Trong cuộc phỏng vấn, tư lệnh này liệt kê danh sách những mối đe dọa hàng hải mà Israel phải đối phó, từ Hezbollah và Syria ở phía bắc, cho tới Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và phong trào Hamas của Palestine ở phía nam.
Hiện Syria đã sở hữu tên lửa Yakhont của Nga, và theo tư lệnh Hải quân Israel, "dường như Yakhont cũng đã rơi vào tay lực lượng Hezbollah".
"Dù sự thật ra sao, thì chúng tôi cũng phải tự mặc định rằng Hezbollah sẽ phóng tên lửa từ Syria nhắm vào Israel" - tư lệnh này phát biểu.
Khi được hỏi liệu IS hay bất kì một tổ chức có tư tưởng bài Do Thái nào là mối đe dọa đối với Israel, tư lệnh Hải quân Israel cho biết: "Chúng tôi luôn tính đến trường hợp rằng bất kì kẻ địch nào có vũ khí trong tay đến một lúc nào đó cũng sẽ đem ra sử dụng".
Ở thời điểm hiện tại, quan chức này cho rằng Yakhont là mối đe dọa lớn nhất đối với tàu chiến và tàu ngầm Israel, đồng thời nhấn mạnh hệ thống tên lửa hành trình siêu âm này đang nằm trong tầm kiểm soát của quân đội chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo các báo cáo do Jerusalem Post thu thập được, Israel đã nhiều lần phá vỡ mưu đồ "tuồn" vũ khí cho Hezbollah của chính phủ Assad. Tel Aviv cũng từng nói với Moscow rằng việc cung cấp vũ khí cho Hezbollah là một "ranh giới đỏ" không được phép vượt qua tại Syria.
Tư lệnh Hải quân Israel giải thích, sở dĩ ông coi tên lửa Yakhont là mối đe dọa lớn nhất đối với các lợi ích chiến lược của Israel là do nguy cơ Yakhont có thể "qua mặt" được hệ thống phòng thủ tên lửa Barak-8 của họ.
"Hezbollah đang nắm trong tay một kho tên lửa đa dạng về chủng loại. Bất kì tàu thuyền nào rời cảng Israel đều đang bị đe dọa" - tư lệnh này nhấn mạnh.
Thông số cơ bản của tên lửa P-800 Oniks/ Yakhont (SS-N-26)
Dài: 8.9 m
Đường kính: 670 mm
Sải cánh: 1.400 mm
Tầm bắn: 120 - 300 km tùy chế độ bay
Tốc độ: Mach 2.5
Đầu đạn: 250 kg HE xuyên thép
Trọng lượng phóng: 3.000 kg
Trang bị cho: Tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay, xe tải chở dàn phóng trên đất liền.
Nước sử dụng: Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Syria.