Phong tỏa Donbass – ‘Chìa khóa’ giải cứu Ukraine?

Phạm Khánh |

Theo Kiev Post, không chỉ Thống đốc Donetsk kêu gọi phong tỏa hoàn toàn các lãnh thổ do ly khai kiểm soát mà nhiều nhà phân tích Ukraine cũng cho rằng, đây là “chìa khóa” để giải quyết khủng hoảng.

Theo những người trên, đáng lẽ ra phải phong tỏa các khu vực ly khai kiểm soát sớm hơn vì đó là một hành động cần thiết trong chiến tranh dù xét về khía cạnh nào đó là không nhân đạo.

Giám đốc Cơ quan các Tình huống Chính trị Vitaly Bala nói: “Nếu bàn tay bạn bị hoại tử, bạn phải cắt bỏ để cứu các phần còn lại của cơ thể. Nó tương tự như trong trường hợp ở Ukraine”.

Binh sĩ Ukraine tại Mariupol hồi tháng 9/2014.

Binh sĩ Ukraine tại Mariupol hồi tháng 9/2014.

Ông này nói thêm: “Đúng, vẫn còn nhiều thường dân ở các lãnh thổ bị chiếm đóng, nhưng họ đã bị chiếm đóng và đây là một cuộc chiến tranh bất kể nó đã chính thức hay chưa.

Phong tỏa là việc làm cần thiết để ngăn chặn những hận thù mà ly khai reo rắc lan rộng ra những nơi khác.

Nếu không phong tỏa, Ukraine sẽ sớm có những khu vực khác rơi vào tình trạng như ở Donetsk, Luhansk, Kharkiv, Dnipropetrovsk”.

Pavlo Zhebrivsky, Thống đốc Donetsk mới được bổ nhiệm hôm 11/6, kêu gọi phong tỏa hoàn toàn về kinh tế đối với các lãnh thổ đã bị ly khai kiểm soát.

Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin ZN.UA hôm 13/6, ông khẳng định đều đó là cần thiết. Ông cho biết đang đề xuất với chính phủ và nhấn mạnh sẽ quyết tâm thúc đẩy thực hiện bằng bất cứ giá nào.

Một người khác cũng có cùng quan điểm với ông Zhebrivsky là nghị sĩ Yury Lutsenko.

Ông Lutsenko đã lấy quyết định của Thống đốc Luhansk Hennadiy Moskal làm một ví dụ cho thấy việc phong tỏa toàn bộ có hiệu quả và rằng các chính sách hạn chế đi lại của ông Moskal đã được chứng minh là đúng.

Một khu chung cư ở Donetsk bị ảnh hưởng do đạn pháo.

Một khu chung cư ở Donetsk bị ảnh hưởng do đạn pháo.

Trong khi đó, ông Volodymyr Fesenko, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị Ứng dụng Penta  ở thủ đô Kiev cho rằng thuật ngữ “phong tỏa” nghe có vẻ kịch tích hơn so với dự luật đang được đề xuất và rằng khó có thể thực hiện cái gọi là “phong tỏa hoàn toàn”.

Ông nói: "Hai bên xung đột vẫn có chung quá nhiều cơ sở hạ tầng, do vậy khó có thể phong tỏa hoàn toàn dù có mong muốn như vậy đi chăng nữa. Thứ đang được đề xuất thật sự không đến mức nghiêm trọng như tên gọi của nó”.

Ông này cũng phân tích thêm rằng: “Tuy nhiên, họ cần tìm ra cách cân bằng giữa phong tỏa hoàn toàn và cắt đứt tất cả các mối liên hệ. Dù vậy, với Donbass, thật khó để làm như vậy.

Chỉ khi lệnh ngừng bắn được tuân thủ hoàn toàn thì việc phong tỏa mới được thực hiện triệt để hơn bằng những hạn chế về việc trao đổi hàng hóa và đi lại”.

Nga cho rằng việc Ukraine phong tỏa Donbass sẽ gây tổn hại đến lệnh ngừng bắn Minsk 2.

Nga cho rằng việc Ukraine phong tỏa Donbass sẽ gây tổn hại đến lệnh ngừng bắn Minsk 2.

Ông Fesenko cho rằng: "Những ý kiến cho rằng Ukraine đang bỏ người dân của họ chỉ là hình thức tuyên truyền.

Ukraine không bỏ bất cứ ai, nhưng đó là việc phải làm trong một cuộc chiến tranh. Donbass đang bị chia rẽ và Ukraine không thể kiểm soát lãnh thổ này”.

Trong khi đó, người dân tại các lãnh thổ ly khai kiểm soát đang cảm thấy thất vọng với tình hình hiện nay và đặc biệt là với đề xuất trên.

Tuy nhiên, tại các khu vực này đang có dấu hiệu cho thấy người dân bắt đầu bất mãn với ly khai.

Theo Kyiv Post, hôm 15/6, khoảng 500 cư dân Donetsk đã biểu tình ở trung tâm thành phố để yêu cầu ly khai ngừng bắn từ các khu vực dân cư để ngăn chặn tình huống quân chính phủ bắn trả trở lại.

Nhiều người cũng kêu gọi lãnh đạo ly khai Alexander Zakharchenko rút vũ khí hạng nặng.

Ông Bala cho rằng, cuộc biểu tình trên là "tia hy vọng" về việc mọi người sẽ sớm nhận ra việc ly khai sẽ không thể cung cấp cho họ thứ gì.

Hiện nhiều tuyến đường vào lãnh thổ do ly khai kiểm soát tại khu vực Donetsk đã bị phong tỏa.

Ngoài ra, nhiều quy định mới cũng đã được công bố tại một cuộc họp giữa Cơ quan An ninh, Cơ quan Tài khóa Nhà nước Ukraine và các đại diện doanh nghiệp Ukraine hôm 16/6.

Theo quy định mới, Ukraine sẽ cấm chuyển hàng hóa vào các lãnh thổ ly khai kiểm soát, ngoại trừ các mặt hàng cứu trợ nhân đạo được chuyển bằng đường sắt.

Dân thường cũng sẽ bị cấm đi lại, trừ người tị nạn và trẻ nhỏ.

Những quy định trên đã khiến hàng trăm người dân bị mắc kẹt khi đang ra khỏi lãnh thổ ly khai kiểm soát hôm 15/6. Moscow đã lên tiếng chỉ trích việc làm trên.

Hãng thông tấn Ria Novosti của Nga đưa tin, Thanh tra nhân quyền Nga Konstantin Dolgov gọi hành động phong tỏa trên là một "sự vi phạm nhân quyền" và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án.

Một số nhà phân tích khác lại cảnh báo, việc phong tỏa có thể có một số tác dụng ngược, đem lại lợi thế cho quân ly khai.

Trang tin UALife.net dẫn lời ông Igor Shevliakov, nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chinh sách Quốc tế cho hay: "Đây sẽ là một con át chủ bài trong chiến dịch tuyên truyền của ly khai.

Bạn thấy đấy, họ đang bỏ rơi lãnh thổ của mình, họ không muốn làm hòa với công dân tại các lãnh thổ bị chiếm đóng.

Một quyết định như vậy cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận thỏa thuận Minsk hoàn toàn vô dụng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại