"Nguyên soái Liên Xô giả" ngay tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng?
Các phóng viên cho biết, một người đàn ông mặc bộ quân phục Nguyên soái tại Lễ duyệt binh Chiến thắng hôm 9/5 đã tự nhận mình là "nguyên soái KGB duy nhất tại Liên Xô".
Phóng viên của tờ báo "Thanh niên Moscow" đã truy tìm người đàn ông ngồi trên khán đài trong bộ lễ phục tướng của những năm 80, nhưng lại đeo quân hàm Nguyên soái và đội mũ tướng.
Được biết, người đàn ông này có tên Sergei Krupko, hiện là kỹ sư Phòng thí nghiệm hàng không Dolgoprudny.
Những thông tin về vị Nguyên soái giả danh gây sốt trên mạng Internet sau khi các bức ảnh chụp người đàn ông trong bộ trang phục lạ lùng này được lan truyền nhanh chóng.
Ông này khiến các nhiếp ảnh gia chú ý vì tuổi đời còn quá trẻ so với một cựu chiến binh được phép ngồi trên khán đài trong Lễ duyệt binh Chiến thắng. Ngoài ra, người đàn ông này mặc quân phục tướng nhưng lại đeo quân hàm Nguyên soái Liên Xô.
Trên thực tế, Nguyên soái Liên Xô duy nhất còn sống đến thời điểm hiện nay là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitri Yazov, năm nay đã tròn 90 tuổi. Ngoài ra, trên ngực áo quân phục của cựu chiến binh giả danh này còn có 2 tấm huy hiệu của KGB.
"Nguyên soái Liên Xô từng công tác tại KGB (Uỷ ban An ninh Quốc gia) chỉ duy nhất có một - đó là Lavrentiy Pavlovich Beria", phóng viên Sergei Sverchkov chia sẻ trên trang blog cá nhân của mình.
Sverchkov cũng nói một cách mỉa mai rằng nếu người trong ảnh là Pavlovich thì ông "trông rất trẻ" so với tuổi 116 của mình (Nguyên soái Pavlovich mất năm 1953 - PV).
Nhà báo Phan Việt Hùng, Thư ký toà soạn tạp chí Bạch Dương - Hội hữu nghị Việt Nga, cho hay đã biết đến trường hợp hy hữu này qua báo chí và các mạng xã hội Nga ngay sau lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng hôm 9/5 ở Moscow.
"Nguyên soái giả" là ai?
Tuy nhiên, "vị nguyên soái giả danh" là công dân thành phố Dolgoprudny (ngoại ô Moscow) Sergei Krupko và người đàn ông này tham dự Lễ duyệt binh Chiến thắng cùng với cha của mình - một cựu chiến binh.
Ông Krupko tuyên bố rằng ông là "nguyên soái KGB" và tham dự lễ duyệt binh "trong bộ quân phục của mình". "Tôi là người thân cận của Andropov (cựu tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô), từng là người được ông quý mến", ông Krupko chia sẻ với các phóng viên.
Ông cũng cho biết, quân hàm nguyên soái của ông được chính cựu Tổng bí thư Yury Andropov phong tặng. "Cả cuộc đời tôi hoạt động trong bí mật", ông Krupko bình luận về công việc của mình tại Phòng thí nghiệm hàng không Dolgoprudny.
Trong khi đó, lãnh đạo Câu lạc bộ cựu tướng lĩnh Nga - ông Nikolai Deryabin, khẳng định rằng trong lịch sử các lực lượng vũ trang của Nga không có nguyên soái hoạt động bí mật nào.
"Việc một người nào đó tự cho phép mình được mặc bộ quân phục nguyên soái tham dự lễ duyệt binh là hành động thiếu tôn trọng đối với các tướng lĩnh Nga và đáng bị lên án.
Thật đáng tiếc, chúng ta không áp dụng trách nhiệm hình sự đối với hành vi mặc quân phục giả danh", ông Deryabin tuyên bố.
Được biết, việc những đối tượng mang huân huy chương không đúng với quyền hạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hành chính theo điều 17 của Bộ luật dân sự Liên Bang Nga.
Mặc dù vụ "nguyên soái Liên Xô giả" tạo được sự chú ý lớn của báo chí, song theo chuyên gia Phan Việt Hùng, những trường hợp như thế này "không hiếm".
Ông Hùng cho biết thêm, theo Bộ Luật hình sự Nga, tội mạo nhận như vậy có thể chịu phạt từ 1000-1500 rúp, một con số khá là tượng trưng ( tương đương khoảng 20-30 USD).
"Mặc dù họ làm thế, không gây hại đến ai, không lừa đảo vụ lợi, nhưng vẫn bị dư luận lên án. Các Huân chương cần phải xứng với chủ nhân của mình, khi nó gắn với chiến tranh, với xương máu của biết bao người.
Gây sự chú ý trong một vòng hào quang giả tạo, suy cho cùng, cũng là một căn bệnh cần được các bác sĩ tâm lý quan tâm để chữa trị kịp thời." - nhà báo Phan Việt Hùng chia sẻ.
>> "Những ngày cuối đời" khó lý giải của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên