Bình Nhưỡng hết cửa "ngã giá" việc Kim Jong Un đến Bắc Kinh?

Hải Võ |

Việc Kim Jong Un có tới lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Trung Quốc hay không vẫn là vấn đề khiến quốc tế quan tâm, nhưng có vẻ nhà lãnh đạo Triều Tiên không còn nhiều lựa chọn.

Hôm 2/7, báo chí Trung Quốc dẫn nguồn tin Hồng Kông tiết lộ nước này đã chính thức gửi lời mời Bí thư thứ nhất Ủy ban quốc phòng Triều Tiên Kim Jong Un tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II tại Bắc Kinh vào ngày 3/9 tới.

Nếu thông tin này được xác nhận, thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, Kim Jong Un nhận được lời mời chính thức từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận hay phản ứng nào về thông tin này. Trang Đa Chiều cho rằng, trên thực tế Bắc Kinh đã mời ông Kim tới lễ duyệt binh từ cách đây 3 tháng.

Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 14/4 trả lời câu hỏi "có mời Kim Jong Un hay không" một cách khá... chung chung: "Bắc Kinh đã mời tất cả lãnh đạo của các quốc gia liên quan và hoan nghênh bọn họ tham gia hoạt động kỷ niệm."

Thiên tai bất ngờ buộc Bình Nhưỡng "xuống nước"?

Hôm 18/6, truyền thông Hàn Quốc cũng đưa tin Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong được nhìn thấy tại Sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh, nhưng phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc chỉ trả lời báo chí rằng "không nắm được thông tin".

Sự xuất hiện được cho là "bí ẩn" của ông Ri tại Trung Quốc được báo Hàn phân tích có thể do 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, Ngoại trưởng Triều Tiên chỉ đổi chuyến bay ở Bắc Kinh. Thứ hai, ông Ri "dọn đường" cho chuyến thăm Trung Quốc của Kim Jong Un. Thứ ba, Ngoại trưởng Triều Tiên muốn thỏa thuận xin Trung Quốc viện trợ lương thực đối phó hạn hán.

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong được cho là đã tới Bắc Kinh hôm

Mặc dù Trung-Triều có mối liên hệ mật thiết, Trung Quốc cũng là một trong số ít quốc gia "có thể nhờ cậy được", song quan hệ 2 nước đã rạn nứt do Bắc Kinh tuyên bố ủng hộ LHQ trừng phạt Bình Nhưỡng vì vấn đề hạt nhân hồi năm 2013.

Thậm chí, Trung Quốc cũng dần tạm ngừng viện trợ đối với Triều Tiên, nghiêm trọng nhất là việc ngừng xuất khẩu dầu thô sang nước này để tạo áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân.

Trang Đa Chiều cho hay, để tỏ thái độ đáp trả, những tháng gần đây Bình Nhưỡng cũng có những động thái nhằm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.

Kể từ cuối năm 2014 và bước sang 2015, một số quan chức cấp cao của Triều Tiên đã công du Nga trong vai trò đặc sứ của ông Kim Jong Un, nhằm tìm kiếm sự ủng hộ và hỗ trợ nhiều hơn từ Moscow.

Tuy nhiên, những nỗ lực của Bình Nhưỡng dường như không đem lại kết quả quá khả quan, và càng không may khi nước này gặp phải nạn hạn hán khắc nghiệt nhất trong hơn 100 năm qua.

Dù đã tìm tới Nga, Cuba và thậm chí là các nước châu Phi để "cầu cứu", song Đa Chiều đánh giá, Triều Tiên không thể tìm được đối tác đủ để thay thế Trung Quốc.

Điều này không khó lý giải khi 90% lượng than đá và các nguồn nhiên liệu khác của Triều Tiên đến từ Trung Quốc.

Giới quan sát nhận xét, dù quan hệ Trung-Triều đang lạnh nhạt, nhưng Bắc Kinh vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại.

Nếu Kim Jong Un nhận lời mời tới Bắc Kinh mà không có những yêu sách quá đáng, thì Trung Quốc vẫn sẽ xem đây là "mối quan hệ song phương ổn định", Đa Chiều cho hay.

Quân đội Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga hôm 9/5.

Quân đội Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga hôm 9/5.

Kim Jong Un "đòi" gì để tới Bắc Kinh?

Bên cạnh Triều Tiên, Trung Quốc được cho là đã gửi lời mời cả đại diện quân đội Hàn Quốc tới lễ duyệt binh ở Bắc Kinh.

Đa Chiều bình luận, động thái này nhằm phô trương sức ảnh hưởng của Trung Quốc, chứng minh rằng họ có tiếng nói trong việc giải quyết mâu thuẫn trên bán đảo liên Triều.

Ngoài ra, nước này cũng đang tìm cách lôi kéo sự chú ý của truyền thông quốc tế, khi đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Bắc Kinh Hans Dietmar Schweisgut hôm 3/7 đã tiết lộ các lãnh đạo EU có thể sẽ không tới lễ duyệt binh của Trung Quốc.

Việc Triều Tiên bất ngờ gặp phải đợt thiên tai khắc nghiệt cũng được cho là 1 trong những nguyên nhân khiến kế hoạch của nước này bị đảo lộn.

Đa Chiều cho biết, Triều Tiên đã gián tiếp thông qua giám đốc Trung tâm Hòa bình Triều Tiên - Mỹ đặt ở Bình Nhưỡng Kim Myong Chol - "phát ngôn viên không chính thức" của nước này - để đưa yêu sách với Bắc Kinh.

Ông Kim từng nói: "Kim Jong Un có khả năng tới Bắc Kinh vào tháng 9 để tham dự lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II của Trung Quốc".

Nhưng trước khi Kim Jong Un sang Trung Quốc, Bình Nhưỡng muốn ông Tập Cận Bình tới Triều Tiên để tham dự lễ kỷ niệm của nước này trước - theo Kim Myong Chol.

Đương nhiên, với tình trạng khó khăn như hiện tại, Triều Tiên dường như không còn nhiều lựa chọn để "ngã giá" với Bắc Kinh như những gì họ được cho là đã làm với Nga hồi tháng 4, và Trung Quốc cũng không hề tỏ ra "sốt sắng" với người láng giềng nữa.

Đối với việc Kim Jong Un "từng có ý định xa cách Trung Quốc và thực hiện chuyến công du đầu tiên tới Nga", Kim Myong Chol giải thích: "Triều Tiên chưa từng xác nhận Kim Jong Un sẽ đi Nga. Việc này đa phần do phía Nga tự đưa tin."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại