Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Thổ Nhĩ Kỳ, cho đây là một hành động “đâm sau lưng” và “đồng lõa với khủng bố”.
Ông Putin yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cần phải xin lỗi và bồi thường những thiệt hại cho Nga vì vụ bắn rơi máy bay này.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayip Erdogan cho đến nay vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng vụ bắn rơi máy bay Nga là một hành động tự vệ nhằm đáp trả hành vi vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ của máy bay Nga và cương quyết không xin lỗi Moscow.
Cuộc chiến của những cái tôi quá lớn
Trên tờ Aljazeera, chuyên gia Richard Giragosian bình luận, căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã leo thang nhanh chóng và ở vào thời điểm hiện nay, cả Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan đều không thể và không muốn lùi bước.
Theo ông Richard Giragosian, với cả hai nhà lãnh đạo, bất kỳ sự nhượng bộ nào đều được xem là hành động của sự yếu đuối. “Đối với cả hai người đàn ông này, sự cần thiết là giữ thể diện và duy trì một hình ảnh quyết đoán”, ông Giragosian viết.
Đối với ông Erdogan, một người có cá tính mạnh đôi khi đưa ra những quyết định một cách vội vã, một người luôn muốn tạo dựng hình ảnh về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và không thể bị khuất phục thì bất kỳ sự nhún nhường hay nhượng bộ nào cũng bị coi là bước thụt lùi không thể nào chấp nhận được.
Tương tự như vậy, Tổng thống Nga Putin cũng luôn muốn xây dựng hình ảnh mình là một nhà lãnh đạo đầy quyền lực và luôn biết tận dụng thời cơ trong khủng hoảng và tranh chấp.
Đối với ông Putin, sau những cuộc đối đầu với phương Tây, cái giá mà ông phải trả trong cuộc chiến này có thể còn cao hơn nhất là khi ông cần tạo dựng tầm ảnh hưởng riêng về sức mạnh của mình.
"Đây là 2 cá nhân có tính tự tôn rất cao và luôn tìm cách vươn lên đứng đầu. Cả hai đều tự coi mình là người chiến thắng", ông Charles Robertson, nhà phân tích Kinh tế Toàn cầu hàng đầu tại Renaissance Capital ở London nhận định.
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Thổ Nhĩ Kỳ đón nhận đòn trừng phạt của Nga mà không trả đũa gì".
Mối quan hệ phụ thuộc kinh tế
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch thương mại Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đạt gần 40 tỷ USD vào năm 2008. Trong ba năm qua, kim ngạch thương mại hai nước dao động ở mức từ 31-34 tỷ USD/năm. Vào thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga.
Tính đến trước thời điểm 24/11/2015 khi vụ Su-24 bị bắn xảy ra, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên tới 100 tỷ USD vào năm 2023.
Thậm chí các nhà ngoại giao của hai nước đã thảo luận về triển vọng ký kết thỏa thuận hình thành một khu vực thương mại tự do đối với hàng hóa, dịch vụ và đầu tư. Nói cách khác, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ muốn thị trường hai nước “hòa vào làm một”.
Xét về kim ngạch thương mại song phương, Nga hiện là đối tác lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ về nhập khẩu, thậm chí vượt qua Đức trong năm 2014. Ngược lại, Nga hiện không phải là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2015.
Tuy vậy, nếu Nga đột ngột cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, người dân miền đông nước này sẽ hứng chịu cảnh mất điện, không có nhiên liệu sưởi ấm và hóa đơn điện sẽ tăng rất cao.
Bên cạnh đó cũng phải tính đến việc hiện có hơn 8.000 người Nga đang sở hữu bất động sản ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Các khoản đầu tư của Nga vào Thổ Nhĩ Kỳ ước tính đạt 10 tỷ USD trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng đầu tư vào Nga số tiền tương đương và cung cấp hàng chục ngàn việc làm, hàng trăm triệu rúp tiền thuế cho Nga.
Theo các chuyên gia, quan hệ thương mại, đầu tư Nga - Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay cần phải được xem xét kỹ lưỡng. Bất kỳ động thái nào nhằm gây thiệt hại về kinh tế với Ankara cũng sẽ có tác động ngược lại đối với Moscow. Tuy nhiên, Moscow đã hành động.
Thổ Nhĩ Kỳ “trầy vi”, Nga cũng “tróc vảy”
Sự việc Su-24 bị bắn rơi buộc Tổng thống Nga Putin ký sắc lệnh áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Ankara, trong đó bao gồm lệnh cấm các doanh nghiệp Nga thuê mới công dân mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ và giới hạn nhập khẩu một số loại hàng hóa của nước này.
Sắc lệnh cũng đề nghị các hãng du lịch Nga hạn chế bán các tour du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ - điểm đến yêu thích của du khách Nga.
Giáo sư Stanislav Tkachenko, Ban Quan hệ quốc tế trường Đại học Tổng hợp quốc gia St. Pertersburg (Nga) cho rằng, Nga sẽ tự “bắn vào chân mình” nếu tham gia vào cuộc chiến kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc chiến này sẽ gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng Nga. Ngoài ra các biện pháp trừng phạt kinh tế không có mục đích rõ ràng sẽ gây hệ lụy xấu đến nền kinh tế và việc duy trì uy tín của Nga.
Tổn thất kinh tế của việc cắt đứt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đối với Nga có thể vượt quá 30 tỷ USD. Một số lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga như năng lượng, luyện kim sẽ bị giáng một đòn nặng.
Sự tăng trưởng kinh tế mong manh của Nga sau gần một năm suy thoái sẽ lại bị "vùi dập". Vì thế, dù được cho là “cửa trên” trong mối quan hệ song phương, việc Nga cương quyết “đánh” Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tránh khỏi làm thương chính mình.
Kịch bản nào cho tương lai?
Vụ bắn hạ Su-24 không phải là sự kiện gây căng thẳng duy nhất trong quan hệ giữa Moscow và Ankara. Thực chất, những mâu thuẫn giữa hai bên vốn được thừa hưởng từ những đế chế xung đột với nhau trong suốt hơn 3 thế kỷ tranh giành Biển Đen và Caucasus từ cuối thế kỷ 16.
Hiện tại đầy thực dụng đã kéo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ lại gần nhau hơn, tạo ra một liên minh dù không mấy chắc chắn nhằm đảm bảo các lợi ích kinh tế, chính trị, xã hội trong bối cảnh thế giới hiện tại.
Điều này được thể hiện rõ nhất thông qua dự án đường ống dẫn khí đốt mang tên “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”. Vụ Su-24 được giới phân tích nhận định đã đặt dấu chấm hết cho "kỷ nguyên vàng trong mối quan hệ Nga - Thổ" vốn mới nảy mầm chưa được bao lâu.
Theo giới phân tích, nếu hành động trừng phạt đơn phương hoặc trả đũa lẫn nhau không nhanh chóng chấm dứt, thì tình hình sẽ tiến dần hoặc xảy ra đồng thời theo 3 hướng.
Một là, các biện pháp leo thang và trừng phạt kinh tế sẽ tiếp diễn, đồng thời với các căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và NATO. Đây là kịch bản đáng lo ngại nhất nhưng ít có khả năng xảy ra.
Hai là, có khả năng dẫn đến đụng độ quân sự quy mô nhỏ giữa hai nước tại Syria, do hiện tại hai nước vừa chống lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS, vừa tham chiến trực tiếp để ủng hộ các lực lượng đối lập ở Syria.
Ở một khía cạnh tích cực khác, vụ rơi máy bay Nga có thể là "chất xúc tác" cho việc hình thành một nhóm đa quốc gia hợp tác chấm dứt chiến tranh ở Syria.
Ba là, Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa eo biển Bosphore và eo biển Dardanelles đối với Nga, dẫn đến việc hai bên cùng tiến hành trả đũa nhau trên quy mô lớn, kéo theo sự can dự của NATO. Nếu kịch bản này xảy ra, sẽ rất khó để có thể kiềm chế các hành động vượt ngoài tầm kiểm soát.
Theo các chuyên gia phân tích, nếu hai bên nhận thức được những nguy hiểm tiềm tàng và có các biện pháp xuống thang kịp thời, điều đó không chỉ tốt cho cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như cho cuộc chiến chống IS, mà còn giúp đưa đến sự hợp tác trong việc giải quyết vấn đề Syria và các vấn đề khác.