Nước Nga của Putin và những nước cờ hiểm hóc tại Syria

Trung Hiếu |

Tổng thống Nga Putin cùng các cộng sự đã đi nhiều nước cờ vừa chắc chắn vừa hiểm hóc, nhờ đó giành được nhiều thắng lợi ngoạn mục không chỉ ở Syria.

Vậy là điều bất ngờ đã xảy ra. Nga đã sử dụng các loại vũ khí lợi hại của mình để không kích các vị trí của tự xưng IS ở Syria.

Cường độ tấn công không hề nhẹ. Bộ Quốc phòng Nga đã cẩn thận cung cấp các số liệu và hình ảnh về các đợt tấn công này cho công luận quốc tế.

Theo tin tức mới nhất, Nga sẽ còn oanh kích dài dài, trong khoảng 3-4 tháng nữa. Tuy Nga khẳng định chưa đưa ngay lục quân vào Syria, không có dấu hiệu nào cho thấy Nga loại trừ khả năng sử dụng lực lượng trên bộ để đối phó với IS.

Không hiểu uy thế của Tổng thống Nga Putin mạnh đến mức nào mà sau vài ngày Nga ném bom, IS vẫn im hơi lặng tiếng, tuyệt nhiên chưa thấy chúng đả kích nước Nga, như chúng vẫn thường huênh hoang làm vậy với Mỹ và phương Tây.

Nói bất ngờ là bởi bấy lâu nay Nga hầu như không đề cập đến việc đưa quân đánh IS, dù ai cũng biết Nga có hiện diện quân sự tại Syria và viện trợ vũ khí cho quân đội Syria.

Hơn nữa Nga ít nhiều vẫn còn trong trạng thái bị phương Tây chỉ trích về tình hình Đông Ukraine và phải dành nhiều sự quan tâm cho vấn đề này.

Ở cấp chiến thuật, Mỹ chỉ được Nga thông báo đúng một tiếng đồng hồ trước cuộc tấn công IS.

Diễn biến không kích mới này là nước đi mạnh bạo và rất đáng chú ý vì đây là lần can thiệp quân sự đầu tiên của Nga ở ngoài các khu vực không phải là láng giềng của nước này tính từ thập niên 1980 (khi Liên Xô sa lầy ở Afghanistan).

Theo tin tức mới nhất, lục quân Iran cũng rục rịch chuẩn bị sang Syria tham gia các chiến dịch bên cạnh quân đội của Tổng thống Assad.

Các động thái này sẽ khiến nội chiến Syria ngày càng gia tăng tính chất khu vực và toàn cầu.

Nắm quyền chủ động

Chính truyền thông phương Tây cũng phải thừa nhận nước Nga, dưới sự lãnh đạo của ông Putin, đang nắm quyền chủ động ở Syria và trong các vấn đề xung quanh cuộc nội chiến tại Syria.

Phản ứng trước đợt không kích của Nga, phương Tây tỏ ra thận trọng hẳn.

Có những tiếng nói nghi ngại, thậm chí “đặt điều” cho rằng Nga không kích vào vị trí của thường dân hoặc lợi dụng việc đánh IS để tấn công các lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria, cốt để củng cố quyền lực của Tổng thống Syria al-Assad.

Nhưng về cơ bản họ không phản ứng quyết liệt một cách chính thức. Phương Tây vẫn phải ghi nhận vai trò của Nga, thậm chí hoan nghênh Nga nếu đánh trúng IS. Họ chủ yếu cảnh báo Nga không được lợi dụng việc không kích để “xử lý” phe đối lập được phương Tây hậu thuẫn.

Trong nội bộ phương Tây và Mỹ, một bộ phận không nhỏ bắt đầu “xuôi” theo cách tiếp cận của Nga. Thủ tướng Đức Merkel kêu gọi đối thoại với để tìm giải pháp hòa bình cho Syria.

Còn Thủ tướng Anh Cameron và Ngoại trưởng Mỹ Kerry tuy vẫn phản đối ông Assad nhưng không đòi hỏi ông này phải từ chức ngay.

Cuộc chiến truyền thông chống lại Nga và cuộc không kích của họ tỏ ra không hiệu quả. Vì những bằng chứng chống lại Nga vừa không rõ ràng vừa có dấu hiệu ngụy tạo.

Bộ Ngoại giao Nga đã phản ứng kịp thời, khẳng định quân đội Nga hành động trong khuôn khổ. Họ đồng thời vạch ra sự thiếu thuyết phục trong các bằng chứng do các nhóm hoạt động đối lập tại Syria đưa ra.

Không những vậy cỗ máy truyền thông đối ngoại của Nga đã được huy động rầm rộ và hiệu quả để phản bác tiếng nói thù địch với nước Nga và bảo vệ các cuộc không kích vừa rồi.

RT là kênh truyền hình tiếng Anh hướng chủ yếu vào khán giả phương Tây, nhận nhiều đầu tư của chính phủ Nga và áp dụng lối làm báo chuyên nghiệp để “bật lại” phương Tây và khoét sâu các điểm yếu của phương Tây.

Tổ hợp truyền thông Sputnik là kết quả của cải tổ và sáp nhập hãng thông tấn RIA và đài phát thanh đối ngoại VOR để đạt hiệu quả nghiệp vụ và bám sát định hướng chính trị của nhà nước Nga.

Thế đứng vững chắc

Về mặt quân sự, Nga sở hữu lợi thế cực lớn. Họ có cả quân cảng và căn cứ không quân ở Syria.

Điều này khác với Mỹ và phương Tây không có quân nhân, không có cố vấn quân sự, không có căn cứ nào ở đây cả - máy bay của họ phải xuất kích từ các căn cứ ở xa (ở Thổ Nhĩ Kỳ).

Thông tin tình báo quân sự của Mỹ về Syria là khá mù mờ (đây là một nguyên nhân quan trọng khiến chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu kém hiệu quả).


Máy bay hiện đại Su-34 (Fullback) - vũ khí lợi hại của Nga trong đợt không kích IS. Ảnh: Sputnik.

Máy bay hiện đại Su-34 (Fullback) - vũ khí lợi hại của Nga trong đợt không kích IS. Ảnh: Sputnik.

Trong khi đó vũ khí Nga vốn có tiếng hiện đại, đáng tin cậy, và phù hợp với điều kiện khí hậu Trung Đông.

Lần này Nga chủ động viện trợ thêm nhiều thiết bị quân sự hiện đại (kể cả hệ thống theo dõi) cho quân đội Syria, đồng thời đích thân sử dụng vũ khí để không kích IS, nên nhiều khả năng họ sẽ tạo ra thay đổi lớn trên chiến trường Syria.

Về mặt pháp lý, Nga dựa vào Hiến chương Liên Hợp Quốc và yêu cầu của chính phủ Syria hợp pháp để tiến hành không kích IS.

Trên thực tế, cuộc không kích này đã giành được sự hoan nghênh của cả chính quyền và dân chúng Syria.

Trong khi đó chiến dịch không kích IS do liên quân của Mỹ tiến hành ở Syria chưa được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc phê chuẩn, lại không dựa trên bất cứ yêu cầu nào từ “chủ nhà” Syria.

Về mặt ngoại giao, chính quyền Nga đã có nhiều động thái khôn ngoan và cũng bất ngờ. Họ mới đây đã chủ động liên kết với Syria, Iran và Iraq để thành lập một trung tâm liên hợp chia sẻ thông tin tình báo, quân sự chống IS.

Họ bắt tay với cả chính quyền Iraq (vốn do ) và nhận được sự hợp tác tích cực từ chính quyền này. Thậm chí đương kim Thủ tướng Iraq vừa để ngỏ khả năng để cho Nga không kích IS trong lãnh thổ nước mình.

Trong chuyến công du tới Mỹ để dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Nga Putin đã tỏ rõ bản lĩnh và sự đĩnh đạc của mình.

Ông đã trả lời đầy súc tích, gãy gọn và thuyết phục trong cuộc phỏng vấn do đài truyền hình Mỹ CBS thực hiện. Còn tại Diễn đàn Liên Hợp Quốc sau đó, bài phát biểu của ông gây ấn tượng mạnh hơn cả diễn văn của Tổng thống Mỹ Obama.

Trong thời gian ở Mỹ, Tổng thống Putin đã tận dụng các cơ hội để khẳng định tính pháp lý của việc Nga can dự vào Syria, đồng thời chỉ ra địa vị pháp lý yếu kém trong các hoạt động quân sự của liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành ở Syria.

Những bước đi của Nga rất cụ thể, chắc chắn, thực chất, ít tính khoa trương. Thậm chí trong Trung Đông đã xuất hiện tâm lý tin tưởng vào những gì Nga nói và làm. Trong khi đó người Mỹ có phần thất thế, khi thường xuyên tuyên bố vạch ra lằn ranh giới đỏ để rồi “để đấy”.

Phối hợp nhuần nhuyễn với hoạt động ngoại giao, hành động can thiệp quân sự của Nga rơi rất đúng thời điểm khi quốc tế ít nhiều đều thất vọng về chiến dịch không kích IS của phương Tây ở Syria (và cả Iraq), còn tổ chức khét tiếng dường như vẫn lớn mạnh thêm trong lúc châu Âu khốn khổ vì cuộc khủng hoảng nhập cư lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Và tất nhiên, với việc đưa quân đánh IS (lý do rất chính đáng), Nga có điều kiện vô cùng thuận lợi để hỗ trợ cho chế độ của Tổng thống Syria Assad - đồng minh thân cận của Nga ở Trung Đông.

Những động thái đầy tự tin của người Nga cho thấy, Nga bắt đầu thoát khỏi sức ép về vấn đề Ukraine và từng bước chủ động hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi vấn đề này.

Tổng thống Putin đang muốn nhắc nhở với phương Tây rằng, giờ đây cộng đồng quốc tế cần phải nghiêm túc tính đến Nga trong các vấn đề trọng đại của thế giới./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại