Nhật Bản bầu cử xong, Trung Quốc toát mồ hôi

Đông Triều |

Sau bầu cử sớm, Thủ tướng Abe có nhiều quyền lực hơn để thực thi các chính sách vốn làm cho láng giềng Trung Quốc đau đầu.

Ngay sau khi Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố sẽ cố gắng thuyết phục người dân nước này, đặc biệt là những người có tư tưởng hoài nghi, về sự cần thiết phải cải tổ lại hiến pháp hòa bình của đất nước Mặt trời mọc.

Đảng LDP cầm quyền của Thủ tướng Abe giành chiến thắng vang dội
Đảng LDP cầm quyền của Thủ tướng Abe giành chiến thắng vang dội

Với việc giành được 326 trong tổng số 475 ghế, liên minh cầm quyền của LDP cùng với đảng Công minh Komeito đã có một chiến thắng áp đảo trước Đảng Dân chủ Nhật Bản đối lập (DPJ), được 73 ghế.

Ngay sau đó, Chủ tịch DPJ Banri Kaieda, đã từ chức.

Đây cũng là lần đầu tiên một lãnh đạo đảng đối lập lớn nhất ở Nhật Bản mất ghế tại Hạ viện, kể từ năm 1949.

Nhiều nhận định cho rằng ông Abe sẽ giữ nguyên nội các hiện nay, sau khi được tái chỉ định là Thủ tướng và sẽ thành lập nội các mới trong một phiên họp đặc biệt của Quốc hội dự kiến vào ngày 24/12 tới.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Tokyo ngay sau khi kết quả bầu cử Hạ viện được công bố, ông Abe nói: "Cải tổ Hiến pháp luôn là một mục tiêu của Đảng Dân chủ Tự do ngay từ khi nó được thành lập.

Và tôi sẽ nỗ lực làm việc để củng cố niềm tin của người dân và để nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ hơn từ công chúng".

Những dự định của Thủ tướng Abe về việc nới lỏng các hạn chế trong bản hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, mà Mỹ áp đặt sau khi Thế chiến II kết thúc, đã vấp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận trong nước và làm gia tăng những căng thẳng vốn đã tồn tại từ lâu trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Bên cạnh hiến pháp, ông Abe cho biết muốn thực hiện cả những cải cách giáo dục, với hy vọng có thể truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho trẻ em và kêu gọi dư luận có cái nhìn bao dung hơn đối với các hành động bị chỉ trích của Nhật Bản thời chiến tranh.

Ông Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 10/11/2014
Ông Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 10/11/2014

Nhà lãnh đạo 60 tuổi này đã lên nắm quyền từ năm 2012 thực hiện chính sách ngoại giao được đánh giá là cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc.

Giáo sư Gerald Curtis, thuộc trường Đại học Columbia và đồng thời là nhà quan sát tình hình Nhật Bản lâu năm, nhận định rằng xét về mặt ngoại giao, chiến thắng của Thủ tướng Abe trong cuộc bầu cử trước kì hạn có thể làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp với Trung Quốc, và khiến ông bị coi là người "theo chủ nghĩa xét lại" đầy nguy hiểm.

Quan hệ Nhật-Trung đã bắt đầu có những dấu hiệu tan băng sau hơn 2 năm giá lạnh, khi Bắc Kinh không ngừng chỉ trích Thủ tướng Abe có các hành động mang tính dân tộc chủ nghĩa đầy khiêu khích, như chuyến viếng thăm đền Yasukuni - nơi thờ các binh sĩ tử trận của Nhật - và cách nói mập mờ về tội ác của phát xít Nhật trong quá khứ.

Bắc Kinh cho rằng nước này đã "lưu ý" về kết quả của cuộc bầu cử tại Nhật, và đã đưa ra một "lời nhắc nhở" rằng nước Nhật cần "rút ra những bài học từ lịch sử và đóng một vai trò xây dựng trong sự ổn định và hòa bình ở khu vực".

Binh sĩ Nhật Bản trong tập trận
Binh sĩ Nhật Bản trong tập trận

Cùng với việc sửa đổi hiến pháp, Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch hiện đại hóa lực lượng quốc phòng qua việc mua các máy bay chiến đấu, máy bay trực thăng, máy bay trinh sát, xe bọc thép lội nước và tàu ngầm chủ yếu của Mỹ.

Chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, Thủ tướng Abe sẽ càng có nhiều cơ hội thực hiện những bước đi này.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố kế hoạch trung hạn trong lĩnh vực quốc phòng cho những năm 2014-2018.

Theo văn kiện này, Nhật Bản sẽ chi khoảng 247 tỷ USD để nâng cấp trang bị cho các đơn vị lực lượng phòng vệ.

Mục đích của hoạt động này là thành lập “lực lượng phòng vệ chung năng động”.

Giới phân tích cho rằng Nhật Bản muốn hạn chế ảnh hưởng của chính sách ‘tự kiềm chế’ trong lĩnh vực quốc phòng.

Ở đây không chỉ nói về thành phần và cơ cấu lực lượng phòng vệ, mà còn về các loại vũ khí.

Trước đây đã có thông tin phía Mỹ cáo buộc Chính phủ Nhật Bản chi tiêu quá ít tiền cho quốc phòng và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình trong liên minh quân sự.

Hiện nay, ngoài yếu tố là áp lực từ phía Mỹ, Nhật Bản cảm thấy rằng chính sách 'tự kiềm chế' trong các vấn đề quốc phòng đã lỗi thời khi Tokyo ghi nhận mối đe dọa tiềm tàng chủ yếu từ phía Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại