Không thể thiếu nhau, sao Nga và EU vẫn đối đầu?

Hoài Thanh |

Dù thỏa thuận Minsk có mang hy vọng về việc lập lại hòa bình ở Ukraine, thì các biện pháp cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga vẫn được duy trì.

Tờ Russia Direct mới đây đã có buổi phỏng vấn với Walter Schwimmer, một nhà chính trị, ngoại giao kì cựu người Áo, người từng đảm trách cương vị Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu (EC) nhiệm kì 1999-2004 để làm rõ hơn thế kẹt của Nga và EU cũng như cách thức để hai bên thoát khỏi mớ bòng bong này.

Schwimmer phủ nhận quan điểm cho rằng Nga không thể là thành viên trong gia đình chung châu Âu vì không cùng chia sẻ các tiêu chuẩn giá trị.

Ông dẫn chứng, thỏa thuận Minsk (12/2) cho thấy Tổng thống Nga và các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraine đều cam kết về một tầm nhìn không gian kinh tế - nhân đạo từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương.

“Nga không thể tồn tại thiếu châu Âu và châu Âu cũng không thể thiếu Nga.

Điều quan trọng là phải tìm ra những nền tảng chung thúc đẩy tiến trình này – ví như sự kết hợp giữa EU và Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga làm đầu tàu”, cựu Tổng thư ký EC nhìn nhận.

Ông cũng nhấn mạnh, những đánh giá cho rằng chia rẽ giữa Nga - EU hiện nay là di sản của chiến tranh Lạnh và không thể vượt qua là không đúng, mâu thuẫn giữa hai bên thực ra không lớn như những lời đồn đoán.

Chuyên gia người Áo cũng giành phần lớn thời gian lý giải tại sao EU lại thuận theo Mỹ chống Nga trong khủng hoảng ở Ukraine. Đó là bởi sức ép lớn từ Mỹ trước châu Âu.

Ngay từ đầu, EU phạm phải sai lầm khi không ý thức được rằng Ukraine có hai láng giềng lớn - EU và Nga và nếu muốn hòa bình và thịnh vượng thì phải duy trì quan hệ hữu hảo với cả hai.

Tiếp đó, Brussells hầu như lặng thinh trước những tuyên bố “lấy được” của Ukraine coi thỏa thuận với Nga về căn cứ hải quân ở Sevastopol, Biển Đen là không hợp pháp - điều khiến Moskva lo ngại sẽ mất đi căn cứ này.

“Cách mạng Maidan” đã đẩy Nga vào EU rơi vào bẫy: Nga không còn đường thoái lui trong vấn đề Crimea còn EU lại không thể công nhận việc bán đảo này sáp nhập vào Nga.

Căng thẳng đưa đến các đòn trừng phạt leo thang trả đũa lẫn nhau – điều chẳng đi tới đâu. Vậy đâu là lối thoát của cả hai? Theo phân tích của ông Schwimmer, mấu chốt vẫn là Ukraine.

Thỏa thuận Minsk đã định ra các trách nhiệm khá rõ ràng: Nga tác động để lực lượng đòi độc lập công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, còn EU sẽ hối thúc Kiev đối thoại với miền Đông trên cơ sở tuân thủ các tiêu chuẩn của châu Âu về bảo vệ và phát huy quyền của các dân tộc thiểu số; cùng với đó là kế hoạch khôi phục kinh tế cho vùng Donbass.

Thực hiện nghiêm, cả Nga và EU cuối cùng cũng sẽ có được cơ hội ngồi lại với nhau, thống nhất quan điểm Ukraine cho thấy họ hoàn toàn có thể tự giải quyết cuộc xung đột nội bộ. Theo ông, chiến lược của châu Âu với Nga hầu như không thay đổi, kể từ khi chiến tranh Lạnh chấm dứt.

EU thậm chí còn không định ra được mục tiêu trước Nga. Ngược lại, mục đích của Mỹ thì luôn rõ ràng và nhất quán – làm suy yếu Nga hết mức có thể.

Khủng hoảng Ukraine là ví dụ: Mỹ không muốn chiến tranh trực tiếp với Nga và đẩy châu Âu vào cuộc chiến kinh tế với Moskva. Cấm vận gây thiệt hại cho cả Nga và châu Âu, nhưng tại sao EU vẫn quyết theo cùng Mỹ?

Đó là bởi họ muốn chứng tỏ sự đoàn kết, một sự đoàn kết phải trả giá bằng các tổn thất kinh tế với từng nước thành viên và cộng đồng doanh nghiệp. Một lần nữa, đó lại là “thế kẹt” của Nga và EU.

Trừng phạt, cấm vận lẫn nhau sẽ còn tiếp diễn, đến trừng nào mà các bên liên quan ở Ukraine đi đến được một giải pháp chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại