Dù Putin bỏ rơi, vẫn còn một "ân nhân" đủ mạnh sẵn sàng cứu Assad

Ngọc Minh |

Nhiều quốc gia Ả Rập đã khuyến khích để Ả Rập Xê-Út và Nga - từ 2 thái cực trái ngược trong mối quan hệ với Assad - tìm tiếng nói chung, tiến tới chấm dứt nội chiến Syria.

Lợi ích "phụ" về ngoại giao đang dần có sức hút

Ả Rập Xê-Út đang cố gắng thuyết phục Tổng thống Putin thôi ủng hộ người đồng cấp Syria Bashar al-Assad bằng cách sử dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường dầu mỏ, trong thời điểm Nga đang quay cuồng với những tác động từ việc giảm giá dầu.

Trong vài tháng qua, Ả Rập Xê-Út và Nga đã nhiều lần hội đàm. Một phái đoàn Ả Rập đã tới Moscow để bàn về Syria, song đều chưa đạt được đột phá nào đáng kể, theo các quan chức Mỹ và Ả Rập.

Song, Ả Rập nói với Mỹ rằng, họ tin họ đang có mức độ ảnh hưởng nhất định tới Putin, bởi khả năng điều khiển giá dầu tăng hay hạ của mình.

Các quan chức Ả Rập từng công khai tuyên bố giá dầu mỏ chỉ phản ánh quan hệ cung - cầu toàn cầu, đồng thời khăng khăng nói nước này sẽ không để địa chính trị "cuốn" chương trình nghị sự kinh tế của mình đi.

Tuy nhiên, họ vẫn tin rằng sẽ có những lợi ích "phụ" về ngoại giao đối với chiến lược hiện tại nhằm giữ giá dầu ở mức thấp của mình - trong đó bao gồm cả một khả năng đàm phán để ông Assad ra đi.

"Nếu có thể lôi dầu mỏ ra làm chất xúc tác để đem lại hòa bình cho Syria, thì chẳng có lý do gì Ả Rập Xê-Út lại từ chối hợp tác để đi đến thỏa thuận", một quan chức ngoại giao Ả Rập khẳng định.

Sở hữu 1/5 trữ lượng dầu mỏ thế giới, Ả Rập Xê-Út là nhân tố dẫn đầu ở OPEC, và chỉ bằng cách cắt giảm sản xuất cũng có thể gây ảnh hưởng lớn tới bất cứ động thái nào của liên minh này nhằm tăng giá dầu.

Thượng nghị sĩ Mỹ
Angus King
Họ đang có gần như tất cả khả năng gây ảnh hưởng. Họ có nhiều không gian để xoay xở hơn bất cứ quốc gia nào khác. Nó giống như sự khác nhau giữa một người có hàng trăm USD gửi trong ngân hàng, còn một người thì chỉ sống dựa vào lương.

Tất nhiên, giá dầu giảm cũng gây ra những tác động nhất định đối với Ả Rập Xê-Út, song là quốc gia mà sự giàu có được tích luỹ qua ngày tháng, lại sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn, mọi thứ trở nên "êm ái" hơn nhiều so với các nước sản xuất dầu mỏ khác.

Giá dầu cần phải lên mức hơn 100 USD/thùng thì mới có thể giúp Ả Rập Xê-Út trang trải chi tiêu liên bang. Tuy nhiên, do đã có một khoản dự trữ rủi ro trị giá 733 tỉ USD nên vài năm thâm hụt gần như không "nhằm nhò" gì nhiều với nước này.

Thiếu Nga, Assad cũng chẳng thể bị lật đổ?

Nếu Nga ít ủng hộ Assad hơn so với trước thì đó có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy, những ồn ào gần đây trên thị trường dầu mỏ đang có tác động tới giới lãnh đạo toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tế là nhà lãnh đạo Nga vẫn đang chứng minh rằng ông thà chấp nhận khó khăn về kinh tế còn hơn là vì các áp lực từ bên ngoài mà nhún nhường, thay đổi chính sách của mình.

Sau cuộc gặp hồi tháng 11 năm ngoái với Hoàng tử Ả Rập al-Faisal, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác bỏ ý tưởng để chính trị quốc tế đóng một vai trò nào đó trong việc định hình giá dầu.

"Chúng tôi đối diện với các đồng nghiệp Ả Rập, tin rằng thị trường dầu mỏ nên dựa vào sự cân bằng cung - cầu. Không nên gây ảnh hưởng tới nó nhằm mục đích chính trị hay địa chính trị".

Một số chuyên gia bày tỏ sự hoài nghi về việc Putin sẽ có thể gật đầu với bất cứ một thoả thuận nào liên quan tới việc bỏ rơi Assad, bởi ông vẫn muốn được xem như một nhân tố không thể thiếu ở Trung Đông.

"Sẽ là một sự thay đổi lớn, nhưng với tôi, đó dường như là một kịch bản không thể xảy ra", chuyên gia Angela E. Stent, cựu sĩ quan tình báo cấp cao Mỹ về Nga cho biết.

Dù vậy, tầm ảnh hưởng của Ả Rập Xê-Út vẫn phụ thuộc vào cách Nga coi sự giảm sút trong doanh thu về dầu mỏ nghiêm trọng cỡ nào.

Chuyên gia về Trung Đông
F. Gregory Gause III
Nếu nó gây ảnh hưởng xấu tới mức họ cần phải đạt được một thoả thuận về dầu mỏ ngay lập tức, thì Ả Rập sẽ có một cơ hội tốt để khiến Nga phải trả giá về địa chính trị.

Có một điều đáng chú ý là, theo các quan chức Ả Rập và Mỹ ngờ rằng, ngay cả nếu Nga từ bỏ Assad, Tổng thống Syria vẫn sẽ còn một "ân nhân" hào phóng khác là Iran.

Sự hỗ trợ của Iran đối với chính phủ Syria vẫn là một trong những lý do chính khiến Tổng thống Assad vẫn còn có thể giữ được quyền lực ở Trung Đông trong khi đa phần những lãnh đạo khác cùng tư tưởng ở Trung Đông đã "ngã ngựa".

Trong khi đó, Iran, với tư cách là một nhà sản xuất dầu mỏ lớn, cũng sẽ hưởng lợi nếu Ả Rập Xê-Út đẩy giá dầu lên sau một thoả thuận với Nga theo hướng có lợi cho mình.

"Bạn sẽ khiến kẻ thù của mình mạnh hơn, dù có muốn hay không, và Iran thì chẳng có dấu hiệu gì cho thấy họ sẵn sàng thoả hiệp của mình", nhà phân tích Mustafa Alani tại Trung Tâm Nghiên cứu vùng Vịnh cho hay.

Tuy nhiên, như một nhà ngoại giao Ả Rập nói, "quyết định cuối cùng nằm trong tay Putin".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại