Nhân vật được ông Tập Cận Bình đem ra "đe" các tướng TQ là ai?

Hải Võ |

Báo Giải phóng quân, cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương Trung Quốc, hôm 14/1 đăng tải bài xã luận 9.000 chữ, công khai một số lời cảnh tỉnh của ông Tập Cận Bình với quân đội.

Theo Báo giải phóng quân, ông Tập nhấn mạnh mục tiêu cốt lõi của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) là "phải biết đánh trận và đánh thắng trận".

"Phải cảnh giác trước nguy cơ quốc gia bị xâm lược, bị lật đổ, chia rẽ; phải cảnh giác cao độ nguy cơ tình hình phát triển ổn định bị phá hoại...," nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ ra.

Bài xã luận của Báo giải phóng quân đề cập, Chủ tịch Tập Cận Bình tại một hội nghị quan trọng đã yêu cầu hết sức rõ ràng rằng lãnh đạo các cấp của quân đội Trung Quốc "không được trở thành nhân vật Gorlov trong vở kịch 'Tiền tuyến' của Liên Xô".

Ông Tập cảnh cáo: "Ai hiểu rồi thì nỗ lực tạo điều kiện thực hiện, ai chưa hiểu thì tranh thủ học tập nghiên cứu cho hiểu."

Gorlov là ai?

Trang Guancha Syndicate (Trung Quốc) cho biết, "Tiền tuyến" (Frontline) là vở kịch nói ra đời tháng 9/1942, do tác giả Liên Xô Aleksandr Korneychuk sáng tác và có ảnh hưởng quan trọng đối với cuộc chiến tranh chống phát xít của Liên Xô.

Tại Trung Quốc, vở "Tiền tuyến" được nhà thơ Tiêu Tam - một người từng du học Liên Xô - dịch sang tiếng Hoa và gửi Mao Trạch Đông xem vào mùa xuân 1944. Ông Mao sau khi đọc đã giới thiệu cho Báo giải phóng quân đăng tải từ 19-26/5/1944.

Nhờ sự tâm đắc của Mao, vở kịch trên từng có thời gian dài được xem là "giáo trình hình tượng" nhằm thúc đẩy sự phấn đấu, cầu tiến của các quan chức, lãnh đạo của Trung Quốc.

Nhân vật chính trong vở kịch, Tổng chỉ huy tiền tuyến của Hồng quân Liên Xô Gorlov, là một thành viên cốt cán của đảng Bolshevik, được mô tả là có nhiều chiến công xuất sắc, chiến đấu dũng cảm, trung thành nhưng bảo thủ, ương ngạnh và kiêu ngạo tự mãn.

Gorlov là một viên tướng thường xuyên thắng trận trong cuộc Nội chiến Nga. Ông ta xem thường khoa học quân sự, không tiếp thu phương pháp chiến đấu hiện đại và khinh thị các tướng lĩnh trẻ tuổi am hiểu kỹ thuật quân sự.

Trong "Tiền tuyến", có tình tiết nhân vật chính khác, người đứng đầu một đơn vị Hồng quân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc, chỉ ra: "Ngày nay nếu không có liên lạc radio thì không thể chỉ huy tác chiến được."

Tổng chỉ huy Gorlov đã đáp lại bằng câu thoại kinh điển: "Vớ vẩn, anh thì hiểu gì? Khi chúng ta đánh bại 14 nước, anh còn đang bò dưới gầm bàn đó. Chiến thắng bất cứ kẻ địch nào, không phải dựa vào hệ thống liên lạc radio, mà là sự anh dũng, quả cảm."

Bộ chỉ huy Liên Xô cũng không thể "giáo dục lại" Gorlov được nên chỉ còn cách thay thế ông, trong khi viên tướng trẻ tuổi nói trên sau đó đã liên tiếp giành được chiến thắng trước Đức Quốc Xã nhờ giỏi vận dụng các chiến lược, chiến thuật hiện đại.


Tập Cận Bình cảnh cáo những tướng lĩnh kiêu ngạo, tự mãn trong quân đội Trung Quốc?

Tập Cận Bình cảnh cáo những tướng lĩnh "kiêu ngạo, tự mãn" trong quân đội Trung Quốc?

Ảnh hưởng ở Trung Quốc

Theo Guancha Syndicate, cũng với vở "Tiền tuyến" được trình diễn phổ biến và nước CHND Trung Hoa thành lập (1949), "Gorlov" là cái tên thường xuyên xuất hiện trong các văn bản hay phát biểu của lãnh đạo các cấp ở Trung Quốc.

Những người bị phê bình là "xa rời thực tế, không cầu thị, kiêu ngạo" thường bị dư luận Trung Quốc gắn biệt danh Gorlov.

Ngày 15/2/1945, Mao Trạch Đông phát biểu tại Trường đảng trung ương Trung Quốc: "Cách mạng tháng Mười Nga đã qua hơn 20 năm,... nhưng Liên Xô vẫn xuất hiện nhiều nhân vật như Gorlov. Do đó, [Trung Quốc] cần chuẩn bị tư tưởng."

Cuốn "Nhật ký Dương Thượng Côn" ghi lại, ông Mao nói tại Hội nghị trung ương 2 khóa VII đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 5/3/1949: "Phải đề ta nhiệm vụ mới để các đồng chí toàn đảng không kịp kiêu ngạo. Không được để xuất hiện Gorlov."

Trong bài xã luận hôm 14/1, Báo Giải phóng quân không đề cập phát ngôn của ông Tập Cận Bình được đưa ra trong hoàn cảnh nào.

Tuy nhiên, với ý nghĩa và ảnh hưởng của "Tiền tuyến" tại Trung Quốc, giới quan sát tin rằng đây là lời cảnh tỉnh của ông đối với PLA trong khi thúc đẩy cuộc cải cách quân đội.

Trang Đa Chiều, thông tin trên là tín hiệu cho thấy ông Tập muốn đẩy mạnh thay thế những tướng lĩnh mà Bắc Kinh cho là "dựa vào quan hệ hay công trạng để chèn ép, ngăn chặn những người có thực tài".

Giới quan sát Trung Quốc cho rằng, số lượng cơ quan nghiên cứu chiến lược ở Trung Quốc đông đảo nhưng chủ yếu chỉ là "bàn binh trên giấy".

Nhiều tướng lĩnh của PLA vẫn giữ lối suy nghĩ từ hàng chục năm trước, trong khi các cuộc tập trận tuy rầm rộ nhưng không mang nhiều giá trị, chủ yếu là những quy trình cứng nhắc.

Bằng cuộc cải cách quân đội của mình, Tập Cận Bình đặt mục tiêu "loại bỏ" những nhân vật "Gorlov" ngáng đường các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.

Theo Đa Chiều, khi ông Tập đã chỉ rõ yêu cầu tướng lĩnh PLA "học tập nghiên cứu cho hiểu" lời cảnh cáo của ông, thì trong tương lai gần chắc chắn Trung Quốc sẽ cho "về vườn" những quan chức quân đội "không thể giáo dục được".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại