1 tỷ tin nhắn mỗi ngày
Một ngày sau khi lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công ở Paris, IS đã đăng tải một dòng tin nhắn trên một trong các website của chúng, khuyến khích những người đi theo mình tải ứng dụng Telegram.
Theo báo Mỹ The Daily Beast, chính IS cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công thông qua ứng dụng trò chuyện phổ biến này.
Sở dĩ Telegram được IS khuyến khích sử dụng là bởi, các tin nhắn văn bản mà chúng gửi cho nhau đều trở nên "vô hình" đối với các điệp viên và sẽ tự động mất đi sau một khoảng thời gian nhất định.
Công ty sở hữu ứng dụng này cho biết, đã có khoảng 1 tỷ tin nhắn, được gửi đi từ hơn 50 triệu người sử dụng mỗi ngày.
Theo The Daily Beast, ngoài IS, thì có thể những kẻ buôn lậu ma túy, xã hội đen hoặc các loại tội phạm khác cũng đã sử dụng ứng dụng này.
Ra đời năm 2013, Telegram là đứa con tinh thần của cặp anh em người Nga Pavel và Nikolai Durov. Pavel chính là nhà sáng lập mạng xã hội lớn nhất của Nga VKontakte.
Tất nhiên, cặp đôi này không bán sản phẩm của mình cho những kẻ khủng bố, song suy nghĩ về việc chống lại các động thái do thám của chính phủ cũng đóng góp một phần ý tưởng cho khi xây dựng và phát triển sản phẩm này.
Telegram khẳng định họ không có liên hệ gì với chính phủ Nga, bởi trên thực tế, trụ sở của công ty này nằm tại Berlin.
Thủ đoạn của khủng bố
Giám đốc Cục Tình báo Liên bang Mỹ CIA, ông John Brennan đã nhấn mạnh mối đe dọa mà theo ông, là xuất phát từ các công nghệ phổ biến và có tính bảo mật cao cho người dùng như thế này, khi nó rơi vào tay khủng bố.
Phát biểu trong một hội nghị về an ninh ở Washington, ông Brennan nhấn mạnh: "Hiện nay, đang tồn tại nhiều ứng dụng kỹ thuật gây khó khăn lớn, cả về kĩ thuật lẫn pháp lý, cho các cơ quan tình báo và an ninh trong việc nghiên cứu sâu tới mức cần thiết để phát hiện".
Nói về vụ khủng bố ở Paris, ông này cho rằng, sự phong phú của công nghệ ở thế kỉ 21 đang bị lợi dụng theo cách mà "luật pháp của thế kỉ 21 không thể đối phó một cách hiệu quả".
Ông Brennan đánh giá, việc những kẻ khủng bố IS sử dụng loại công nghệ phổ biến và có tính bảo mật cao này cho thấy, chúng đã nghiên cứu kỹ hoạt động của tình báo Mỹ và khai thác các lỗ hổng trong công nghệ do thám của chính phủ.
Ông này cũng dự đoán, những kẻ khủng bố thậm chí đã đi học để biết cách che giấu hoạt động của mình.
Các ứng dụng trò chuyện như Telegram đang "rơi vào tầm ngắm" của giới tình báo bởi chúng có thể tạo điều kiện cho những kẻ khủng bố hành động.
Thêm vào đó, Telegram và các ứng dụng tương tự như vậy đang khiến giới tình báo và an ninh đau đầu, bởi nó đã khiến họ không thể định vị và theo dấu những kẻ khủng bố tại Syria và Iraq.
Các quan chức Mỹ khẳng định, Telegram chỉ là một trong một chuỗi các hệ thống tin nhắn mà IS đang sử dụng để che giấu hoạt động liên lạc của chúng.
Trong vài tháng qua, Giám đốc FBI James Comey cũng đã cố gắng thúc đẩy các giải pháp đối với nguy cơ mà theo ông, nảy sinh khi các cơ quan thực thi hoạt động do thám điện tử không thể dễ dàng giải mã tin nhắn văn bản, email và các cách thức liên lạc của bọn tội phạm.
Tuy nhiên, The Daily Beast cũng tỏ ra lạc quan khi tiết lộ, một số ứng dụng như Snapchat hay Secret, có thể tiết lộ thông tin được cho là riêng tư từ người dùng hoặc bị hacker tấn công. Nói một cách khác, chúng không hoàn toàn bí mật.