“Nga không tuân theo bất kỳ quy tắc thông thường nào”, bà Merkel nói. “Do đó chúng tôi đã buộc phải phối hợp hành động và áp dụng cấm vận kinh tế, cho dù nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia (trong khối)”.
Cùng lúc đó, bà Merkel cho biết EU cần phải xây dựng chính sách an ninh không phải đối địch với Nga mà phải dựa trên các hoạt động của Nga.
“Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô tan rã, chúng tôi vẫn luôn coi Nga là một đối tác kinh tế.
Chúng tôi đã cố gắng hợp tác về mặt thương mại với họ, giữa Nga và chúng tôi có mối quan hệ tương hỗ trong cung cấp năng lượng.
Nhưng tình hình đã thay đổi khi chúng tôi nhìn nhận các sự kiện ở Georgia và miền Đông Ukraine”, bà Merkel cho biết.
Các quan chức và công ty của Nga là những thành phần đầu tiên phải chịu hình thức cấm vận của phương Tây, bao gồm cấm cấp visa và đóng băng tài sản, sau khi Nga và Crimea tái hợp vào giữa tháng 3/2014 trong bối cảnh đảo chính ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 cùng năm.
Mặc dù Moscow đã liên tiếp khẳng định rằng cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea về việc tách khỏi Ukraine tuân theo luật pháp quốc tế và hiến chương của Liên Hợp Quốc, giống như trước đây khi Kosovo tách khỏi Serbia vào năm 2008, phương Tây và Kiev đều từ chối xác nhận tính hợp pháp của sự kiện này.
Phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận đối với Nga vào cuối tháng 7 năm 2014 do phương Tây cáo buộc Nga có liên quan đến hoạt động nổi dậy tại miền Đông Ukraine.
Để đáp trả, Nga cũng áp dụng hình thức cấm kéo dài 1 năm đối với các mặt hàng nhập khẩu như thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, cá, phô mai, hoa quả, rau và các sản phẩm từ sữa từ Australia, Canada, Liên minh Châu Âu, Mỹ và Na Uy.
Nga đã liên tục bác bỏ những cáo buộc về việc sáp nhập Crimea, do bán đảo này đã tình nguyện gia nhập Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý, cũng như việc Nga có liên quan đến xung đột ở miền Đông Ukraine.