Dự án đường sắt cao tốc của Indonesia dài 142 km, nối thủ đô Jakarta và Bandung đã tổ chức lễ động thổ hôm 22/1 vừa qua. Tổng thống Joko Widodo cũng đã tham dự sự kiện này.
Tuy dự án này đã được Bộ Môi trường thông qua nhưng Bộ Giao thông Indonesia đã từ chối cung cấp giấy phép cho nhà thầu Trung Quốc và buộc công ty này phải dừng thi công chỉ một tuần sau lễ động thổ.
Trước đó, Bộ trưởng Giao thông Indonesia Ignasius Jonan hôm 26/1 nói với báo giới, do nhà thầu chưa cung cấp các văn bản theo yêu cầu nên chính phủ Indonesia chưa thể cấp phép cho dự án này.
Hermanto Dwiatmoko, giám đốc dự án đường sắt của Bộ Giao thông Indonesia, cho biết: “Chúng tôi muốn tuyến đường sắt này có thể được sử dụng trong vòng 100 năm, thay vì 60 năm như bản thiết kế của phía Trung Quốc”.
Theo hợp đồng giữa công ty Trung Quốc và chính phủ Indonesia, nhà thầu này sẽ giao lại tuyến đường sắt trên cao hoàn toàn cho Indonesia sau 50 năm.
Trước đó, báo chí trong nước cho biết chính phủ Indonesia đã yêu cầu gia hạn thời gian bàn giao này thêm 10 năm vì lo sợ đường sắt trên cao do Trung Quốc sản xuất có thể không “thọ” đến 40 năm.
Một vấn đề khác theo ông Dwiatmoko, đó là khoảng cách giữa các đường ray theo thiết kế không đảm bảo được an toàn. Thiết kế của phía Trung Quốc cho thấy khoảng cách giữa các đường ray là 4,6 m và tốc độ tối đa của tàu là 350 km/h.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tính toán, các đường ray trung tâm phải cách nhau 5 m thì mới đạt được tốc độ nha vậy, nếu khoảng cách là 4,6 m thì tốc độ tối đa chỉ là 250 km/h.
“Sẽ rất nguy hiểm nếu khoảng cách đường ray không đủ. Đoàn tàu sẽ có thể chạy ra khỏi đường ray nếu đi tốc độ quá cao. Đây là vấn đề an toàn rất quan trọng.
Công ty Trung Quốc cần phải xem xét lại để đảm bảo các yêu cầu an toàn trên thì chúng tôi mới tiếp tục đàm phán về dự án”, ông nói.
Liên doanh nhà thầu Kereta Cepat Indonesia China giữa Tập đoàn China Railway International và 4 doanh nghiệp quốc doanh Indonesia trúng thầu xây dựng tuyến dường sắt cao tốc nối Jakarta với Bandung, một thành phố ở tỉnh Tây Java.
75% kinh phí thực hiện dự án này sẽ do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho vay.
Tháng 10 năm ngoái, Bắc Kinh đã ăn mừng khi giành chiến thắng trong chiến dịch đấu thầu dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc cho Indonesia khi đánh bại được nhà thầu Nhật Bản.
Đây cũng là dự án xây dựng dường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc ở Đông Nam Á, các nước khác bao gồm Ấn Độ, Malaysia và Singapore cũng đang nhìn vào xem năng lực nhà thầu Trung Quốc đến đâu.
Trước đó, chính phủ Myanmar đã đóng băng và hủy ba dự án gồm kế hoạch thủy điện Myitsone (3,6 tỷ USD), khai thác mỏ đồng Letpadaung (1 tỷ USD) và dự án đường sắt Vân Nam-Rakhine (20 tỷ USD).
Không chỉ các quốc gia châu Á từ chối những dự án đường sắt do Trung Quốc trúng thầu, tháng 11/2014, South China Morning Post đưa tin, Mexico đã hủy bỏ gói thầu xây dựng tuyến đường sắt trị giá 3,75 tỷ USD của nhà thầu Trung Quốc trong bối cảnh dấy lên làn sóng phản đối của dư luận về quá trình đấu thầu, phủ bóng đen lên chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Enrique Pena Nieto.
Mới đây nhất tại Việt Nam, ngày hôm qua 3/2, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký văn bản yêu cầu kiểm điểm cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc giao cho các đơn vị thương thảo, ký hợp đồng mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc.
Trước đó, sáng 3/2, báo chí đưa tin, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay đã nhận được sự chấp thuận của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - về việc mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc. Trong số này có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước.
Còn gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm.