Tờ The Economist nhấn mạnh Ba Lan đang khiến châu Âu phải đau đầu.
Kể từ khi đảng Pháp luật và Công lý (PiS) do ông Jaroslaw Kaczynski làm Chủ tịch giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 25/10/2015 và lên nắm quyền tại Ba Lan, quốc gia này đã trở thành "kẻ lập dị' trong khối Liên minh châu Âu (EU).
Theo đó, chính phủ cầm quyền ở Ba Lan đã thông qua các đạo luật mới thay đổi luật về phương tiện truyền thông và Tòa án Hiến pháp.
Đây được xem là một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử EU khi các nước thành viên cáo buộc Ba Lan đang vi phạm những giá trị dân chủ của khối. Nhiều chính trị gia Ba Lan lo ngại khả năng nước này đang đi theo vết xe đổ của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.
Nếu EU có thể tha thứ cho việc phá vỡ kỷ luật của Hungary, tại sao họ lại bận tâm hơn về Ba Lan?
Trên thực tế, Ba Lan có nhiều vấn đề phức tạp hơn Hungary. Bởi Warsaw hiện đóng vai trò là nền kinh tế lớn thứ 6 trong khối EU và lớn nhất trong các nước cộng sản cũ tham gia khối này vào năm 2004.
Ngoài ra, Ba Lan còn giữ vị trí quan trọng với đường biên giới giáp Nga. Vào tháng Bảy tới, Ba Lan sẽ là chủ nhà của Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Đặc biệt EU còn cần Ba Lan để tạo ra những biến đổi tích cực trong vấn đề biến đổi khí hậu khi mà quốc gia này là một trong những nhà sản xuất than đá lớn trong khu vực.
Phản đối nhưng có bị trừng phạt?
PiS trở thành đảng đầu tiên một mình lên nắm quyền điều hành đất nước sau khi từ bỏ chế độ cộng sản. Chiến thắng của PiS khiến đảng cầm quyền trước đó do liên minh đảng Nền tảng Công dân (PO) từ năm 2007, vô cùng tức giận.
Điều đáng nói là đảng PiS hiện do nhân vật gây tranh cãi Jaroslaw Kaczynski lãnh đạo. Cụ thể, kể từ khi được bầu, ông Kaczynski nắm giữ vị trí trung tâm trong khi các đồng minh chủ chốt được chỉ định giữ nhiều ghế quan trọng.
Ngay cả bà Beata Szydlo, người từng được ứng cử làm Thủ tướng Ba Lan, cũng đã bị cho ra rìa.
Theo tờ The Economist, mục tiêu của ông Kaczynski là hoàn thành cuộc cách mạnh còn dang dở hồi năm 1989 nhằm xóa bỏ nạn tham nhũng và ảnh hưởng của các quan chức đảng cộng sản cũ.
Thậm chí, đảng PiS còn tận dụng lợi thế số đông để loại bỏ những thay đổi nhằm trung hòa các ban ngành chính phủ như cơ quan an ninh, tòa án hiến pháp, cơ quan dân sự và mới đây là các phương tiện truyền thông.
Hành động của đảng PiS được xem là mối đe dọa làm suy yếu các ban ngành mà Ba Lan đã dày công xây dựng trong 25 năm qua.
Ngoài ra, ông Kaczynski tỏ ra thờ ơ với những vấn đề liên quan tới lĩnh vực kinh tế, có những lời lẽ phản đối chính sách ngoại giao của Đức và phỉ báng người di cư khi cho rằng họ là nguồn gốc "gây ra các loại dịch bệnh".
Đức có thể làm gì?
Một số quan chức EU muốn đưa Ba Lan vào vòng kiểm soát bằng cách sử dụng cơ chế pháp trị mà khối đã thông qua hồi năm 2014.
Trong trường hợp xấu nhất, quyền phủ quyết của Ba Lan trong khối EU có thể bị loại bỏ chiểu theo Điều 7 trong Hiệp ước EU liên quan tới "việc vi phạm nghiêm trọng" các giá trị của khối. Và đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử EU sử dụng tới quy định này.
Tuy nhiên, quá trình thông qua sẽ mất một thời gian dài và có thể vấp phải sự phản đối của nhiều nước trong khối. Ngoài ra, làn sóng phản đối từ bên ngoài EU cũng có thể nhanh chóng bùng nổ.
Giống như người đồng cấp Hungary, ông Kaczynski có thể biến Ba Lan thành một "pháo đài bị bao vây". Trong đó, người được hưởng lợi nhiều nhất từ việc Ba Lan bị cô lập chính là nhà lãnh đạo Nga, Tổng thống Vladimir Putin.