Nghi ngờ Nga, Israel dự tính tăng cường ảnh hưởng tại Syria

Thùy Trang |

Israel đang xem xét tới việc gia tăng can thiệp quân sự cũng như tầm ảnh hưởng tại Syria trong tương lai, chuyên gia Ben Caspit của Al-Monitor cho biết.

Một ngày sau khi Tổng thống Nga bất ngờ tuyên bố rút quân khỏi Syria, Trung tướng Gadi Eizenkot, tham mưu trưởng của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã đứng trước Ủy ban Ngoại giao và Quốc phòng của Knesset và thừa nhận:

"Cũng như bao người khác, chúng tôi không hề được báo trước về điều này."

Tuy nhiên, theo Trung tướng Eizenkot, trước đây, Israel đã dự đoán được quyết định can thiệp quân sự của Moscow.

"Chúng tôi đã nhận được nhiều mật hiệu cũng như báo cáo tình báo" - ông Elzenkot nói.

Cụm từ "người khác" của tham mưu trưởng rõ ràng đang ám chỉ Mỹ. Tuyên bố được đưa ra đúng lúc Bộ trưởng Quốc Phòng Israel Moshe Ya'alon đang dự cuộc họp với người đồng cấp của Mỹ là Ashton Carter tại Lầu Năm Góc.

Các nguồn tin thân cận theo ông Ya'alon đến Washington cho biết phía Mỹ cũng bất ngờ với quyết định trên.

Theo đánh giá của Israel, quá trình rút quân của Nga sẽ diễn ra từ từ, và ngay cả khi đã hoàn thành, quân đội Nga vẫn sẽ rải rác khắp lãnh thổ Syria.

Israel cũng tính tới viễn cảnh lệnh rút quân chỉ là chiêu thức Putin dùng để xoa dịu công chúng. Nga sẽ tiến hành dàn mỏng lực lượng, trong khi vẫn tiếp tục can thiệp quân sự tại Syria.

"Tổng thống Putin nhiều năm nay đã đánh lạc hướng thành công cả thế giới. Chúng ta không bao giờ đoán được điều ông đang dự tính.

Đừng quên rằng Nga từng nhiều lần phủ nhận ý định can thiệp quân sự vào Syria cho đến tận ngày máy bay của họ hạ cánh tại Latakia.

Hiện nay, mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ, và không ai biết Putin thực sự muốn gì" - một nguồn tin có uy tín tại Israel trả lời Al-Monitor.

Trùng hợp thay, Tổng thống Reuven Rivlin lại có một chuyến thăm chính thức Moscow vào ngày 16/3, chỉ 48 tiếng sau tuyên bố của Nga.

Sau khi nhận được báo cáo khẩn từ các nguồn tin quốc phòng, ông đã ngay lập tức họp bàn với Thủ tướng Benjamin Netanyhu trước khi lên đường.


Tổng thống Israel Reuven Rivlin và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin. Ảnh: AFP

Tổng thống Israel Reuven Rivlin và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin. Ảnh: AFP

Bởi vậy, ông Rivlin vô tình đã trở thành cầu nối giữa Putin và những người dân Israel đang "đứng ngồi không yên", chuyên gia Ben Caspit của Al-Monitor viết.

Tổng thống Israel được kỳ vọng sẽ cung cấp cho Moscow các bằng chứng quyết định liên quan đến việc Iran vận chuyển vũ khí Nga cho Hezbollah, bên cạnh nhiều thông tin tình báo khác.

Thông điệp Rivlin gửi đến Putin hoàn toàn rõ ràng: Các cuộc "dàn xếp" liên quan đến Syria không được phép làm gia tăng tầm ảnh hưởng của Iran và Hezbollah.

Iran không được đặt ách cai trị tại Syria. Bên cạnh những phần tử cực đoan dòng Sunni, phe khủng bố dòng Shiite cũng là mối đe dọa đối với toàn thế giới, trong đó có cả Nga.

Bấy lâu nay, nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra tại Israel, xoay quanh vấn đề "tương lai" sau ngày các bên đạt được thỏa thuận tại Syria

Các nhà lãnh đạo Israel không loại trừ khả năng tuyên bố của Nga là kết quả sau khi Putin và Tổng thống Obama thỏa thuận về phương án chia cắt Syria.

Trong trường hợp đó, một nhân vật cấp cao trong hàng ngũ quốc phòng Israel cho biết: "Israel sẽ làm mọi điều trong khả năng để ngăn chặn Hezbollah và Vệ binh Cách mạng Iran giành được quyền hiện diện thường trực dọc theo biên giới Cao nguyên Golan."

Khi được hỏi Israel sẽ phải làm gì nếu yêu cầu này bị từ chối trong khuôn khổ dàn xếp. nguồn tin xin giấu tên này đáp lại: "Mọi thứ, kể cả phải dùng đến quân đội.


Quân đội Israel tại Cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters

Quân đội Israel tại Cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters

Israel lâu nay luôn đứng ngoài những cuộc giao tranh đẫm máu tại Syria. Nhưng trong thời khắc quyết định, chúng tôi sẽ không đánh mất lập trường. Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự xuất hiện của một mặt trận mới đối đầu với Israel tại Golan."

Một trong những chuyên gia hàng đầu về Nga của Israel là Yaakov Kedmi. Ông từng đứng đầu "Nativ", một tổ chức mật có nhiệm vụ liên lạc với người Do Thái Nga sau Tấm rèm thép, trước khi Liên Xô sụp đổ.

Chuyên gia Kedmi cho rằng không có chuyện Nga thực sự rời khỏi Syria.

"Tôi thấy rằng hầu hết các nhà bình luận đều không hiểu thấu đáo tuyên bố của Putin. Hải quân Nga vẫn còn ở Tartus. Hơn một nửa số máy bay chiến đấu vẫn đậu tại Latakia.

Lực lượng không quân Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ Assad trong các cuộc tấn công phe nổi loạn. Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 vẫn ở lại.

Quả thật, một vài máy bay, hầu hết là Su-34, đang trên đường về Nga, nhưng các cố vấn quân sự cho Syria vẫn ở lại, hệ thống điện, hậu cần, máy bay không người lái cũng vẫn còn đó.

Đây không phải là rút quân, mà đơn giản chỉ là dàn mỏng lực lượng" - ông nhận định.

Theo ông Kedmi, sau khi đánh giá tình hình, người Nga đã đi tới kết luận rằng đã đến lúc giảm bớt lực lượng tại Syria.

"Phạm vi hoạt động của không quân Nga đã giảm tới 2/3 sau lệnh ngừng bắn, tuy nhiên, các cuộc không kích của quân đội Syria lại tăng lên tới khoảng 30 vụ một ngày. Bên cạnh đó, chất lượng của các cuộc không kích cũng tăng lên theo.

Số lượng các mặt trận chính đã giảm từ 12 xuống còn 6, và người Nga đúc kết được rằng Syria nay đã có thể tự đứng trên đôi chân của mình. Đó mới là toàn cảnh sự việc."

Không phải toàn bộ lực lượng quốc phòng Israel đều đồng ý với phân tích này.

Ngày 15/3, đại sứ Nga tại Israel, Alexey Drobinin, đã khẳng định: "Iran và Hezbollah không phải là đồng minh của chúng tôi. Nga hiểu rất rõ tình hình an ninh quốc gia cũng như mong muốn của Israel, bao gồm cả vấn đề Syria".

Tuy nhiên, chỉ một vài lời nói thì không đủ để "vỗ về" một đất nước đang bất an.

Israel vẫn tiếp tục thận trọng quan sát diễn biến tình hình. Đồng thời, đây cũng là lần đầu Jerusalem xem xét việc tăng cường can thiệp quân sự, gây ảnh hưởng tới "những ngày tháng sau này" tại Syria, đặc biệt là ở khu vực dọc theo biên giới Golan.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại