Một bài bình luận của nhà báo Tony Barber đăng trên tờ Financial Times (Anh) hôm 7/1 đã gây làn sóng phản đối dữ dội khi cho rằng Charlie Hebdo từ lâu đã có thiên hướng "chế giễu, gây hấn, và khiêu khích" người Hồi giáo qua các bức biếm họa của mình.
Trong bản gốc của bài báo này, tác giả Barber cho rằng Charlie Hebdo không xứng đáng với những lời tung hô bảo vệ quyền tự do ngôn luận dành cho họ. Nặng nề hơn, ông đã dùng từ "ngu ngốc" (foolishness) để nói về cách làm việc của tòa soạn này.
Bài báo của Barber có đoạn:
"Pháp là mảnh đất của những Voltaire (một nhà triết học người Pháp thời Phục Hưng nổi tiếng với những bài viết đả kích tôn giáo - PV), nhưng có quá nhiều lúc Charlie Hebdo đã đi vượt giới hạn và cho thấy sự ngu ngốc của mình".
"Tôi không muốn bào chữa cho những kẻ khủng bố... Tôi chỉ muốn nói rằng các ấn phẩm châm biếm Hồi giáo như Charlie Hebdo không hề mang tính tôn vinh tự do ngôn luận gì cả, mà thật ra chỉ thể hiện việc họ ngu ngốc đến thế nào thôi".
Bài viết này được xuất bản chỉ một ngày sau khi xảy ra vụ thảm sát tại văn phòng tạp chí Charlie Hebdo, thủ đô Paris, Pháp, cướp đi sinh mạng 12 người, trong đó có 10 nhà báo và họa sĩ hiện đang công tác tại tòa soạn.
Động đến một chủ đề nhạy cảm là ranh giới giữa tự do ngôn luận và tôn giáo, lại thêm thời điểm xuất bản trong không khí tang thương, bài viết của tác giả Barber đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ dư luận.
Về phía độc giả, đến nay đã có gần 2.000 lượt phản hồi trực tiếp cho bài viết trên Financial Times. Đại đa số bày tỏ sự bất bình về nội dung cũng như cách chọn thời điểm xuất bản bài báo của ban biên tập.
"Một bài viết thể hiện sự thiếu tôn trọng đáng kinh ngạc đối với các nạn nhân. Tác giả một mặt nói mình không bào chữa cho kẻ khủng bố, nhưng ngay câu sau lại có ý cho rằng trong vụ thảm sát này lỗi thuộc về các nạn nhân!? Thật đáng xấu hổ", một độc giả phản hồi.
"Xuất bản một bài viết như thế này trong khi xác các nạn nhân còn đang trên đường vận chuyển, và vẫn còn đó những nạn nhân khác đang đau đớn trên giường bệnh? Financial Times nợ người đọc một lời xin lỗi thành khẩn", một độc giả khác bất bình.
Nặng nề nhất có lẽ là phản hồi của độc giả dưới đây:
"Đây là bài báo vô cảm, thiếu tôn trọng và đáng khinh nhất mà tôi từng vô phúc đọc được. Nó là một sự sỉ nhục đối với tự do ngôn luận trên mọi khía cạnh".
Trên mạng xã hội Twitter, nhiều nguời dùng thậm chí còn kêu gọi Tony Barber từ chức.
Một số tờ báo khác cũng đặt dấu hỏi với bài viết này của nhà báo Barber, một cây bút có uy tín từng có nhiều năm làm việc cho hãng tin Reuters và hiện đang là phó tổng biên tập tòa soạn châu Âu của tờ Financial Times.
Tạp chí The Atlantic (Mỹ), trong bài viết mang tựa đề "Không phải ai trong chúng ta cũng là Charlie", nói rằng "cái 'ngu ngốc' thật sự là khi chúng ta để cho những kẻ khủng bố dùng súng khống chế những gì chúng ta được hay không được viết ra".
Trong khi đó, nhà báo Richard Miniter của tờ Forbes (Mỹ) thậm chí còn gọi Financial Times là "kẻ thù" của Charlie Hebdo nói riêng cũng như nền tự do ngôn luận nói chung.
Trước sức ép của dư luận, đội ngũ biên tập của Financial Times đã cắt bỏ các đoạn có sử dụng từ "ngu ngốc" (foolishness) nói trên.
Ngoài ra, theo trang Huffington Post (Mỹ), phát ngôn viên của Financial Times cũng "mở ngoặc" rằng bài viết của nhà báo Barber được đăng tải dưới dạng góc nhìn chuyên gia chứ không phản ánh quan điểm của tòa soạn.