Biển Đông: "Giận cá" Mỹ, TQ sẽ "chém thớt" Nhật Bản, Philippines?

Đức Huy |

Với việc điều USS Lassen tuần tra 12 hải lý quanh Đá Xu Bi, Mỹ đã khẳng định quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Vậy một Bắc Kinh cay cú sẽ đáp trả ra sao?

Đầu tháng này, như một lời cảnh báo trước kế hoạch tuần tra 12 hải lý của Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã nói rằng, "Trung Quốc sẽ không cho phép bất kì quốc gia nào xâm phạm lãnh hải hay không phận nước này".

Theo đánh giá của The Guardian, đây rõ ràng là một lằn ranh Trung Quốc công khai đặt ra cho Mỹ.

Nhưng nay, với việc điều động USS Lassen áp sát đá Xu Bi và Vành Khăn (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép), Washington đã không ngần ngại bước qua cái lằn ranh ấy, dù thực chất vùng biển tàu này đi qua hôm 27/10 cũng chẳng phải lãnh hải Trung Quốc cho cam.

Thậm chí, sau khi biết tin USS Lassen đang tiến gần đến bán kính 12 hải lý, từ Vương Nghị cho đến Thôi Thiên Khải đều lập tức đề nghị Mỹ suy nghĩ lại, nhưng vô ích.

Vói việc điều động một tàu chiến "có số má", bỏ ngoài tai những cảnh báo từ Trung Quốc, và nhấn mạnh mục đích bảo vệ quyền tự do đi lại trên hải phận quốc tế với đợt tuần tra lần này cũng như trong tương lai, The Guardian cho rằng Washington đã "chạm tự ái" của Bắc Kinh.

Và không chỉ chính phủ Trung Quốc bị "quê", người dân nước này cũng có cảm nhận tương tự. Một bộ phận không nhỏ cộng đồng mạng Trung Quốc thậm chí còn chỉ trích gay gắt sự nhu nhược trong phản ứng của chính phủ nước này trước động thái của Mỹ.

"Nếu ngay cả chủ quyền (!?) mà chính phủ cũng không bảo vệ nổi, thì làm sao lấy được lòng tin nơi người dân?" là nội dung một bình luận trước thông tin Mỹ tuần tra 12 hải lý đăng trên website của Tân Hoa Xã.

Vậy trong bối cảnh mất mặt vì kình địch Mỹ không coi lời nói của mình ra gì, cộng thêm áp lực từ phía người dân, Bắc Kinh sẽ đáp trả như thế nào?

Đáp trả trên diện rộng

Theo The Guardian, một hay nhiều hành động phản pháo từ phía Trung Quốc sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng điều đáng nói là trang này nhận định, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không chỉ tập trung đáp trả trên Biển Đông, mà còn mở rộng ra nhiều mặt trận khác.

"Có rất nhiều những điểm nóng nơi Bắc Kinh có thể khai thác để khiến Mỹ bất an. Đây có thể coi như một phản ứng địa chính trị dây chuyền" - báo này viết.

Có thể thấy phần nào ý đồ này trong tuyên bố chính thức của bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 27/10 vừa qua.

phát ngôn viên bng trung quốc
Lục khảng
Nếu nhận thấy cần đáp trả, thì thời điểm, cách thức, và tiến độ thực hiện điều đó sẽ được quyết định dựa trên lợi ích và nhu cầu của Trung Quốc.

Xét trên bình diện Biển Đông, Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường gây hấn với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền tại đây.

Trong đó, theo The Guardian, bãi cạn Scaborough có thể sẽ trở thành điểm nóng, với việc Philippines, một đồng minh của Mỹ, có tuyên bố chủ quyền tại đây. Sau vụ việc năm 2012, Trung Quốc đã chiếm lấy thực thể mà họ đặt tên là Hoàng Nham này.

Bên ngoài Biển Đông, một khu vực khác nhiều khả năng sẽ chứng kiến tình hình trở nên phức tạp là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh giành chủ quyền.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ trở thành điểm nóng? Ảnh: WikiMedia
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sẽ trở thành điểm nóng? Ảnh: WikiMedia

Năm 2013, Bắc Kinh đã đơn phương thiết lập Vùng Định dạng Phòng không (ADIZ) trên không phận khu vực tranh chấp, và Mỹ đã lập tức đáp trả bằng việc điều động máy bay B-52 tới Hoa Đông.

Một hành động gây hấn tương tự của Trung Quốc nhắm tới Nhật Bản, cũng là một đồng minh của Mỹ, hoàn toàn có thể xảy ra.

Trung Quốc cũng có thể đáp trả "ngầm" bằng một cuộc chạy đua vũ trang. Theo The Guardian, hiện nay Bắc Kinh đang xây dựng một hạm đội đại dương với các tàu sân bay tân tiến nhất để có thể trở thành đối trọng của Mỹ tại khu vực phía đông Thái Bình Dương.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tính đến khả năng điều tàu áp sát các đảo của Mỹ.

Gần đây, ngay trong chuyến thăm Alaska của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Bắc Kinh đã điều tàu tới "hỏi thăm" khu vực quần đảo Aleutian. Không loại trử khả năng sắp tới Alaska sẽ trở thành một "sân khấu" khác để phục vụ mục đích đáp trả của Trung Quốc.

Tính toán của Mỹ

Trước khi đi đến quyết định tuần tra 12 hải lý, Mỹ đã dành nhiều tháng cân nhắc thiệt hơn, và trong đó chắc hẳn đã xét đến những động thái đáp trả của Trung Quốc.

Đáng chú ý là khi Trung Quốc mới chỉ kịp đưa ra những phát ngôn phản đối mà chưa có hành động đáp trả nào cụ thể, Mỹ đã nói thẳng rằng các cuộc tuần tra sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới.

Do đó, có thể thấy Mỹ đã không chỉ sẵn sàng công khai thách thức những tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc, mà họ còn sẵn sàng chấp nhận những màn đáp trả từ Bắc Kinh, để đổi lấy lòng tin của cộng đồng quốc tế trong sứ mệnh bảo vệ tự do hàng hải.

Việc Mỹ tuần tra với USS Lassen chỉ một tuần trước khi Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris, có chuyến công du tới Bắc Kinh để hội đàm với các quan chức cấp cao quân đội Trung Quốc, cũng cho thấy Mỹ không ngần ngại chấp nhận rủi ro.

Dù mới chỉ là một cuộc tuần tra mang nhiều ý nghĩa biểu tượng hơn giá trị thực tiễn, nhưng có thể thấy được một điều, sau nhiều tháng chuẩn bị, Mỹ giờ đây đã sẵn sàng "chơi bài ngửa" với một Trung Quốc ngang ngược trên Biển Đông.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại