Bắc Kinh cảnh cáo thế lực mưu phản chống ông Tập trong quân đội

Hải Võ |

Chương trình cải cách quân đội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như tiếp tục vấp phải sự chống đối từ những "thế lực thù địch" bên trong.

Hội nghị trung ương 5 khóa XVIII đảng Cộng sản Trung Quốc đã khai mạc vào hôm nay (26/10) tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc và sẽ diễn ra trong 3 ngày.

Một trong những chương trình nghị sự quan trọng rất được quan tâm tại hội nghị này là lộ trình thực hiện chương trình cải cách quân đội với mục tiêu cắt giảm 300.000 quân nhân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Kể từ khi kế hoạch cắt quân khổng lồ này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố hôm 3/9, Trung Nam Hải đã lường trước được những ảnh hưởng tiêu cực mà thông tin này gây ra.

Tính đến nay, Báo Giải phóng quân - cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương Trung Quốc - đã không dưới 2 lần đăng các bài xã luận chỉ trích "thế lực chống đối cải cách quân đội" bằng những ngôn từ gay gắt.

Chính ông Tập Cận Bình cũng công khai tuyên bố "có nhiều quan chức quân đội bề ngoài ủng hộ cải cách, nhưng bên trong lại sợ và tìm cách cản trở".

Mới đây nhất, Báo Giải phóng quân sáng nay (26/10) tiếp tục đăng tải một bài viết dài và thậm chí đã sử dụng những cụm từ như "những kẻ âm mưu", "không thể tạo phản"...

Trong bài báo của mình, tờ này kêu gọi PLA không được đánh mất "linh hồn chính trị" của mình.

"Củng cố địa vị cầm quyền của đảng (Cộng sản Trung Quốc), bảo đảm giang sơn màu đỏ vĩnh viễn không biến sắc cần phải kiên trì với 'định hải thần châm' là sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đối với quân đội.

Giữ vững được điều này thì quân đội sẽ 'không bị tuột mất', những kẻ âm mưu 'không tạo phản được', quốc gia 'không loạn được'," Báo giải phóng quân viết.


Hội nghị trung ương 4 khóa XVIII đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2014. (Ảnh tư liệu)

Hội nghị trung ương 4 khóa XVIII đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 10/2014. (Ảnh tư liệu)

Trong một năm qua, giới lãnh đạo Trung Nam Hải đã thúc đẩy công tác "tô đậm" vị thế của đảng, cụ thể là Tổng bí thư Tập Cận Bình, đối với quân đội, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp đảng ủy.

Cũng trong bài viết sáng nay, Báo Giải phóng quân đề cập đến mối đe dọa "thế lực thù địch tìm cách kích động quân đội 'phi đảng hóa', 'phi chính trị hóa', 'quốc gia hóa quân đội'... nhằm lôi kéo PLA khỏi lá cờ của đảng".

"Ngày nay đa phần các sĩ quan, binh sĩ PLA chưa được trải qua môi trường chiến tranh và đấu tranh phức tạp, nhiều đông chí thiếu nhận thức và thể nghiệm sâu đối với vai trò chỉ huy của đảng.

Một số người, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, khuyết thiếu tín ngưỡng, tinh thần mơ hồ, khẩu thị tâm phi, ngoài nghe theo trong chống lại, không kiên quyết chấp hành mệnh lệnh và chỉ thị, trên có chính sách thì dưới nghĩ đối sách.

Những vấn đề này cần phải được quan tâm cao độ," tờ báo quân đội Trung Quốc cảnh cáo và nhấn mạnh PLA "phải kiên quyết gìn giữ và quán triệt chế độ lãnh đạo của Chủ tịch Quân ủy, mọi hành động tuân theo Trung ương, Quân ủy trung ương và Chủ tịch Tập Cận Bình".

Bên cạnh chương trình cải cách quân đội, Hội nghị trung ương 5 còn được cho là sẽ xuất hiện những biến động về nhân sự trong Quân ủy trung ương Trung Quốc.

Theo trang Đa Chiều (Mỹ), Thượng tướng Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục hậu cần PLA và là nhân vật đóng rất nhiều trong cuộc chiến chống tham nhũng của Bắc Kinh, được kỳ vọng sẽ lọt vào Quân ủy trung ương.

Gần đây, báo chí chính thống Trung Quốc liên tục đăng tải những bài viết ca ngợi thành tích và đóng góp của ông Lưu "như một người anh hùng".

Trong khi đó, Tư lệnh quân khu Nam Kinh Sái Anh Đĩnh, Tư lệnh quân khu Bắc Kinh Tống Phổ Tuyển, Tư lệnh Pháo binh 2 Ngụy Phụng Hòa... cũng là những gương mặt "sáng giá" thăng tiến vào Quân ủy để góp sức cho ông Tập.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại