Tuyên bố trên được đưa ra đúng dịp đánh dấu 5 năm cuộc nội chiến Syria nổ ra và cùng ngày với vòng đàm phán hòa bình thứ hai tại Geneva.
Với hơn 300.000 người thiệt mạng và 11 triệu người dân Syria buộc phải rời khỏi quê hương, việc đàm phán hòa bình giữa chế độ ông Assad và các nhóm nổi dậy thành công là điều cộng đồng quốc tế mong mỏi hơn bao giờ hết.
Vậy việc rút quân đột ngột của Nga có ý nghĩa như thế nào đối với đàm phán Geneva và quan trọng hơn là tương lai của Syria? Câu trả lời phần nào được đưa ra trong bài phân tích của CNN dưới đây.
Tại sao Nga bất ngờ tuyên bố rút quân?
Theo ông James Gelvin, Giáo sư Lịch sử Đại học California, lợi ích của Nga khi ở lại Syria đã không còn tương ứng với chi phí mà nước này bỏ ra.
Ông Putin không cam kết sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ do IS và các nhóm nổi dậy khác chiếm đoạt cho chính phủ Syria nhưng theo ông Gelvin, thay mặt cho các lực lượng chính phủ Syria, Nga đã khiến cuộc chơi đạt được tiến triển.
“Quân đội Nga tới Syria tại thời điểm mà chính phủ nước này đang trên đà thất thủ. Moscow đã khiến “gió đổi chiều” và chính phủ Assad giờ đây đang dần lấy lại phong độ. Đó chính là điều mà ông Putin mong muốn”, ông Gelvin nói.
Tuy nhiên, điều gì cũng có cái giá của nó, ông Gelvin cho rằng động thái tưởng chừng như đột ngột của ông Putin thực chất lại là một sự tính toán tinh khôn khi các vòng đàm phán Geneva bắt đầu.
“Ông Putin quyết định rút quân để cho chính quyền Assad thấy được rằng Syria phải tự đi trên chính đôi chân của mình và buộc phải đàm phán”, ông Gelvin nhận định.
Thường trú viên CNN tại Moscow, Matthew Chance cho rằng ông Putin đang tuyên bố chiến thắng và rút quân trước khi mọi việc trở nên hỗn loạn hơn.
“Người Nga có thể nói rằng họ đã hoàn thành các mục tiêu quân sự, giúp đưa các đối tác trở lại bàn đàm phán, hỗ trợ đồng minh Bashar Assad ở Trung Đông với mức chi phí tối thiểu”, Chance nói.
Bên nào hưởng lợi sau khi Nga rút quân?
Nhà phân tích quân sự của CNN, Rick Francona cho rằng việc Nga can thiệp quân sự tại Syria đã giúp chính quyền Assad có được vị thế đàm phán có lợi hơn so với các nhóm đối lập.
Trước vòng đàm phán Geneva, đội quân của Tổng thống Assad đã có một nguồn lực mạnh mẽ hơn, cùng sự hỗ trợ của các lực lượng Nga.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đối với ông Putin, người nào thực sự nắm quyền lực ở Syria không quan trọng bằng đảm bảo sự hiện diện của binh lính Nga ở khu vực này và ông Putin có thể kêu gọi đồng minh Assad chấp nhận hòa giải, ví dụ như trường hợp của Iran.
“Phương Tây có thể buộc ông Assad phải từ chức trong khi đàm phán. Ông Putin biết rằng cuối cùng Assad sẽ phải ra đi. Và Tổng thống Nga sẽ không để cho mình rơi vào tình thế bất lợi vì Assad”, Francona nói.
Cuộc chiến chống IS sẽ ra sao?
Sergei Markov, cựu thành viên Quốc hội Nga, cho rằng tổ chức khủng bố IS, lực lượng từ chối tham gia đàm phán, giờ đang ở thế phòng thủ. “Các cơ sở kinh tế và lực lượng quân sự nòng cốt của IS đã bị phá hủy sau các cuộc không kích của máy bay Nga.
Vì vậy, trong vài tuần tới quân đội chính phủ Syria sẽ giành quyền kiểm soát Palmyria và kể cả không có sự hỗ trợ của không quân Nga thì lực lượng của ông Assad vẫn có thể đánh bại được IS vào khoảng giữa năm nay”, ông Markov nhận định.
Các cuộc không kích của Nga thường xuyên bị chỉ trích bởi những nhóm nổi dậy ôn hòa và các đồng minh phương Tây vì cho rằng Nga chủ yếu không kích các khu vực dân thường nhằm giúp đồng minh Assad “xóa sổ” các nhóm đối lập.
Tuy nhiên, các nhà phân tích hy vọng rằng, một khi tiến trình hòa bình được thiết lập thì Nga sẽ tập trung hơn vào các mục tiêu phiến quân.
Rick Francona nhận định: “Nga cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống IS nhưng Moscow cần phải nhắm vào IS chứ không phải các ném bom lực lượng nổi dậy. Nếu Nga muốn trở thành một đối tác thì họ phải thực sự hành động như một đối tác”.
Con đường phía trước của Syria?
Ông Francona cho rằng, khi Assad buộc phải từ chức, Syria và Nga có thể dựa vào Iran, một đồng minh thân cận khác để cung cấp những biện pháp an ninh cần thiết nhằm tránh bị ảnh hưởng sức mạnh từ lực lượng Mỹ ở Iraq.
Tuy nhiên, mọi cuộc chuyển giao quyền lực đều phải mất thời gian.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy được một xã hội Syria bình thường trong thời gian ngắn”, Francona nói.
Rất nhiều người Syria, như nhà văn, nhà hoạt động Ayman Abdel-Nour, Tổng biên tập của All4Syria Bulletin, hy vọng sẽ có một bản hiến pháp mới và tổ chức bầu cử tự do trong năm tới. Tuy nhiên, theo ông, việc “nhổ rễ” chế độ Assad mới chỉ bắt đầu.
“Người dân Syria không có giải pháp nào khác ngoại trừ biện pháp chính trị, hòa giải và chuyển giao luật pháp, sau đó mới có thể xây dựng lại cơ sở hạ tầng, các thành phố bị tàn phá, các bệnh viện, trường học chỉ còn là đống tro tàn”, ông Abdel-Nour nói.
Ông Assad thực sự sẽ đi?
Phe đối lập Syria muốn ông Assad phải ra đi nhưng nếu phương Tây kêu gọi lật đổ Tổng thống Syria thì ngay lập tức đàm phán hòa bình sẽ sụp đổ.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia Gelvin và Francona đều nhận định rằng đồng minh Nga có thể đã sẵn sàng buộc Assad rời nhiệm sở bởi sự hiện diện của ông đã không còn là trung tâm trong kế hoạch khu vực Trung Đông của Moscow.
Đối với nhiều người dân Syria, việc thay đổi người lãnh đạo còn hơn là một sự kiện chính trị, mà đó là biện pháp để hàn gắn đất nước. “Gia đình Assad nên từ bỏ quyền lực và trao lại cho người dân Syria quyết định thể chế của riêng mình thông qua bầu cử tự do”, ông Abdel-Nour cho biết.