Ngoại trưởng Nga nổi cáu vì phát ngôn "xúc phạm và vô liêm sỉ" của Ba Lan

Huỳnh Linh |

Trong bối cảnh bất đồng leo thang giữa Nga và Ba Lan trước lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng trại giam Auschwitz-Birkenau, ngày 22/1 giữa hai nước lại có thêm một tranh cãi ngoại giao do một cuộc phỏng vấn.

Mọi vấn đề nảy sinh từ một câu nói trong buổi phỏng vấn kéo dài 14 phút trên một đài phát thanh Ba Lan.

Đầu tiên là xích mích từ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tới tham dự buổi lễ kỷ niệm Hồng quân Liên xô giải phóng trại giam “tử thần” năm 1945 được tổ chức vào ngày 27/1 trên lãnh thổ Ba Lan bị quân Phát xít chiếm đóng lúc bấy giờ.

Cổng chính của trại "tử thần" Auschwitz II (Birkenau), Ba Lan.

Hiện Nga đang rất phẫn nộ trước lời của Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna ngày 21/1 khi nói rằng công lao giải phóng trại Auschwitz là của các binh lính Ukraine.

Thông qua đại sứ Nga ở Liên Hợp Quốc và Ngoại trưởng Sergei Lavrov, các quan chức Nga đã thể hiện rất rõ sự tức giận của mình trong nhiều tuyên bố và phỏng vấn bằng nhiều thứ tiếng ngày 22/1.

“Không tôn trọng tình cảm dân tộc của người khác trong trường hợp này là một việc hết sức xúc phạm và vô liêm sỉ”, ông Lavrov trả lời phỏng vấn hãng tin Tass.

Bối cảnh

Cuộc tranh cãi xảy ra ngay lúc căng thẳng giữa Nga và các nước phương Tây đang tăng cao vì vấn đề khủng hoảng ở Ukraine.

Ba Lan - một thành viên của NATO, đã có thái độ cứng rắn về việc Nga sáp nhập Crimea và hỗ trợ cho lực lượng ly khai trong cuộc chiến với quân đội Ukraine ở khu vực Donetsk và Lugansk.

Ông Putin đã phải đón nhận sự đón tiếp lạnh nhạt trong các sự kiện quốc tế gần đây.

Đơn cử, tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Australia mùa thu năm ngoái, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã thể hiện rõ thái độ khi tiến tới phía ông Putin và nói rằng: “Ông cần phải rút khỏi Ukraine”.

Lễ kỷ niệm 70 năm

Tổng thống Nga Vladimir Putin đặt nến tại lễ kỷ niệm 60 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz ngày 26/1/2005.

Các lễ kỷ niệm Auschwitz đã trở thành một trong những lý do gây nên cuộc tranh cãi tuần trước, khi điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự buổi lễ cùng nhiều lãnh đạo thế giới khác.

Trại tập trung Auschwitz hay Nhà tù Auschwitz ở Ba Lan là trại lớn nhất trong các trại tập trung của Đức Quốc xã.

Ông Putin đã từng phát biểu ở trại Auschwitz trong lễ kỷ niệm 60 năm. Nhưng lần này, phát ngôn viên Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết ông Putin đã không nhận được lời mời chính thức.

Tuy nhiên, trên thực tế, không có lời mời chính thức nào được gửi đến các chính trị gia cũng như lãnh đạo các nước, phát ngôn viên Pawel Sawicki của đơn vị tổ chức sự kiện Auschwitz nói với tờ The Globe and Mail.

Vì sự kiện năm nay có thể sẽ là lễ kỷ niệm quy mô lớn cuối cùng tập trung được những tù nhân còn sống, nên nhà tổ chức đã quyết định hướng chú ý đến 300 cựu tù nhân tham dự buổi lễ.

Lễ kỷ niệm do Bảo tàng quốc gia Auschwitz-Birkenau và Hội đồng quốc tế của bảo tàng đứng ra thực hiện.

Theo lời ông Sawicki, họ đã không thông báo đến đại sứ quán của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và các nước hỗ trợ tài chính cho bảo tàng, trong đó có cả Nga.

Việc chọn lựa người tham dự sự kiện này phụ thuộc vào chính mỗi nước, ông Sawicki nói.

Tính đến giờ đã có 41 nước xác nhận sẽ tham dự buổi lễ.

Ông Sawicki cũng cho biết theo thông báo từ phía Nga, đoàn của họ sẽ do ông Sergei Ivanov - Chánh Văn phòng Tổng thống Nga dẫn đầu.

Tuy không có lời mời chính thức nhưng trong chuyến thăm đến Kiev ngày 19/1 Thủ tướng Ba Lan Ewa Kopacz đã mời Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đến tham dự lễ kỷ niệm Auschwitz.

Cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh

Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna trả lời phỏng vấn của đài quốc gia Polskie Radio.

Tranh cãi mới nhất bắt đầu từ ngày 21/1 khi Ngoại trưởng Ba Lan trả lời phỏng vấn của đài quốc gia Polskie Radio.

Ông Schetyna - người có bằng thạc sĩ sử học, đã được hỏi rằng liệu Ba Lan có phải đã cư xử nhỏ mọn khi không mời ông Putin hay không, dù Nga là người kế tục của Liên Xô và cũng chính Hồng quân đã mở cánh cổng của trại Auschwitz.

Ông Schetyna đã nói rằng trại được “giải phóng nhờ Phương diện quân Ukraina 1 và người Ukraine” và nói thêm: “Binh lính Ukraine… đã mở cổng trại”.

Phương diện quân Ukraine

Cả truyền thông Ba Lan và Nga đều nhanh chóng lưu ý rằng Phương diện quân Ukraina 1 là một tổ chức tác chiến chiến lược của Hồng quân Liên Xô được thành lập ngày 20/10/1943 ở phía tây nam Mặt trận Xô-Đức theo chỉ lệnh của Bộ Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên Xô.

Cái tên đó là chỉ là cách gọi của một trong những đội thuộc Hồng quân chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine khi Hồng quân di chuyển sang phía tây để đẩy lùi quân Đức.

Người Liên Xô không chỉ là những người giải phóng Auschwitz mà hàng nghìn tù nhân trong trại này cũng là các công dân Xô Viết.

Trước khi trở thành trung tâm “tử thần”, Auschwitz được mở ra vào mùa xuân năm 1940 như một trại tập trung cho các tù nhân chính trị Ba Lan. Một năm sau đó, quân Đức bắt đầu đưa tù nhân chiến tranh của Xô Viết đến trại.

Theo số liệu của bảo tàng, có khoảng 1,1 - 1,3 triệu tù nhân đã chết ở trại Auschwitz, trong đó hơn 1 triệu là người Do Thái, 70.000 - 150.000 người Ba Lan và 15.000 tù nhân chiến tranh Xô Viết.

Chỉ vài giờ sau cuộc phỏng vấn của ông Schetyna, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ba Lan Marcin Wojciechowski đã đăng tải trên mạng Twitter nhằm làm dịu căng thẳng hai bên: “Tất cả các nước Liên Xô cũ đều có quyền tự hào về chiến thắng Phát xít và sự giải phóng trại tập trung Auschwitz-Birkenau”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại