Nga sẽ thua trong cuộc chiến năng lượng với EU?

Tổng thống Nga Putin đã “chiếm được thượng phong” trong cuộc chiến khí đốt với EU bằng vũ khí Gazprom. Nhưng nếu lạm dụng vũ khí này, rất có thể nước Nga sẽ phải nhận thất bại.

Trong bài viết mới đây đăng trên tờ Global and Mail (Canada), tác giả cho biết, ngay sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố các kế hoạch cho một liên minh năng lượng của châu Âu (EU), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đe dọa rằng Gazprom sẽ cắt cung cấp khí đốt cho Ukraine nếu nước này không chịu thanh toán tiền mua khí đốt trong vòng 3-4 ngày.

Tuy nhiên, mục tiêu chính trong tuyên bố của ông Putin lại không phải là Ukraine mà chính là châu Âu bởi sau đó Tổng thống Nga còn nói thêm rằng “tất nhiên việc cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ukraine sẽ tạo ra một vấn đề cho việc chuyển khí đốt sang châu Âu cho các đối tác của Nga”.

Mọi người đều hiểu, các tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Siberia sang Đông và Trung Âu đều chạy qua Ukraine.

Nhưng triển vọng thanh toán hàng tỷ USD tiền nợ mua khí đốt của Ukraine cho nước Nga là hoàn toàn “không tưởng”, đặc biệt trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế ngoại trừ việc EU bơm tiền khẩn cấp cho Kiev.

Tuyên bố cứng rắn này của ông Putin cho thấy viễn cảnh về một cuộc chiến khí đốt giữa Nga và Ukraine sẽ tái diễn giống như đã từng xảy ra hồi tháng 1/2009 và khiến các nước châu Âu như Áo, Hungary, Italia… bị ảnh hưởng nặng nề.

Người ta có thể cho rằng ông Putin đang sử dụng lại vũ khí “khí đốt” để gây áp lực với Kiev. Nga hiện vẫn là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho EU với khoảng 30% nhu cầu khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của khối.

Chính Tổng thống Putin là người đầu tiên tìm cách khai thác sự phụ thuộc của châu Âu vào xuất khẩu năng lượng của Nga.

Đầu tiên là việc đưa tầm với của Gazprom sang các thị trường phương Tây với tuyến đường ống và các khoản đầu tư tiếp thị nhằm tăng thị phần và quyền ấn định giá cả của công ty này.

Sau đó, Nga đã hành động tích cực để giành quyền kiểm soát các tuyến đường vận chuyển khí đốt thông qua các tranh chấp hợp đồng với các công ty phân phối khí bị phá sản tại Ukraine.

Tuy nhiên, theo tờ Global and Mail, sự phụ thuộc vào khí đốt Nga của châu Âu cũng có tác động hai chiều và hiện nay Nga đang phải trả giá cho chính sách năng lượng này của họ.

Nguồn thu nhập xuất khẩu lớn nhất của Nga đang bị mắc kẹt do một bên là giá dầu giảm mạnh, bên kia là sức ép từ thách thức chính trị và pháp lý của EC. Mới đây, EC đã công bố một đề xuất khung cho một Liên minh năng lượng.

Đây là kế hoạch cho sự phối hợp trên diện rộng chính sách năng lượng trong các vấn đề từ biện pháp tiết kiệm năng lượng và giảm khí thải CO2 cho đến việc đa dạng hóa nguồn cung và các biện pháp an ninh năng lượng.

Liên minh này sẽ tìm cách giảm ranh giới giữa các thị trường năng lượng của các quốc gia thành viên EU, mở cửa cho một mạng lưới thông minh và người tiêu dùng có thể mua năng lượng tại các nước láng giềng.

Mục tiêu của Liên minh năng lượng EU là chấm dứt chiến lược “chia để trị” của Gazprom: Thông lệ thương thuyết các giao dịch độc quyền của Gazprom với các nước nhập khẩu khí đốt, phân chia các thị trường, ưu đãi những quốc gia hữu hảo và trừng phạt những quốc gia bất đồng bằng khí đốt cao hơn.

Hơn nữa, ưu tiên hành động đầu tiên của Liên minh năng lượng EU là việc các nước thực hiện nghiêm túc các quy định cạnh tranh của EU và một chiến dịch nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt từ Trung Á và Bắc Phi tới việc mở rộng các tuyến đường ống cũng như mở rộng các kho chứa khí đốt hóa lỏng.

Đề xuất thành lập Liên minh năng lượng không khác gì lời tuyên chiến chống lại sự chi phối các thị trường năng lượng châu Âu của Nga.

Một cuộc điều tra kéo dài 2 năm về những cáo buộc rằng Gazprom đang lạm dụng vị thế chi phối thị trường tại một số nước EU đang sắp có kết luận cuối cùng.

Nếu Gazprom bị chính thức cáo buộc, điều đó sẽ dẫn đến những khoản phạt lớn, nhưng nguy cơ lớn hơn là Gazprom sẽ bị buộc phải thay đổi hành vi của họ để trở nên minh bạch hơn và cạnh tranh hơn trong tiến trình ấn định giá khí đốt.

Trong khi đó, thu nhập của Gazprom đang hao hụt nhanh do doanh số giảm mạnh vì nhu cầu thấp hơn cũng như nỗ lực của các nước thành viên EU nhằm tìm kiếm những nhà cung cấp khí đốt mới.

Trong quý III năm 2014, Gazprom chỉ bán được 6 tỷ m3 khí đốt sang châu Âu, giảm 15% so với cùng kỳ, một phần là do thời tiết ấm hơn.

Việc giá dầu giảm sẽ khiến tình hình kinh doanh của Gazprom xấu hơn nữa. Các hợp đồng lâu dài của Gazprom có giá thay đổi theo giá dầu và việc giá dầu thô sụt giảm trong thời gian gần đây chắc chắn sẽ có tác động đến Gazprom.

Hơn một nửa thu nhập của Gazprom đến từ việc xuất khẩu khí đốt sang châu Âu và công ty này đóng góp 8% thu nhập của chính phủ Nga.

Moscow có thể không chịu nổi một cuộc chiến năng lượng với EU và một cuộc chiến tốn kém do quan điểm của Nga về cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, ông Putin đã chọn liên kết 2 tranh chấp này và chiến lược cuối cùng có thể dẫn đến sự sụp đổ kinh tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại