Bài báo được mô tả là giống như "một cuốn tiểu thuyết" mà trong đó, các quân nhân Trung Quốc là những anh hùng với các màn hành động giật gân để tiêu diệt phần tử khủng bố Tân Cương.
Một đoạn trong bài này viết: "Như những con chim ưng thấy mồi, máu nóng của các binh sĩ đội đặc nhiệm bốc cao. Bọn khủng bố ẩn nấp bên trong một sơn động trên vách đá, dễ phòng thủ và khó tấn công.
Đàm phán không hiệu quả, tấn công bằng đạn hơi cay, lựu đạn cũng không thấy động tĩnh gì. Đến chiều tối, trung đội trưởng Lưu Lâm ra lệnh: "Dùng súng phun lửa!"
Một chùm lửa phẫn nộ phun vào bên trong động khiến hơn 10 tên khủng bố không còn nơi ẩn ấp, cầm dao xông ra tấn công các binh sĩ.
Tiểu đội trưởng Vương Thánh Đào nhanh tay nổ súng bắn hạ ngay 3 tên, đồng thời phối hợp với các quân nhân khác tiêu diệt toàn bộ phần tử khủng bố."
Đây chỉ là một phần ngắn trong bài viết dài hàng nghìn chữ ca ngợi chiến công chống khủng bố của quân đội Trung Quốc trên Báo Giải phóng quân.
Trung đội trưởng Lưu Lâm, một trong những nhân vật được mô tả trong bài báo mới đây của Báo Giải phóng quân. Ảnh: Chinanews
Truyền thông phương Tây thường chỉ trích rằng chính sách trấn áp mạnh tay của chính phủ Trung Quốc đối với khu vực Tân Cương đã khiến tình hình khu vực này bất ổn, trong khi Bắc Kinh luôn phản bác và khẳng định đây là "vấn đề nội bộ của quốc gia".
Tuy nhiên, với việc 1 công dân Trung Quốc bị Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết và 3 công dân thiệt mạng trong vụ khủng bố Mali gần đây, bên cạnh vụ khủng bố ở Pháp hôm 13/11, Trung Quốc đã lên tiếng tỏ thái độ cứng rắn chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Vương Nghị đã tuyên bố tại các hội nghị quốc tế gần đây rằng Bắc Kinh "kiên quyết phản đối mọi hình thức của chủ nghĩa khủng bố, kiên quyết tấn công chống lại mọi hành vi khủng bố thách thức giới hạn của nhân loại".
Ngược lại, chính phủ Trung Quốc cũng khẳng định và yêu cầu phương Tây "thừa nhận hoạt động chống khủng bố ở Tân Cương là một phần của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu".
Trong chiến dịch tuyên truyền nhằm đưa vấn đề Tân Cương thành "chống khủng bố quốc tế", báo chí Trung Quốc gần đây thường xuyên đăng tải những bài viết như trên.
Những câu chuyện kể lại như "chiến sĩ 9x một mình bắn chết 6 tên khủng bố", "1 tay khóa lựu đạn, tay kia bắt khủng bố"... xuất hiện dày đặc trên truyền thông Trung Quốc những ngày qua.
Điển hình, Bộ công an Trung Quốc đã không ngần ngại "khoe" hàng loạt hình ảnh lực lượng cảnh sát vũ trang nước này tiến hành một cuộc đột kích "bắn chết 28 tên khủng bố ở Tân Cương" sau khi trải qua 56 ngày truy đuổi.
Bắc Kinh cáo buộc đây là những thủ phạm vụ tấn công mỏ than tại Tân Cương khiến 16 người thiệt mạng hồi tháng 9.
Trung Quốc đang muốn đưa vấn đề Tân Cương vào phạm vi "cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu". Ảnh: CNR
Trong một diễn biến khác, báo chí Trung Quốc hồi giữa tuần trước đã phản ứng gay gắt trước một bài báo của phóng viên Ursula Gauthier thuộc tạp chí nổi tiếng Pháp Le Nouvel Observateur là "bẻ cong một cách nghiêm trọng tình hình thực tế Tân Cương".
Trong bài viết hôm 18/11, bà Gauthier nêu ra một số ví dụ về "hoạt động trấn áp vô tình" của chính phủ Trung Quốc ở Tân Cương, bao gồm việc cấm sử dụng tên Muslim, công chức trong thời gian ăn chay bắt buộc phải ăn ở những quảng trường đông đúc.
Bên cạnh đó, tác giả cũng cho rằng tại Tân Cương, đàn ông để râu hay phụ nữ che mặt bị xem như dấu hiệu chủ nghĩa khủng bố tôn giáo, thanh niên không hút thuốc uống rượu bị nghi là thành viên Hồi giáo cực đoan...