Abdelhamid Abaaoud có thật sự tấn công Paris?
Theo tuyên bố của phát ngôn viên văn phòng công tố Paris ngày 20-11, hình ảnh trong camera cho thấy Abaaoud xuất hiện ở trạm tàu điện ngầm Croix de Chavaux tại vùng ngoại ô Montreuil phía đông Paris vào lúc 22g14 ngày 13-11.
Đây cũng chính là thời điểm mà cuộc tấn công xảy ra tại nhiều địa điểm ở thủ đô Paris khiến ít nhất 130 người thiệt mạng.
Trái với cảnh tượng hỗn loạn và đẫm máu bên trong sân vận động, nhà hát và các địa điểm bị tấn công khác, Abaaoud bước đi rất ung dung và thoải mái, thậm chí hắn còn không mang theo vé mà nhảy qua thanh chắn ở lối vào metro.
Hình ảnh trên khiến các nhà điều tra ngay lập tức kiểm chứng xem liệu Abaaoud có thật sự trực tiếp tham gia vào cuộc tấn công hay không.
Theo phía cảnh sát Pháp, dấu vân tay của nghi phạm được tìm thấy trên một trong những loại vũ khí được để lại trên chiếc xe Seat mà nhóm khủng bố dùng để di chuyển đến nơi tấn công.
Tuy nhiên, điều này chỉ chứng tỏ rằng hắn đã xử lý loạt vũ khí này, chứ không cho thấy hắn thật sự tham gia vào cuộc tấn công.
Hasna Aitboulahcen có thật sự kích bom liều chết?
Bên cạnh nghi vấn về sự xuất hiện bí ẩn của Abaaoud, cái chết của “em họ” hắn là AitBoulahcen cũng gây nhiều tranh cãi.
Ban đầu, nữ khủng bố được cho là đã kích nổ đai bom quấn quanh người khi lực lượng đặc nhiệm ập vào khu căn hộ Saint Denis mà nhóm khủng bố đang sử dụng làm căn cứ.
Tuy nhiên, kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy trên thi thể ả ta không hề có dấu hiệu của đai bom.
Bên cạnh đó, một nhân chứng còn trong khu căn hộ còn cho biết ngay khi biết tin về cuộc đột kích của lực lượng cảnh sát, Aitboulahcen còn bước ra cửa sổ, giơ hai tay lên trời, đồng thời hét to: “cứu tôi, hãy cứu tôi với”.
Ngay sau đó, cô này có cuộc trao đổi ngắn ngủi với cảnh sát về mối quan hệ với Abaaoud trước khi quả bom được kích nổ. “Anh ấy không phải bạn trai tôi” - cô hét lên trước khi bị xé tung thành từng mảnh.
Cái chết cùng biểu hiện kỳ lạ của Aitboulahcen khiến cho giới chức trách không khỏi nghi ngờ rằng đây chính là một cái bẫy.
Thêm vào đó, họ cũng nghi ngờ về mục đích của IS khi sử dụng Aitboulahcen làm chiến binh thánh chiến.
Theo lời mô tả từ các phương tiện truyền thông, Aitboulahcen không có đặc điểm nào phù hợp với tiêu chuẩn cực đoan của Hồi giáo, khi cô này hút thuốc, uống rượu, thường ra ngoài vào ban đêm, mặc đồ đàn ông, có nhiều bạn trai cũng như hiếm khi đến nhà thờ.
Chính vì thế, các nhà điều tra đang nghi ngờ về vai trò thật sự của Aitboulahcen trong cuộc đánh bom khủng bố Paris, khi cô này chính là hình ảnh trái ngược với bất cứ quy chuẩn phụ nữ nào mà IS từng đề ra khi thiết lập chế độ quản trị cực đoan.