Tuần san biếm họa lớn nhất nước Pháp nhận được thư đe dọa
“Sẽ đến lượt các ngươi”
Ngày 8/1, tuần báo châm biếm lớn nhất nước Pháp Le Canard Enchaine (LCE) tiết lộ, họ đã nhận được một bức thư điện tử với nội dung cảnh báo: “Sẽ đến lượt các ngươi”. Bức thư doạ sẽ chém chết các nhà báo của tờ này “bằng rìu”.
Lời doạ nạt đã được gửi đến LCE cùng khoảng thời gian với vụ thảm sát tại toà soạn tạp chí châm biếm Pháp Charlie Hebdo hôm 7/1, khiến 12 người thiệt mạng.
Bức thư trên đã được chuyển cho cảnh sát để điều tra. An ninh tại trụ sở của toà soạn LCE cũng như của các nhân viên của tờ này cũng được thắt chặt.
Dù không đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ thảm sát đẫm máu khiến nước Pháp choáng váng, song cũng như nhiều tờ báo khác trong nước, LCE tuyên bố sẽ giúp đỡ các đồng nghiệp tại Charlie Hebdo để họ có thể tiếp tục làm việc.
Nhiều người cho rằng, LCE bị đe doạ vì đăng những bức tranh biếm hoạ đạo Hồi, song chưa rõ liệu lí do này có thật sự chính xác không, bởi cách thức hoạt động và mục tiêu châm biếm của 2 tờ này dường như có nhiều điểm khác biệt.
BBC đánh giá, Charlie Hebdo thường xuyên bị đem ra so sánh với LCE - đối thủ nổi tiếng, thành công hơn.
Và nếu LCE thường tập trung vào việc phanh phui những thông tin sốt dẻo, các bí mật không được tiết lộ, chủ yếu là về kinh tế và chính trị, thì Charlie Hebdo dường như thô lỗ và cay nghiệt hơn.
Đạo Hồi và nhà tiên tri Mohammed là một trong những đề tài thường được Charlie Hebdo sử dụng trong tranh vẽ của mình.
Cabu. một hoạ sĩ của Charlie Hebdo sống sót sau vụ thảm sát, từng tuyên bố: "Ở LCE, vẫn còn có những giới hạn. Nhưng ở Charlie Hebdo, bạn có thể nói và vẽ bất cứ thứ gì".
Tài sản kếch xù, nói không với quảng cáo
Măng-sét của LCE có hình một con vịt.
Theo báo Đức The Spiegel, số lượng phát hành của LCE, tính ở mốc năm 2011, đã tăng lên 32% trong 2 năm kể từ sau khi ông Sazkozy nhậm chức Tổng thống, và bán được 700.000 bản mỗi tuần - cao gấp hơn 11 lần Charlie Hebdo.
Điều khá buồn cười là, internet hay công nghệ máy tính hiện đại dường như không có chỗ tại LCE.
Trong số 16 phóng viên, nhà báo của tờ này, chỉ có chưa tới một nửa số người dùng máy tính để viết bài. Còn lại, đa phần đều nộp bản thảo bằng giấy cho các thư ký toà soạn. Ngay cả bản thân Tổng biên tập Claude Angeli cũng vậy.
Vậy nên, chẳng có gì là lạ khi trang web của tờ này không có gì nhiều ngoài một số bức vẽ trên trang bìa cũ cùng với lời mời gọi hãy mua báo giấy mỗi thứ Tư hàng tuần.
Ông Angeli lý giải: "Nếu chúng tôi đưa bài vở lên internet, thì ai sẽ mua báo hôm thứ Tư nữa. Chúng tôi tin vào báo in".
LCE cũng nói không với quảng cáo. "Chúng tôi không bao giờ muốn phải băn khoăn rằng, liệu một bài báo nào đó có khiến chúng ta mất đi ngân sách từ quảng cáo hay không".
Dù vậy, LCE vẫn đang phát triển đều đặn và ngày càng trở nên giàu có. Năm 2011, dự trữ tiền mặt và tài sản của LCE đạt tới con số 110 triệu euro.
Tờ này sở hữu 2 toà nhà mà các công ty bất động sản luôn mơ ước - một toà tại khu Cung điện Hoàng gia Pháp Palais Royal và một toà gần khu trung tâm Place des Victoires.
Ông Angeli chia sẻ: "Bạn có biết điều khiến cuộc sống của tôi thoải mái nhất là gì không? Đó là chúng tôi đang làm tốt tới mức, chúng tôi có thể chểnh mảng một số báo và vẫn trả lương được cho tất cả mọi người".
Từ trước cho tới nay, LCE luôn tự sở hữu và quản lý chính mình, thay vì thuộc quyền sở hữu của một cá nhân hoặc tổ chức nào đó. Các thành viên của toà soạn vừa là ông chủ, vừa là người làm công.
Có lẽ vì vậy mà LCE được đánh giá là một trong số rất ít các tờ báo khách quan nhất nước Pháp.
"Nỗi ám ảnh" của chính trị gia Pháp
Không phải ngẫu nhiên mà The Spiegel năm 2011 đánh giá, LCE là tờ báo Pháp duy nhất khiến các chính trị gia sợ hãi.
Trong nhiều thập kỉ kể từ ngày thành lập vào năm 1915, LCE đã phanh phui nhiều scandal của giới chức Pháp, cho xuất bản tranh biếm hoạ thâm cay hay các bài bình luận mỉa mai về chính trị.
Tại toà soạn LCE, một trong những thứ khiến ông Angeli tự hào chính là một cái lỗ trên tường, xuất hiện năm 1972, không lâu sau khi tờ này phanh phui bê bối trốn thuế của Thủ tướng khi đó là Jacques Chaban-Delmas.
Các tình báo Pháp đã giả dạng thợ sửa ống nước để lọt vào trụ sở toà soạn, âm mưu đặt thiết bị nghe lén, song không may là họ đã bị một phóng viên phát hiện.
9 ngày sau đó, LCE công bố danh tính của tất cả những điệp viên này. Sau đó, Thủ tướng mất chức, còn Angeli thì đã cho tất thảy mọi người thấy rằng, ông có mạng lưới cung cấp thông tin tốt nhất nước Pháp.
Ông Angeli đứng bên cạnh cái lỗ trên tường khiến ông vô cùng tự hào.
Tổng biên tập LCE cho hay, các biên tập viên của ông phụ thuộc khá nhiều vào những "người lộ mật".
"Tôi đã biết nhiều trong số các nguồn tin của mình được vài năm rồi. Chúng tôi kiểm tra từng mẩu thông tin, và chỉ xuất bản nó khi nó được 2 nguồn độc lập, không quen biết gì nhau, cùng xác nhận".
Hơn 20 năm kể từ khi Angeli ngồi vào vị trí tổng biên tập, LCE gần như không có nhiều sự thay đổi - vẫn xuất bản hàng tuần, 8 trang, 2 trang màu và rất nhiều tranh biếm hoạ.
Còn ông thì vẫn vô cùng thích thú với việc phanh phui cái mà ông gọi là sự "tham lam và ngu dốt" của các quan chức chính phủ.
Một bài báo trên tờ New York Times (Mỹ) năm 2011 đánh giá, ông Angeli và các đồng sự có lẽ là những nhà báo thành công nhất nước Pháp.
Còn với riêng ông, 2011 là một năm “thú vị”, bởi qua các bài báo của LCE, “hai quan chức cấp cao phải từ chức, 2 quan chức khác không được bổ nhiệm”.
Trong số đó, nổi bật nhất là bài viết khiến Ngoại trưởng Pháp khi đó, bà Michele Alliot-Marie, buộc phải từ chức.