Dự án Sáng kiến minh bạch hải sự châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ gần đây đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy, tính đến 28/6, Trung Quốc đã gần hoàn thành xây dựng trái phép 3km đường băng trên Đá Chữ Thập của Việt Nam.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby nói: "Hoạt động xây đảo nhân tạo (phi pháp-PV) của Trung Quốc cũng như việc quân sự hóa các tiền đồn trái phép này hoàn toàn không đem lại an ninh và ổn định cho khu vực.
Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm tự do hàng hải, tự do hàng không, hoạt động thương mại hợp pháp cùng các biện pháp hòa bình để giải quyết mâu thuẫn giữa các bên."
Diện tích xây dựng đáng lo ngại
Những hình ảnh mà AMTI cung cấp được công ty vệ tinh Digital Globe chụp ngày 28/6. Trong đó, ở cách Đá Chữ Thập không xa, diện tích xây dựng trái phép của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma của Việt Nam được cho là đã lên tới... 109.000m2.
AMTI phân tích, Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bố trí phi pháp cầu tàu loại nhỏ, 2 bãi đáp trực thăng, 3 ăng-ten vệ tinh, 1 tòa kiến trúc lớn, 2 tháp radar cỡ vừa, 6 tháp kiểm soát an ninh, 4 tháp trang bị vũ khí, 44 tấm pin năng lượng Mặt Trời và 2 máy phát điện sức gió loại lớn.
Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy, một chiếc tàu của Trung Quốc đang được neo đậu ở đây.
AMTI chỉ ra, trên Đá Gạc Ma "có những trang thiết bị quân sự khá rõ rệt". Tại đây, Trung Quốc đã xây dựng trái phép 1 tòa căn cứ quân sự nhiều tầng, trong khi 2 tháp tín hiệu radar khác có khả năng đang được hoàn thiện.
Cũng theo AMTI, ảnh chụp cũng phát hiện 3 ăng-ten truyền thông vệ tinh cùng 2 bãi đáp trực thăng trên bãi đá này.
Hình ảnh vệ tinh các công trình phi pháp mà Trung Quốc xây trái phép trên Đá Chữ Thập của Việt Nam, ảnh chụp ngày 28/6. Nguồn: CSIS
Ý đồ quân sự của Trung Quốc
Người phụ trách AMTI Mira Rapp-Hooper nhận định, dù Trung Quốc luôn miệng tuyên bố việc xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm "phục vụ hoạt động dân sự và khoa học", song tất cả trang thiết bị của họ "đều có khả năng dùng vào mục đích quân sự".
"Đáng lo ngại nhất là, Trung Quốc sẽ nâng cao khả năng giám sát các quốc gia khu vực quanh quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV)" - bà Mira cho hay.
Một quan chức quân đội Mỹ từng nói với Reuters hồi tháng 5 rằng đường băng phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập sẽ có đủ chức năng vận hành trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, những hình ảnh mới nhất ngày 28/6 cho thấy, Bắc Kinh đã đẩy nhanh hơn tiến độ này.
Diện tích xây dựng phi pháp của Trung Quốc trên Đá Gạc Ma của Việt Nam đã lên tới hơn 109.000 mét vuông, đồng thời nhiều trang bị quân sự được lắp đặt. Ảnh: CSIS
Một điều nguy hiểm là, theo các chuyên gia quốc phòng, đường băng nói trên có độ dài đủ để đáp ứng "hầu hết máy bay quân dụng của Trung Quốc cất và hạ cánh".
Điều này khiến Bắc Kinh trở nên nguy hiểm và có thể "manh động hơn" với những hành động bành trướng tầm kiểm soát theo chiều dọc hải vực Đông Nam Á.
Các giàn khoan trở lại Biển Đông
Mới đây nhất, Công ty dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) ngày 3/7 thông báo đã đưa giàn khoan Hưng Vượng (COSL Prospector) tới khai thác tại mỏ dầu Lệ Loan 3-2 ở Biển Đông, khu vực khai thác có độ nước sâu 1300m.
Trước đó, hôm 25/6, Bắc Kinh cũng thông báo giàn khoan Hải Dương 981 quay trở lại Biển Đông và sẽ tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí, gây lo ngại cho các quốc gia trong khu vực.
Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) còn ra cảnh báo cấm các tàu bè lai vãng “trong bán kính 2km xung quanh giàn khoan”.
Tạp chí The Diplomat nhận định, việc đưa giàn khoan vào Biển Đông của Trung Quốc rất có khả năng tiếp tục vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ cộng đồng quốc tế cũng như các nước trong khu vực.
Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc CSIS cho rằng, Trung Quốc có thể sắp tạm dừng xây đảo trái phép do mùa mưa bão trên biển, đồng thời chủ tịch nước này Tập Cận Bình sắp thăm Mỹ vào tháng Chín.
Nhưng bà dự đoán sau đó, các hành vi phi pháp của Bắc Kinh sẽ tiếp diễn.