Theo trang Forbes của Mỹ, Nga sẽ chẳng khó khăn gì để tự chữa lành vết thương này.
Thừa thắng ở Ukraine
Theo Forbes, trong một cáo buộc thẳng thắn hiếm hoi đối với Nga gần đây về tình hình ở Ukraine, Tổng thống Barack Obama cho rằng: "Nga phải chịu trách nhiệm về tình hình bạo lực ở miền Đông Ukraine, tình hình bạo lực mà Nga đã kích động. Nga đang đào tạo lực lượng ly khai. Nga trang bị vũ khí cho ly khai. Nga hỗ trợ tài chính cho ly khai”.
Nhưng hiện giờ Tổng thống Nga Vladimir Putin đang yêu cầu dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, biện pháp duy nhất nhằm vào Nga do tình hình ở Ukraine tính đến thời điểm hiện tại, với lập luận rằng Nga hiện đang là người hòa giải, mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine.
Forbes cho rằng, trớ trêu thay, lập luận trên của ông Putin lại làm lung lay được lập trường của phương Tây.
Hôm 12/9, Liên minh châu Âu (EU) đã thay đổi lập trường được cho là vững chắc trước đó rằng Nga không có quyền can thiệp vào các mối quan hệ của Ukraine. EU tuyên bố hoãn thỏa thuận thương mại toàn diện với Ukraine trong vòng một năm. Mặc dù sau đó EU nhận ra sai lầm và lại tiếp tục yêu cầu Nga không can thiệp vào các thỏa thuận song phương, nhưng không thể cứu vãn được tình thế. Moscow đã thành công, ít nhất là hoãn được thỏa thuận đó trong 12 tháng.
Forbes cho rằng, EU dường như nghĩ rằng cần phải khuyến khích thêm để điện Kremlin thực thi tất cả các điều khoản trong lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine được kí kết hôm 5/9 mà không biết rằng đầu hàng trước các yêu cầu của Nga không phải là chuyện nhỏ.
Nga đã hoàn thành xong việc sáp nhập Crimea và những người dân ở Crimea hiện giờ đã có hộ chiếu của Nga. Theo cáo buộc của phương Tây, hiện vẫn có rất nhiều lính Nga ở Ukraine và hàng nghìn lính Nga khác đang ở biên giới và sẵn sàng xâm nhập vào Ukraine bất kì lúc nào.
Putin đã đối đầu với phương Tây hai lần là sáp nhập Crimea và xâm nhập miền Đông Ukraine và đã thắng cả hai lần đó. Vậy chẳng có gì nghi ngờ về việc ông Putin sẽ tiếp tục hành động và giành chiến thắng trong tương lai? Sau tất cả những gì đã xảy ra ở Ukraine thì dường như chẳng ai trong số những người như Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama, và NATO có thể ngăn được ông Putin.
Thất bại duy nhất của ông Putin là những biện pháp trừng phạt đang làm tổn thương nền kinh tế Nga. Tuy vậy, chắc chắn ông Putin sẽ tìm mọi cách, không mấy khó khăn đối với Nga, để loại bỏ những biện pháp này. Ông sẽ đe dọa, tuyên truyền không ngừng nghỉ, diễn tập quân sự, và đặc biệt là sử dụng vũ khí năng lượng mà các nước châu Âu đang phụ thuộc để giải thoát Nga khỏi các biện pháp kìm kẹp đó.
Phản công EU
Không chỉ đang thực hiện chiến dịch chống lệnh trừng phạt mà Nga còn đang tìm cách phản công đối với phương Tây bằng nhiều cách.
Thứ nhất, Nga là một trung gian "hòa giải” ở miền Đông Ukraine, do vậy việc áp đặt các biệt pháp trừng phạt đối với Moscow là một điều vô lý và bất công. Trong chuyến công du tới Mông Cổ vừa qua, ông Putin nói: "Tôi không thể hiểu được những biện pháp trừng phạt mới nhất là vì lý do gì”.
Thứ hai, Nga đang dùng vũ khí khí đốt để làm mất tinh thần và chia rẽ châu Âu, khiến nhiều nước châu Âu phân vân tự hỏi liệu có đáng khi áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga để nguồn cung khí đốt bị ảnh hưởng hay không.
Hôm 27/9, Thời báo Phố Wall dẫn cảnh báo từ Nga rằng, nếu thỏa thuận khí đốt Ukraine không được giải quyết trước mùa đông thì châu Âu sẽ phải đối mặt với giá rét.
Thứ ba, lấy những hành động của NATO đối với Ukraine để khiến các quốc gia Baltic và Đông Âu hoài nghi về lá chắn bảo vệ của NATO và khuyên các quốc gia này nên đứng về bên giành chiến thắng trước khi quá muộn.
Theo Forbes, thông điệp của Nga là: “Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ an toàn khi “nấp” sau Điều 5 của NATO, thì hãy suy nghĩ lại. NATO sẽ không giúp bạn khi bạn gặp khủng hoảng. Ông Putin tuyên bố Nga có thể đánh bại NATO bằng các vũ khí hạt nhân chiến thuật. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, lực lượng phản ứng nhanh của NATO, mới thành lập trong Hội nghị thượng đỉnh tại xứ Wales vừa qua, sẽ phải mất hàng tuần mới có thể huy động.
Nga muốn các nước Baltic hiểu rằng nếu họ đối đầu với các lợi ích của Nga, thì Nga có thể tiếp tục sử dụng lý do bảo vệ người dân tộc Nga đang chiếm đa số trong các nước này để hành động.
Forbes dẫn phát biểu gần đây của một quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho rằng: “Chúng tôi (Nga) đang muốn đảm bảo rằng những đồng bào Nga ở bất kể nơi nào họ sinh sống được bảo đảm các quyền và tự do phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ... Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ quyền và lợi ích (của họ)".