"Nhân tố bất ngờ" sẽ đẩy TQ vào cuộc chiến với liên minh Mỹ-Nhật

Hải Võ |

Tạp chí National Interest (Mỹ) gần đây đăng tải bình luận, sự trỗi dậy mạnh mẽ trong 30 năm qua của Trung Quốc đã đánh tan quan điểm "Trung-Nhật sẽ không xảy ra chiến tranh nữa".

Kể từ năm 1894, giữa Trung Quốc và Nhật Bản từng 3 lần xảy ra các cuộc chiến tranh.

Sau khi Nhật bại trận ở Thế chiến II và ban hành "Hiến pháp hòa bình" - phủ nhận chiến tranh là công cụ chính sách quốc gia, một cuộc xung đột tiếp theo giữa Trung-Nhật dường như không còn khả năng tái hiện.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh của Trung Quốc trong 30 năm qua đã điều này không còn chắc chắn.

Qua hàng chục năm duy trì mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng ở 2 con số, Quân giải phóng Trung Quốc (PLA) đã trở thành một trong những lực lượng vũ trang đáng gờm nhất ở châu Á.

Đồng thời, Trung Quốc và Nhật Bản duy trì những lập trường hoàn toàn đối lập trong rất nhiều vấn đề khu vực.

Trước tiên là tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - khu vực mà cả Bắc Kinh và Tokyo cùng tuyên bố chủ quyền. Ngoài ra, Tokyo cũng đứng về phía Mỹ và phản đối mạnh mẽ những hành vi trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Nhật bản - Viện QHQT Mỹ
Sheila Smith
Vấn đề không chỉ nằm ở những tranh chấp lãnh thổ, mà thực chất lý do lớn nhất khiến quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản sẽ khó có thể cải thiện là sự mất lòng tin lẫn nhau, sự ngờ vực của một bên đối với các tham vọng trong khu vực của bên còn lại.

National Interest (NI) phân tích, có 3 tình huống dẫn đến bùng phát chiến tranh Trung-Nhật: Xung đột trực tiếp; Nhật bị cuốn vào xung đột Trung-Mỹ; nổ ra xung đột vũ trang liên quan đến Triều Tiên.

Trung-Nhật xung đột trực diện?

Căng thẳng leo thang gần đây khiến cho nguy cơ bùng phát xung đột Trung-Nhật trở nên cao nhất từ trước đến nay, NI cho hay.

Cả 2 nước đều triển khai lực lượng tàu hải cảnh ở khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là biện pháp để tuyên bố chủ quyền của mỗi bên đối với vùng lãnh thổ tranh chấp, trong điều kiện "chưa dính líu đến lực lượng quân sự".

Nhưng động thái này cũng là tiền đề tiến tới leo thang quân sự nếu một trong 2 bên quyết định điều động tàu chiến để "nói chuyện" với bên kia thay cho tàu hải cảnh.

Hành động này đương nhiên sẽ được bên còn lại "học theo". Những tình huống đối đầu, bắn cảnh cáo, đâm va cùng các hành động vũ lực khác của song phương đến một mức độ nào đó sẽ đưa cuộc xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát của cả hai.

Tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (trái) đối đầu với tàu Hải giám của Trung Quốc ở gần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2012. Ảnh: Reuters.

Tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (trái) đối đầu với tàu Hải giám của Trung Quốc ở gần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2012. Ảnh: Reuters.

Trên thực tế, cả Trung Quốc và Nhật đều bố trí các nguồn lực trên biển và trên không ở khu vực xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư. NI bình luận gọi đây là cục diện "nguy hiểm nhất kể từ thời Mỹ-Cuba còn đối đầu".

Tuy nhiên, nguồn gốc xung đột vũ trang có thể xuất phát từ hành vi "phi quốc gia". Ví dụ, người dân Trung Quốc dễ bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, và điểm này thì họ vượt xa so với Nhật Bản.

Việc một trong 2 nước cố gắng đổ bộ lên đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng dẫn đến khả năng phái còn lại áp dụng biện pháp cưỡng chế để trục xuất công dân của đối phương.

Chính quyền Bắc Kinh có thể rơi vào tình thế "cảnh sát Nhật Bản bắt giữ công dân Trung Quốc trên đảo mà nước này cùng tuyên bố chủ quyền", và vì thế sẽ có hành động quân sự trả đũa.

Xung đột Mỹ-Trung

Gần 50 năm qua, Mỹ và Nhật Bản luôn là đồng minh thân cận. Washington và Tokyo gần như luôn có thái độ nhất quán trong nhiều vấn đề lớn như căng thẳng Biển Đông hay đề phòng Triều Tiên tấn công hạt nhân...

Ngày nay, khi các vấn đề "nóng" của châu Á ngày càng trở nên quan trọng với Mỹ thì cũng mang ý nghĩa tương đồng đối với Nhật Bản.

Điển hình, Mỹ-Nhật đã hình thành một chiến tuyến thống nhất để đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự hợp tác mật thiết hơn bao giờ hết giữa Mỹ-Nhật về cả chính trị và quân sự cho thấy, 2 quốc gia này sẽ cùng nhau tham chiến ở châu Á - nếu trường hợp xấu xảy ra, chứ không chiến đâu riêng rẽ.

Hồi tháng 4/2015, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, sự bảo đảm an ninh của Washington đối với Nhật Bản "không thể phá vỡ, bao phủ toàn bộ lãnh thổ của Nhật, bao gồm đảo Senkaku".

Rất rõ ràng, ông Kerry đã nói thẳng với Bắc Kinh rằng, bất kỳ hành động chiếm đảo nào của Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến sự phản ứng của Nhật, và Mỹ luôn luôn sát cánh với Tokyo.

Nhật Bản khó tránh xung đột với Trung Quốc khi sát cánh cùng Mỹ?

Nhật Bản khó tránh xung đột với Trung Quốc khi sát cánh cùng Mỹ?

Triều Tiên là "quả bom hẹn giờ"?

NI nhận định, Mỹ-Nhật Bản có khả năng "khai chiến" với Triều Tiên.

Theo tạp chí này, Nhật có thể không phải là bên tham chiến trực tiếp, song gần như chắc chắn sẽ bảo đảm tối đa về hậu cần cho quân đội Mỹ.

Đặc biệt, loại hình chiến tranh này rất dễ kéo theo sự nhập cuộc của Bắc Kinh, bởi Trung Quốc đã tuyên bố "chắc nịch" về lập trường đối với liên Triều: Sẽ không nhẫn nhịn nếu quân đội Mỹ tiến vào phía Bắc vĩ tuyến 38 - giới tuyến chia cắt 2 miền bán đảo này.

Thậm chí, NI đánh giá một khả năng xung đột khác rằng Nhật "không tình nguyện" nhưng vẫn bị cuốn vào cuộc chiến của Mỹ chống Triều Tiên, và xa hơn là chống Trung Quốc.

"Nhật Bản thường thay đổi chính sách ngoại giao, và không phải lần nào cũng theo sát bước đi của Mỹ" - NI bình luận.

Tuy nhiên, bất kể sự hỗ trợ của Nhật đối với Mỹ lớn đến đâu, thì điều quan trọng nhất với Washington khi có chiến sự vẫn là các căn cứ Không quân và Hải quân Kadena, Yokota, Misawa và Sasebo.

Căn cứ theo quy định của Hiệp ước bảo vệ an ninh Mỹ-Nhật, dù không được sự chấp thuận của Tokyo, Mỹ vẫn có quyền sử dụng các căn cứ này.

Theo NI, một khi chiến tranh bùng phát liên quan tới Triều Tiên, Trung Quốc chắc chắn sẽ tấn công các căn cứ nói trên.

Như vậy, Nhật Bản dù muốn hay không vẫn phải lựa chọn: Trục xuất quân Mỹ và kết thúc quan hệ đồng minh với Washington, hoặc bắt tay Mỹ và đối đầu với Trung Quốc.

Mặc dù trong tương lai gần, Trung Quốc và Nhật Bản chưa thể xảy ra chiến tranh bởi đôi bên đều chủ động tránh bị cuốn vào xung đột quy mô lớn, nhưng trong nhiều trường hợp, 2 bên tham chiến đều không thể ý thức được điều gì sẽ xảy ra khi mà chiến sự đã bắt đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại