Trung Quốc nỗ lực tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự trên thế giới bằng cách gia tăng thực hiện các dự án mở những tuyến đường thương mại Âu-Á trong năm 2016 và củng cố chủ quyền trên các đảo nhân tạo trên biển Đông. Báo Wall Street Journal ngày 30-12-2015 (giờ địa phương) nhận định như trên.
Bài viết ghi nhận trong năm cuối của nhiệm kỳ, Tổng thống Obama muốn tránh đối đầu với Trung Quốc để tập trung vào Nga và Trung Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ đảm trách vai trò chủ tịch luân phiên của nhóm G20 trong năm 2016. Dự báo Trung Quốc sẽ nỗ lực cản trở sự thống trị của Mỹ về trật tự tài chính và an ninh thế giới.
Một điểm bất đồng quan trọng là biển Đông. Chính quyền Mỹ đã khẳng định tàu chiến và máy bay Mỹ sẽ vẫn tuần tra ở biển Đông.
Năm qua, từ khi Mỹ nối lại tuần tra vào tháng 10-2015 gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép, Trung Quốc đã nhiều lần hô hoán chủ quyền bị xâm phạm và cảnh báo sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết. Thế nhưng Trung Quốc không dám cản trở tàu Mỹ.
Dù vậy, dự kiến khả năng tuần tra của Trung Quốc ở biển Đông sẽ gia tăng sau khi Trung Quốc xây dựng xong đường băng, trạm radar và các cơ sở khác trên các đảo nhân tạo.
Chuyên gia Gregory Poling ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington ghi nhận: “Các đảo đang ngày càng rộng thêm… Trung Quốc đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà cửa, cảng biển cần thiết để các cơ sở này hoạt động”.
Báo Wall Street Journal nhận định trong bối cảnh đó, nguy cơ tính toán sai lầm rất lớn có thể xảy ra. Tháng trước Mỹ đã thông báo một máy bay ném bom chiến lược B-52 do thời tiết xấu đã bay lạc trên một đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép.
Một điểm bất đồng khác là phiên tòa trọng tài của Tòa Trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện “đường chín đoạn” Trung Quốc ở biển Đông. Tháng 6-2016, tòa sẽ đưa ra phán quyết. Chờ xem phản ứng của Trung Quốc ra sao!
Căng thẳng về lãnh thổ Đài Loan cũng có nguy cơ phát sinh trở lại nếu ứng cử viên thắng cử trong cuộc bầu cử ở Đài Loan vào tháng 1-2016 là người ủng hộ Đài Loan độc lập.
Trung Quốc đã xem Đài Loan là một tỉnh, còn Mỹ theo luật của Mỹ sẽ phải bênh vực Đài Loan.
Các vụ tấn công mạng đã được Mỹ và Trung Quốc bàn đến và nhất trí cơ chế đối thoại hồi tháng 9-2015. Năm 2016 sẽ cho thấy Bắc Kinh có nhanh chóng điều tra các vụ tấn công mạng trước đây hay không hoặc xử lý các vụ tấn công mới thế nào.
Mỹ và Trung Quốc đã tìm cách giảm thiểu căng thẳng về Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á do Trung Quốc thành lập.
Ngân hàng sẽ bắt đầu cho vay từ năm 2016 trong khi Mỹ lo ngại vị thế của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ bị giảm sút.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang quan sát xem dự án “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc tiến triển đến đâu.
Mỹ khen ngợi Trung Quốc thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Thật ra Mỹ vẫn ngờ vực các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc và giám sát xem Trung Quốc bố trí các vị trí quân sự nào ở nước ngoài.
Tại Djibouti, nơi Mỹ đã đặt căn cứ quân sự lớn, hồi tháng rồi Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xây dựng tiền đồn đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài.
Hoạt động quân sự của Trung Quốc sẽ được Mỹ quan sát đặc biệt khi Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ chỉ huy ở Hawaii trong tháng 6 và 7-2016.
Mỹ không muốn gia tăng căng thẳng với Trung Quốc
Tạp chí Thế giới Ngoại giao (Mỹ) dẫn lời GS Jerome A. Cohen ở ĐH Luật New York nhận định tình hình biển Đông trong năm 2016 có thể trở nên nguy hiểm hơn.
Đến giờ các động thái của Mỹ về quân sự nhằm thách thức lập luận mơ hồ của Trung Quốc về luật pháp quốc tế và hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc có vẻ như không hiệu quả vì lẽ về pháp lý các lập luận của Mỹ không rõ ràng.
Khả năng các định chế quốc tế áp dụng giải pháp trọng tài để giải quyết các yêu sách chủ quyền ở biển Đông sẽ khó xảy ra.
Chỉ có Philippines cậy nhờ Tòa Trọng tài thường trực vì không thể tự vệ bằng các giải pháp khác. Nếu tòa bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, căng thẳng hiện nay có thể gia tăng, nhất là khi Trung Quốc không xem trọng nghĩa vụ theo Công ước LHQ về Luật Biển.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ghi nhận năm 2016, Nhà Trắng dự tính sẽ đón tiếp nhà lãnh đạo các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Mục tiêu của Mỹ là thiết lập một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng. Đây là hai điểm quan trọng trong chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, Mỹ phải vừa đối phó với nhiều thách thức trong khi thực hiện chính sách tái cân bằng và vừa không làm gia tăng, căng thẳng với Trung Quốc.
Đầu tiên là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nền tảng trong chính sách tái cân bằng kinh tế chiến lược của Mỹ. 12 nước gia nhập TPP phải phê chuẩn, thế nhưng nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn thì xem như chính sách tái cân bằng của Mỹ trở thành công cốc.
Nhà phân tích Marc Noland ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson tại Washington nhận định một thách thức lớn trong năm 2016 là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.
Ông ghi nhận nhiều nước nhỏ trong khu vực lo lắng về yêu sách chủ quyền lãnh thổ và nhiều hành động khác của Trung Quốc nên các nước này tiếp đón sự hiện diện của Mỹ, tuy nhiên họ lại không muốn bị lôi vào cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chuyên gia Christopher Johnson ở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận xét Mỹ cần phải khéo léo.
Ông lưu ý: “Hành động tái cân bằng sẽ bao gồm bảo đảm các đối tác và đồng minh, đặc biệt ở Đông Nam Á, rằng Mỹ sẵn sàng cam kết liên minh quân sự trước hành động gia tăng của Trung Quốc nhưng không nên tạo ra cảm giác đối với Trung Quốc rằng Mỹ sử dụng chiến lược bao vây để làm phương hại lợi ích của Trung Quốc trong khu vực”.
_______________________________________
Đối với Trung Quốc, 2015 là năm báo chí nói nhiều về tình hình kinh tế co lại và tình hình bành trướng lãnh thổ trên biển Đông…
Hình ảnh có sức thuyết phục mạnh mẽ nhất trong năm 2015 về thái độ liều lĩnh của Trung Quốc trong chính sách đối ngoại là ảnh vệ tinh về dự án bồi đắp của Trung Quốc trên đá Chữ Thập.