Nga xây dựng quân đội ở châu Á nhằm "giành giật" uy thế với Trung Quốc

Anh Tuấn |

Nga sẽ tăng cường quân số ở vùng Trung Á nhằm củng cố an ninh tại khu vực mà Trung Quốc đang có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, nhằm gây dựng vị thế ngang bằng với nước này.

Tháng 7 tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh giữa các nước trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRICS, hai khối kinh tế mà Nga và Trung Quốc hiện là thành viên.

SCO còn có các nước Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, còn BRICS bao gồm cả Brazil, Ấn Độ và Nam Phi. Dự kiến cuộc họp sẽ được tổ chức tại thành phố Ufa ở miền Nam nước Nga.

Theo nguồn tin từ chính phủ Nga, Điện Kremlin cũng có kế hoạch tổ chức một cuộc hội đàm 3 bên giữa SCO, BRICS, và Liên minh Kinh tế Á-Âu, có thành viên là các nước Liên Xô cũ.

Nền kinh tế của các nước Trung Á trong SCO đang chịu ảnh hưởng tiêu cực khi giá các mặt hàng nhu yếu phẩm đang giảm.

Khu vực đang ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc và dự kiến họ sẽ tham gia vào tổ chức Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á do Trung Quốc đứng đầu trong tương lai.

Bản thân Nga cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc do tình hình kinh tế đất nước đang rơi vào suy thoái sau khi quan hệ giữa nước này với phương Tây trở nên căng thẳng vì vấn đề Ukraine.

Với việc Trung Quốc thiết lập tuyến đường thông thương xuyên lục địa, cách duy nhất để Nga có thể cân bằng ảnh hưởng trong khu vực là bằng biện pháp quân sự.

Nga cho biết họ sẽ tăng số lượng quân đội đóng tại Tajikistan lên thành 9.000 quân. Họ cũng sẽ đưa các máy bay không người lái tới một căn cứ không quân ở Kyrgyzstan và xây dựng thêm nhiều cơ sở quân sự trong khu vực.

Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), gồm 6 nước Liên Xô cũ (trong đó có Nga) đã thực hiện các cuộc tập trận tại Tajikistan vào tháng trước.

Các nước Trung Á đang lo ngại trước việc lực lượng khủng bố Hồi giáo đang tràn vào từ Afghanistan và sự sa sút về kinh tế sẽ khiến quần chúng dao động, và Nga muốn lợi dụng tình hình này.

Nước này đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ quân đội cho Turkmenistan, hiện đang củng cố quan hệ với Trung Quốc.

Trung Quốc có kế hoạch tiếp cận nguồn khoáng sản dồi dào của vùng Trung Á và muốn thiết lập một tuyến đường vận chuyển xuyên lục địa tới các thị trường châu Âu qua khu vực này.

Nếu tình hình an ninh trong khu vực bất ổn, Bắc Kinh sẽ không thể hiện thực hóa dự án Con đường Tơ lụa của mình.

Sự xuất hiện của các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Trung Á sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là một rủi ro lớn đối với vùng Tân Cương vốn đã bất ổn nhiều năm qua.

Theo một nhà ngoại giao Châu Âu, cả Nga và Trung Quốc đều mong muốn Trung Á được ổn định và không bị các nước phương Tây ảnh hưởng.

Nhưng Trung Quốc tỏ ra rất dè dặt trong việc triển khai quân đội để bảo vệ khu vực.

Người này nói, rất có thể Nga sẽ đảm trách vai trò quân sự, còn Trung Quốc sẽ thực hiện hoạt động kinh tế của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại