Ba bên trên đều cho rằng, việc người Kurd đòi tự trị là một thách thức lớn đối với các bên trong cuộc nội chiến đã kéo dài 5 năm qua, đồng thời làm phức tạp thêm cuộc đàm phán về Syria đang diễn ra ở Geneva.
Kế hoạch thống nhất 3 tỉnh do người Kurd ở miền bắc Syria kiểm soát thành một hệ thống liên bang là nhằm tạo ra một khu vực tự trị ở bên trong đất nước này.
Theo đó, họ đã thống nhất thiết lập "Hệ thống liên bang dân chủ Rojava - Bắc Syria" tự trị. Rojava là tên của người Kurd ở phía bắc Syria.
Đây cũng là tình trạng đã xảy ra tại Iraq khi ông Saddam Hussein sụp đổ năm 2003.
Trong nhiều tháng qua, người Kurd dưới sự hỗ trợ quân sự của Mỹ đã đẩy lùi được IS để kiểm soát vùng đất rộng lớn ở miền bắc Syria. Tuy nhiên, Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) lại không được tham dự các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva.
Các lãnh đạo khu vực cho biết đang chuẩn bị cho một hệ thống liên bang, bao gồm cả việc bầu một nhà lãnh đạo chung và một hội đồng 31 thành viên nhằm xây dựng "nền tảng pháp lý và chính trị" cho hệ thống này trong vòng 6 tháng tới.
Reuters cho hay, một tài liệu được ban hành trong cuộc họp của các lãnh đạo khu vực trên cho hay, mục đích là nhằm "thiết lập khu vực tự trị dân chủ, tự điều hành tổ chức... trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, y ế, giáo dục, quốc phòng, văn hóa.
Cả chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng phản đối hành động trên.
Hãng thông tấn Syria SANA trích dẫn một nguồn tin Bộ Ngoại giao cho hay: "Bất kỳ thông báo nào như vậy đều không có giá trị pháp lý và sẽ không có bất kỳ tác động nào về mặt pháp lý, chính trị, xã hội hay kinh tế bởi nó không phản ánh ý chí của toàn dân Syria".
Trong khi đó, một quan chức ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Syria vẫn phải là một nước thống nhất, không bị suy yếu và người dân Syria phải quyết định về tương lai của mình phù hợp với hiến pháp. Mỗi đề xuất đơn phương như vậy đều gây tổn hại cho sự thống nhất của Syria".
Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng lo ngại rằng những ảnh hưởng của người Kurd ở Syria đang nhen nhóm ý định ly khai trong cộng đồng người Kurd của nước này.
Ngay cả Washington cũng nói không hài lòng với hành động trên của người Kurd.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: "Chúng tôi không ủng hộ khu bán tự trị hay tự trị hoàn toàn bên trong Syria.
Chúng tôi chắc chắn sẽ không ủng hộ. Những gì chúng tôi muốn thấy là một Syria thống nhất, toàn vẹn với một chính phủ không phải do ông Bashar al-Assad dẫn đầu và vì người dân Syria. Một Syria thống nhất, toàn vẹn, không bè phái. Đó chính là mục tiêu".
Tuần trước, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tiết lộ, vấn đề người Kurd ở Syria đòi tự trị có thể sẽ được đàm phán tại Geneva.
Đài Al Jazeera dẫn lời ông cho hay: "Tất cả người Syria đều từ chối chia rẽ Syria và vấn đề này sẽ được thảo luận tại các cuộc đàm phán".
Trong khi đó, PYD luôn tuyên bố muốn có một mô hình chính phủ phân cấp ở Syria, chứ không phải phân vùng. Những tài liệu được thống nhất hôm 17/3 nhấn mạnh rằng hệ thống liên bang mới sẽ "đảm bảo sự thống nhất lãnh thổ Syria".
Người Kurd là người dân tộc thiểu số đông nhất, chiếm hơn 10% dân số Syria. Họ đang kiểm soát một khu vực có chiều dài 400 km dọc theo biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ và một phần riêng biệt trong khu vực rộng lớn Afrin, tây bắc Syria.
Theo Reuters, hôm 12/3, chính phủ Syria kịch liệt bác bỏ ý tưởng sẽ áp dụng một hệ thống liên bang, chỉ vài ngày sau khi một quan chức Nga cho biết có thể áp dụng mô hình đó.
Hôm 16/3, Washington Post dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng, có thể áp dụng hệ thống liên bang nếu đó là lựa chọn của người dân Syria.