nhận định rằng logo của Malaysia Airlines trong bức ảnh của truyền hình Nga ở sai vị trí
Đi xa hơn nữa, Maksim Kats, một blogger người Nga còn đưa ra dẫn chứng để nhận định rằng, bức ảnh của chiếc MH17 mà Channel 1 công bố có vẻ là phiên bản đã được chỉnh sửa đôi chút của một trong những hình ảnh xuất hiện đầu tiên khi search cụm từ “máy bay Boeing nhìn từ trên xuống” bằng tiếng Nga trên Google.
Bằng chứng của Maksim Kats: Ảnh của Channel 1 (bên trái) và ảnh “máy bay Boeing nhìn từ trên xuống” khi tìm bằng Google tiếng Nga (bên phải)
Cũng theo BBC, một số ý kiến lại tập trung sự nghi ngờ vào hình dạng đám mây trên bức ảnh mà truyền hình Nga công bố. Những người đưa ra ý kiến này cho rằng, đám mây trên hình của Channel 1 trên thực tế được lấy ra từ một bức ảnh mà Google Earth chụp ngày 28/8/2012 (trong khi thảm kịch MH17 xảy ra ngày 17/7/2014).
Bức ảnh cho thấy sự nghi ngờ về hình dạng đám mây của Channel 1
Sự nghi ngờ còn xuất phát từ việc một số cư dân mạng khẳng định, bức ảnh mà Channel 1 công bố rốt cuộc không hề mới, cũng chẳng phải độc quyền. Nó đã từng xuất hiện trên một diễn đàn tiếng Nga từ ngày 15/10/2014 mà hầu như rất ít được chú ý.
Bức ảnh được đăng trên một diễn đàn tiếng Nga từ ngày 15/10
Đây không phải là lần đầu tiên các phương tiện truyền thông Nga đưa ra bằng chứng hoặc nhận định về việc việc thủ phạm bắn rơi MH17 là chiến đấu cơ Ukraine. Tuy nhiên, Channel 1 công bố bức ảnh nói trên vào thời điểm ngay trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ các nhà lãnh đạo G20 ở Australia.
Xuất hiện trong phóng sự của Channel 1, bình luận viên Mikhail Leontyev cũng cho rằng, thời điểm công bố bức ảnh không phải là ngẫu nhiên. Ông nói “Chúng tôi được biết Thủ tướng Australia Abbott đe dọa sẽ hỏi khó Tổng thống của chúng ta về vụ việc chiếc Boeing của Malaysia. Hãy để chúng tôi giúp ông ấy”.
Theo thông tin của Channel 1, bức ảnh được một người tên là George Bilt, tự nhận là đã từng học tại Học viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) và có hơn hai chục năm kinh nghiệm về công nghiệp hàng không, cung cấp. Người này đã email bức ảnh và một số thông tin kèm theo cho Ivan Andriyevsky, phó chủ tịch thứ nhất của Hiệp hội kỹ sư Nga.
Về phần mình, ông Andriyevsky nói với Channel 1 rằng “bức ảnh có thể do một vệ tinh của Anh hoặc Mỹ chụp được”, và rằng “Chúng tôi đã nghiên cứu chi tiết bức ảnh và không phát hiện dấu hiệu nào cho thấy nó là giả mạo.”
Hiện chưa thấy truyền thông phương Tây đề cập đến phản ứng chính thức của phía Ukraine về bức ảnh.